ADB: Việt Nam sẽ tăng trưởng “vượt mức kỳ vọng”

Thứ tư, 23/09/2015 10:33

(Cadn.com.vn) - Trong cuộc họp báo ngày 22-9, công bố báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Châu Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã chính thức nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong các năm 2015 và 2016.

Theo ADB, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 và 2016 sẽ vượt mức kỳ vọng, với các chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý góp phần khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô và những cải cách chính sách gần đây đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Phát biểu tại họp báo, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh, kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện nhờ một loạt yếu tố, đặc biệt là sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng cũng tăng và ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện. Theo báo cáo, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016, cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra vào đầu năm 2015.

ADB cho rằng, sau một vài năm gặp nhiều thách thức, khu vực tài chính cũng đã cho thấy các tín hiệu tích cực. Ảnh minh họa

Báo cáo cho biết, sản lượng trong khu vực sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt, tăng 9,9% trong 6 tháng đầu năm nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đà tăng trưởng này dự báo sẽ được tiếp tục duy trì khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục. Tốc độ tăng trưởng trong ngành xây dựng cũng tăng tốc, đạt 6,6% trong 6 tháng đầu năm nhờ có sự hồi phục trên thị trường bất động sản và đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng.

ADB cho rằng, sau một vài năm gặp nhiều thách thức, khu vực tài chính cũng đã cho thấy các tín hiệu tích cực. Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu chính thức đề ra trong năm 2015. Chính sách của Chính phủ cũng thuận lợi hơn nhờ giá cả hàng hóa thế giới giảm, giúp kiềm chế tốc độ tăng giá, giảm chi phí hoạt động kinh doanh.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù đạt được các thành tựu này, song Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức kinh tế vĩ mô đang gia tăng. Nền kinh tế toàn cầu chưa ổn định, kinh tế của các đối tác thương mại và đầu tư lớn đang chậm lại. Thặng dư thương mại thu hẹp, nhập khẩu tăng cùng với doanh thu từ dầu thô giảm sẽ làm giảm thặng dư của cán cân vãng lai.

Thời tiết khô hạn lan rộng có thể còn làm xấu hơn tình trạng hạn hán hiện nay vốn đã gây nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất cà-phê và lúa gạo; nếu tình trạng này kéo dài có thể làm cho tốc độ tăng trưởng trong ngành nông nghiệp tiếp tục giảm sút và đẩy giá lương thực tăng lên trong năm 2016. Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.

Theo Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ tăng khoảng 6,2% trong năm nay. Các chỉ tiêu quan trọng khác của Nghị quyết 01 là: Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30-32% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.

Nguyên An

EVFTA có thể sẽ tạo ra đột phá

Liên minh Châu Âu (EU) đã tuyên bố kết thúc đàm phán và đạt được thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) “trên nguyên tắc” với Việt Nam vào tháng 8-2015 và dự kiến sẽ có hiệu lực chính thức vào năm 2017 hoặc 2018. Bình luận về sự kiện này, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc Tập đoàn The Economist (Anh), EVFTA có thể sẽ tạo ra đột phá đáng kể về trung hạn và dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo EIU, Việt Nam và EU đạt được thỏa thuận “trên nguyên tắc” về FTA đúng vào thời điểm tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị chững lại do bất đồng giữa các bên liên quan. Sau khi được triển khai, EVFTA sẽ giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế vào thị trường Trung Quốc. EVFTA cũng sẽ hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu dài hạn của Việt Nam là trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu trên thị trường toàn cầu. Về trung hạn và dài hạn, FTA với EU sẽ góp phần quan trọng trong nỗ lực phát triển kinh tế của Việt Nam.

EIU cho rằng thỏa thuận FTA giữa Việt Nam và EU là một bước ngoặt quan trọng sau gần 3 năm đàm phán. Như vậy, nhiều nội dung mấu chốt của EVFTA đã được hai bên giải quyết. Giờ đây, mặc dù còn phải chờ tiến trình pháp lý và các thủ tục khác để chính thức có hiệu lực, nhưng tương lai của EVFTA đã được đảm bảo chắc chắn.

Mới đây, ngày 17-9, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đề cập tới EVFTA, đại diện thương mại EU Cecilia Malstrom cho rằng đây là hiệp định có ý nghĩa quan trọng, toàn diện, giúp quan hệ hai bên cùng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bà Cecilia Malstrom cho biết hai bên sẽ sớm hoàn tất đàm phán các nội dung kỹ thuật, như một số điều khoản về đầu tư, để các lãnh đạo cấp cao hai bên có thể ký kết vào cuối năm nay.

B.T (Theo TTXVN)