9 khu du lịch không phép dọc suối Lương: Bao giờ mới xử lý?

Thứ bảy, 20/05/2017 10:51

(Cadn.com.vn) - Dọc suối Lương (P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) hiện có 9 khu du lịch (KDL) không phép, không chỉ tác động đến môi trường, nguồn nước đổ về nhà máy nước Hải Vân, các điều kiện đảm bảo an toàn cho khách mà địa phương cũng chẳng thu được đồng thuế nào. Lãnh đạo UBND Q. Liên Chiểu biết các KDL này tồn tại đã lâu, mùa nắng đón hàng ngàn lượt khách nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Có 9 KDL không phép dọc suối Lương.

Bên trong các khu du lịch “chui”

Hàng trăm sạp gỗ, bê-tông, hàng chục hồ nước, rồi nhà cấp 4, nhà bếp, vệ sinh… được xây dựng bên trong các KDL “chui”. Quá trình xây dựng không phải ngày một ngày hai, số lượng khách đến với các KDL này không phải ít, do đó cũng khó có thể nói hoạt động du lịch “chui” này dễ dàng lọt qua mắt sự quản lý của địa phương. Nhưng điều khó tin đó vẫn tồn tại.

Với lợi thế bên con suối trong mát, khung cảnh đẹp lại không xa trung tâm thành phố, vì thế khi được giao đất giao rừng, các chủ hộ được giao đất rừng đã âm thầm chuyển sang làm du lịch trái phép. Chúng tôi tìm tới KDL của ông Phạm Đông để “mục sở thị”. Trong khu đất rộng bên suối Lương được giao trồng rừng năm 2003, ông đã cải tạo, xây mới cơ sở kiên cố để phục vụ du lịch, như: nhà sàn bê-tông, trụ sắt tới 40m2, nhà cấp 4 diện tích 64m2, 4 hồ nước 50m2, sạp sàn gỗ… Cách đó không xa, KDL do ông Nguyễn Hiền kinh doanh (đất rừng giao cho ông Phạm Tâm) cũng được dựng lên với 6 sạp gỗ lợp lá (6m2/sạp), 3 hồ nước  diện tích 100m2, mái che khung sắt lợp lá 100m2, nhà cấp 4 diện tích 72m2. Tương tự, trong khu đất rừng được giao từ hơn chục năm trước, nhưng đến năm 2014, thấy nhu cầu khách tới suối Lương tắm, tận hưởng các dịch vụ du lịch tăng cao, ông Nguyễn Văn Dũng quyết định đầu tư 40 sạp gỗ lợp tôn dưới lòng suối, mỗi sạp 6m2. Ngoài ra ông Dũng còn làm nhà cấp 4 diện tích 100m2, làm cầu sắt lát gỗ, một số sàn bê-tông cốt thép… để phục vụ khách du lịch. Cách khu của ông Dũng không xa là khu phục vụ du lịch do bà Ngô Thị Sen kinh doanh từ tháng 3-2017 với 4 hồ nước diện tích 80m2, 4 sạp gỗ 32m2, nhà sàn gỗ… Ngoài ra còn một số KDL khác, tổng cộng 9 khu dọc suối Lương đều kinh doanh du lịch không phép.

Sạp gỗ kiên cố được dựng bên suối Lương phục vụ du lịch.

Cho tồn tại để… chờ?

Có KDL kinh doanh từ rất lâu, nhưng cũng có những KDL mới kinh doanh chưa được bao lâu. Điều đáng nói, việc xây dựng các KDL mà không được cấp phép, không được thẩm định tác động về môi trường, nguồn nước dọc suối Lương sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường. Đơn cử, việc đắp đập xây các hồ nước dọc suối Lương đã tác động đến dòng chảy, làm nguồn nước về phía cuối nguồn cạn kiệt, gây khó khăn cho nhà máy nước Hải Vân, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ người dân. Mặt khác, các KDL khi được thẩm định, cấp phép, phải đảm bảo các điều kiện nhất định như phương tiện cứu hộ an toàn cho khách tắm suối; chất lượng nguồn thực phẩm phục vụ khách; giá cả dịch vụ thu của du khách cũng phải được kiểm soát. Đặc biệt, các KDL này đều không phép, tức là hoạt động “chui”, đương nhiên địa phương chẳng thu được đồng thuế nào. Suối Lương là tài nguyên, nó bị một số người chiếm dụng khai thác du lịch, trực tiếp tác động vào hệ sinh thái, gây ra nhiều hệ lụy, song lại không phải nộp đồng thuế nào, đó là điều rất phi lý.

Ông Trương Việt- Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Bắc cho biết, các hộ dân làm KDL tự phát này từ lâu rồi, từ hồi BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân quản lý, rồi đến Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, mãi tới năm 2014 mới giao cho phường quản lý. Từ hồi phường quản lý thì không có hiện tượng xây dựng trái phép trên đó. Ông Việt cũng cho biết địa phương có mời đại diện các hộ kinh doanh du lịch lên tập huấn, yêu cầu trang bị áo phao, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, khu vực này là đất rừng, không được phép làm du lịch. Do vậy, dù các hộ này kinh doanh du lịch, địa phương biết, nhưng cũng không thu thuế được. Khi được hỏi về hướng xử lý các KDL không phép này, ông Việt nói: “Cái này tự phát lâu rồi, mình muốn dẹp họ thì không được, giờ mình chỉ có kiểm soát họ thôi. Hướng là sẽ đề xuất để họ làm du lịch sinh thái”. Hiện tại P.Hòa Hiệp Bắc đã báo cáo thực trạng các KDL không phép dọc suối Lương lên UBND Q. Liên Chiểu.

Trao đổi với P.V qua điện thoại, ông Đàm Quang Hưng- Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu cho biết, trước mắt giao cho phường quản lý giữ nguyên hiện trạng, cấm không để phát sinh thêm các hộ làm du lịch. Quận cũng đang chỉ đạo rà soát lại toàn bộ tính pháp lý của các KDL tự phát đó, nếu đảm bảo đầy đủ các yêu cầu quy định sẽ xem xét cụ thể. Như vậy, hiện tại các KDL không phép dọc suối Lương vẫn tiếp tục được tồn tại để… chờ. Cũng có nghĩa, dù đã hoạt động không phép rất rõ ràng, nhưng các KDL này không bị đình chỉ mà vẫn được tồn tại công khai để chờ xử lý, và không biết chờ đến bao giờ?!

Hải Quỳnh