Ai Cập sau vụ khủng bố Sinai

Thứ ba, 07/08/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Sau vụ tấn công trắng trợn nhằm vào đồn quân sự ở Sinai khiến 16 binh sĩ thiệt mạng, nhiều câu hỏi lớn được đặt ra về khả năng liệu chính phủ mong manh Ai Cập có thể kiểm soát chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tại vùng biên giới với Israel.

Vụ tấn công tại Sinai chính là thử thách ngoại giao quan trọng đầu tiên đối với ông Mohamed Morsi, vị tổng thống Ai Cập đầu tiên trong lịch sử được dân bầu chọn.

Đó là nguyên nhân vì sao ông Morsi phản ứng mạnh mẽ sau vụ tấn công này và khẳng định đây là hành động khủng bố. Tổng thống Morsi cam kết sẽ bắt những kẻ tấn công phải “trả giá đắt” khi hôm 7-8 phát động cuộc truy lùng gắt gao các thủ phạm. AP dẫn lời các quan chức an ninh cho biết, các đơn vị chống khủng bố Ai Cập được triệu tập đến thủ phủ Al-Arish ở Sinai, cùng với ít nhất hai trực thăng vũ trang theo dõi những kẻ cực đoan Hồi giáo bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công.

Tổng thống cũng quyết định 3 ngày quốc tang tưởng nhớ những binh sĩ thiệt mạng, trong đó tang lễ theo nghi thức quân đội được cử hành trong ngày 7-8. Quân đội Ai Cập tuyên bố sẽ “trả thù những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công”, bất kể là các thế lực trong nước hay nước ngoài. Trong khi đó, Tổ chức Anh em Hồi giáo cáo buộc trách nhiệm cho Cơ quan tình báo Israel (Mossad), coi đó là nỗ lực nhằm gây trở ngại cho Tổng thống Morsi. Anh em Hồi giáo đồng thời hối thúc “khẩn cấp xem xét lại các điều khoản” trong thỏa thuận giữa Ai Cập và Israel.

 Khu vực biên giới nóng bỏng giữa Ai Cập và Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo phong trào Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza, ông Ismail Haniya cũng đổ lỗi cho Israel khi nói rằng: “Tel Aviv phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công nhằm gây rắc rối ở biên giới để phá hoại những nỗ lực chấm dứt sự vây hãm của Israel đối với Dải Gaza”. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ mọi cáo buộc liên quan và nhấn mạnh, Tel Aviv và Cairo có chung lợi ích trong việc bảo đảm an ninh tại khu vực biên giới hai nước.

Khu vực phi quân sự rộng lớn Sinai là vấn đề cốt yếu trong Hiệp ước hòa bình Ai Cập - Israel ký năm 1979. Theo đó, Israel rút quân khỏi khu vực Sinai mà nước này chiếm đóng từ năm 1967, đồng thời giới hạn nghiêm ngặt số binh sĩ Ai Cập tại đây. Tuy nhiên, kể từ khi bùng nổ phong trào nổi dậy chống Tổng thống Mubarak năm 2011, tình hình an ninh tại khu vực này xấu đi nghiêm trọng. Các phần tử cực đoan và các tay súng hoạt động mạnh, làm tổn hại hơn nữa mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nước. Vụ tấn công mới nhất lần này càng như “đổ thêm dầu vào lửa” mối quan hệ giữa hai nước.

Vụ việc gây chấn động xảy ra hôm 5-8 khi 35 tay súng trong trang phục của dân Arab du cư xả súng vào các lính biên phòng trước khi vượt biên giới vào Israel trên một chiếc xe bọc thép. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất, trắng trợn nhất nhằm vào lực lượng Ai Cập ở Sinai kể từ sau cuộc chiến tranh năm 1973 giữa Ai Cập với Israel. Mọi việc càng được khuếch đại khi người Hồi giáo đang trong tháng lễ Ramadan linh thiêng.

Cộng đồng quốc tế cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công này. Mỹ chỉ trích gay gắt vụ sát hại 16 binh sĩ Ai Cập này đồng thời khẳng định sẵn sàng giúp Cairo đảm bảo an ninh tại bán đảo Sinai ngày càng vô chính phủ này. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon mạnh mẽ lên án vụ tấn công đồng thời hy vọng nhà chức trách sẽ nhanh chóng xác định và đưa các thủ phạm ra trước công lý.

Sau vụ tấn công, nhiệm vụ của tân Tổng thống Morsi càng nặng nề hơn. Ngoài việc kế thừa một bán đảo Sinai bế tắc, ông Morsi còn phải đối mặt với tệ nạn tham nhũng nghiêm trọng và một nền kinh tế cứng nhắc. Vị tổng thống này cũng đang phải vật lộn với chế độ quân sự đầy quyền lực, vốn không muốn nhường lại sức mạnh cho chính phủ dân sự. Xem ra, Ai Cập vẫn chưa tìm được lối thoát sau lần bầu cử lịch sử.

Trúc Linh