Abu Sayyaf thực sự bị đánh bại?
Sau cuộc bao vây Marawi kéo dài 5 tháng và cái chết của thủ lĩnh lâu năm Isnilon Hapilon, Abu Sayyaf, một trong những nhóm tội phạm lâu đời ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với một tương lai bất định.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham gia tang lễ 15 binh sĩ thiệt mạng |
Abu Sayyaf tham gia tấn công vào Marawi - thành phố có đa số người Hồi giáo sinh sống nằm trên đảo Mindanao của Philippines, cùng với nhóm Maute, vốn ủng hộ IS, do anh em Abdullah và Omar đứng đầu.
Bạo lực bùng nổ ngày 23-5 sau cuộc đột kích của quân đội Philippines làm nhằm vào quân nổi dậy. Sau hơn 5 tháng chiến đấu ác liệt, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố giải phóng thành phố sau cái chết của Isnilon Hapilon và Omar Maute hôm 16-10. Chính phủ ước tính hơn 900 phiến quân đã bị tiêu diệt, nhưng mối đe dọa của những kẻ Hồi giáo cực đoan trong khu vực đã không biến mất. Nhóm Maute mới được hình thành có thể mờ dần, nhưng các chiến binh dày dạn kinh nghiệm của Abu Sayyaf có khả năng hồi phục.
Nhóm Abu Sayyaf vẫn sống?
Nhóm Abu Sayyaf xuất hiện tại Philippines từ đầu những năm 1990, sống sót bất chấp việc nhiều thủ lĩnh trước đây bị tiêu diệt. Nhóm vẫn hoạt động rải rác trên các vùng biển cho đến các khu vực xa xôi hẻo lánh ở miền nam Philippines.
Mặc dù Hapilon cam kết trung thành với IS vào năm 2014, Abu Sayyaf có nguồn gốc từ cuộc đấu tranh chính trị lâu dài ở Mindanao, nơi nhóm nổi dậy Mặt trận Giải phóng Quốc gia Moro (MNLF) đã chiến đấu để có được sự tự chủ lớn hơn từ những năm 1970. Năm 1991, cựu thành viên MNLF, Adburajak Janjalani, đã thành lập Abu Sayyaf như một nhánh tiên phong để đấu tranh vì một quốc gia Hồi giáo độc lập hoàn toàn.
Trong những năm đầu tiên, nhóm phát động loạt các cuộc tấn công hình sự và khủng bố, thu hút sự hỗ trợ từ Al-Qaeda và Jemaah Islamiyah ở Indonesia. Tuy nhiên, sau chiến dịch đàn áp quân sự do Mỹ hậu thuẫn sau vụ khủng bố 11-9 dẫn đến cái chết của nhiều thủ lĩnh cấp cao, Abu Sayyaf vào giữa những năm 2000, phân chia thành nhiều phe phái và hoạt động như một nhóm tội phạm. Abu Sayyaf nổi tiếng với một loạt các vụ bắt cóc con tin ở biển Sulu, đòi khoản tiền chuộc nhiều triệu USD để tài trợ các hoạt động của nhóm. Nhóm đã gây ra sự phẫn nộ quốc tế sau khi chặt đầu một số con tin phương Tây - trong đó có 2 người Canada vào năm 2016 - khi yêu cầu tiền chuộc không được đáp ứng.
Các vụ tấn công do các phe Abu Sayyaf thực hiện ở Basilan và Sulu kể từ tháng 5 cho thấy, nhóm này vẫn duy trì sự hiện diện và khả năng hoạt động đáng kể trong các thành trì truyền thống. Tại Basilan, 7 con tin bị chặt đầu vào ngày 31-7. Tại trấn Maluso các tay súng Abu Sayyaf đã lục soát và giết chết 9 thường dân vào cuối tháng 8.
Cuộc chiến ở Marawi
Cuộc bao vây Marawi đánh dấu bước ngoặt lớn đối với Abu Sayyaf. Khi những người theo Hapilon tham gia vào nhóm Maute, nhóm này lần đầu tiên tham gia vào một cuộc nổi dậy vũ trang quy mô lớn. Nhưng hiện giờ Hapilon đã bị tiêu diệt, những thứ còn sót lại của Abu Sayyaf ở miền nam Philippines là gì? Liệu cái chết của Hapilon có phải là dấu hiệu kết thúc biến cố phe phái gần đây của Abu Sayyaf? Và, nhóm này sẽ gây ra mối đe dọa nào trong những năm tới?
Trong khi phần lớn phe của Hapilon đã chiến đấu ở Marawi, vẫn chưa rõ chính xác có bao nhiêu tay súng của Abu Sayyaf tham gia vào cuộc bao vây này. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy một tỷ lệ đáng kể gồm 400 thành viên của nhóm đã ở lại trong các căn cứ. Các tay súng được chia thành hai nhóm, tách biệt cả về mặt địa lý và hoạt động. Thứ nhất, một số phe phái Abu Sayyaf liên kết lỏng lẻo hoạt động tại Basilan, phần mạnh nhất do Hapilon dẫn đầu và đã cam kết trung thành với IS. Tuy nhiên các phe phái tại Basilan không bị kiểm soát bởi Hapilon, bao gồm phe do Furuji Indama chỉ huy, đã không đến Marawi. Thứ hai, Abu Sayyaf có nhiều nhánh tại quần đảo Sulu, nơi mà Radullan Sahiron là kẻ đứng đầu. Các phe phái tại Sulu đã không cam kết trung thành với IS và vẫn theo đuổi lý tưởng riêng.
Khi cuộc bao vây Marawi kết thúc, chưa thể khẳng định liệu Abu Sayyaf sẽ quay trở lại hoạt động như một nhóm tội phạm địa phương tập trung chủ yếu vào việc bắt cóc con tin, bắt và tấn công các lực lượng an ninh hay một số phe phái vẫn sẽ liên kết với IS, tuyên truyền hệ tư tưởng và hỗ trợ tài chính cho nhóm này.
Rất khó bị đánh bại
Trong thực tế, Abu Sayyaf rất khó bị đánh bại. Sự tan rã của nhóm thành các phe phái kể từ giữa những năm 2000 khiến việc tiêu diệt nhóm gặp nhiều khó khăn.
Nhóm hoạt động ở các khu vực hẻo lánh, ở các hòn đảo như Basilan và quần đảo Sulu nên dễ dàng khởi động các cuộc tấn công và rút lui khi bị đe dọa. Nhóm này vẫn duy trì được sự hỗ trợ của địa phương khiến nó khó bị phát hiện. Những yếu tố này kết hợp khiến cho Abu Sayyaf bền vững hơn so với một nhóm nổi dậy thông thường hoặc tổ chức khủng bố. Xét cho cùng, Abu Sayyaf đã sống sót qua các cuộc tấn công quân sự lặp đi lặp lại kể từ đầu những năm 1990 dưới thời các tổng thống Philippines trước đây.
Cái chết của Hapilon và sự cảnh giác cao độ của các tiểu bang trong khu vực sau vụ Marawi có thể hạn chế khả năng tiếp cận của Abu Sayyaf trong những năm tới. Nhiều khả năng nhóm này sẽ trở lại trạng thái trước đây, hoạt động như tổ chức tách rời gồm các phe phái liên kết lỏng lẻo. Chiến thuật của nhóm trong những năm tới có thể là các cuộc tấn công quy mô nhỏ, phục kích các mục tiêu của quân đội, và nỗ lực thực hiện nhiều vụ bắt cóc hơn. Tuy nhiên, "yếu tố IS" là không thể đoán trước.
AN BÌNH (Theo Diplomat)