ADB: Việt Nam có thể tăng trưởng 7,1% trong năm 2018

Thứ năm, 12/04/2018 11:14

Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đạt được kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 7,1% trong năm 2018, trước khi giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019. Đây là thông tin đưa ra tại họp báo ra mắt Báo cáo triển vọng phát triển Châu Á năm 2018 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam tổ chức ngày 11-4.

Giám đốc ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick (ảnh) cho rằng, năm 2018, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực.

Giám đốc ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nhấn mạnh, được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo, xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Eric Sidgwick cho biết, trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã có thể huy động nguồn cung lớn nhân lực trẻ, được đào tạo để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo cần nhiều lao động. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam dần trở nên phức tạp hơn, khoảng cách giữa trình độ của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng lớn hơn. Nếu không được khắc phục sự thiếu hụt kỹ năng này có thể trở thành rào cản lớn đối với những tham vọng phát triển của Việt Nam.

Báo cáo triển vọng phát triển Châu Á 2018 cho thấy, triển vọng kinh tế Việt Nam về tiêu dùng cá nhân tăng sẽ được củng cố trên nền tảng thu nhập tăng và lạm phát ổn định. Triển vọng đầu tư cá nhân cũng rất sáng sủa. Doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng và lạc quan. Tính theo ngành, ngành Công nghiệp sẽ duy trì được đà tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vững chắc. Ngành Xây dựng dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2018 và 2019, nhờ mức cam kết và giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều đạt kỷ lục trong năm 2017. Khu vực dịch vụ dự báo sẽ duy trì tăng trưởng trong năm 2018 và năm 2019. Số lượt khách du lịch quốc tế dự báo tăng 15-20% trong năm 2018. Vay vốn ngân hàng tăng 17-18%. Nông nghiệp cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm tới, trong năm 2018 về cơ bản sẽ đạt chỉ tiêu Chính phủ đề ra là 2,8-3,0%.

Lạm phát được dự báo sẽ tăng, nhưng nhìn chung vẫn khá ổn định, trung bình 3,7% trong năm nay và tăng lên 4,0% trong năm 2019, vì nhu cầu nội địa mạnh và tín dụng ngân hàng cao phần nào được bù đắp bởi giá cả lương thực trong nước và chi phí vận tải ổn định, giá cả điều hành trong lĩnh vực giáo dục, y tế, điện nước tăng ít hơn. Thặng dư cán cân vãng lai dự báo sẽ giảm xuống còn 2,5% GDP trong năm nay và 2,0% trong năm 2019. Xuất khẩu hàng hóa dự báo sẽ tăng 15%-20% trong hai năm 2018 và năm 2019. Kiều hối có khả năng sẽ vẫn duy trì tốt nhờ triển vọng toàn cầu đã cải thiện và tỷ giá ổn định.

Chỉ ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Báo cáo triển vọng phát triển Châu Á 2018 cho rằng, Việt Nam có lực lượng lao động hiệu quả dồi dào và mức tiền lương tương đối thấp. Đây là yếu tố giúp thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu cần nhiều lao động. Kể từ năm 2012, sản xuất công nghiệp đã hấp thụ trung bình 400.000 lao động mỗi năm. Tuy nhiên, sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như một rào cản đối với việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đối với hoạt động kinh doanh nói chung.

P.V