Ai cũng “có phần” trong Hiến pháp

Thứ năm, 28/11/2013 23:08

(Cadn.com.vn) - Đúng 9 giờ 55 ngày 28-11, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới. Đó là thời khắc lịch sử không phải chỉ đối với nền lập hiến mà đối với tiến trình phát triển cả dân tộc Việt Nam.

Kể từ đây, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, dân tộc Việt Nam chính thức có một bộ luật gốc mới, một thành tựu văn minh mới, như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: (Hiến pháp) “đã thể hiện được ý chí, lòng dân, được chuẩn bị công phu, tâm huyết, thực sự là một bản Hiến pháp đáp ứng được yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới”.

Đúc kết quá trình xây dựng Hiến pháp, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH về Dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp khẳng định: “Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, với trí tuệ và cách làm khoa học, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị nước ta đã tham gia xây dựng Dự thảo Hiến pháp này”.

Hiến pháp là thành tựu của sự nghiệp Đổi mới, có thể gọi nó bằng tất cả những ngôn từ đẹp nhất, nhưng điều quan trọng hơn cả là nó sẽ được thực thi như thế nào, đóng vai trò thực chất ra làm sao đối với chế độ, dân tộc và lịch sử nước CHXHCN Việt Nam; điều đó, chỉ tương lai mới có thể đưa ra câu trả lời chân xác nhất, chỉ có thế hệ tương lai mới nhìn nhận đầy đủ nhất.

Tuy vậy, ngay từ lúc này, từ việc công nhận giá trị to lớn của Hiến pháp, cả hệ thống chính trị, toàn dân tộc và mỗi người dân Việt Nam đều có quyền và có đầy đủ cơ sở để hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn - một nền kinh tế giàu mạnh; một nền chính trị vững bền; một Nhà nước thể hiện rõ bản chất của dân, do dân, vì dân; một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh...

Hiến pháp không phải là “cây đũa thần” để ngay lập tức biến những điều trì trệ, những hạn chế thành ra ưu việt; không thể biến những khó khăn, trở ngại thành ra thuận lợi; không thể biến một đất nước có trình độ phát triển ở nửa phía sau của thế giới trở thành một nước có trình độ phát triển cao; cũng không thể đập tan ngay những bất công, sai lạc, phi lý của cuộc đời...

Nhưng là cội nguồn của mọi luật, là hiện thân của ý chí, nguyện vọng, là tinh túy của niềm tin..., Hiến pháp trao cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam, bất kể già trẻ gái trai, bất kể vùng, miền, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo... một điều vô cùng quan trọng: Cơ hội đổi mới - bất kể ai cũng “có phần” trong Hiến pháp, bất kể ai cũng có thể soi chiếu vào tinh thần và điều khoản của bản Hiến pháp mới để đổi mới chính mình và và góp phần đổi mới xã hội.

Hiến pháp trao cơ hội cho tất cả chúng ta, vấn đề là phải làm gì để nắm lấy chơ hội ấy, chuyển cơ hội thành lực lượng vật chất phục vụ cho mưu cầu cuộc sống, cho những lý tưởng thiêng liêng cao đẹp của đời người?

Đây là câu hỏi lớn, phải trả lời trong rất nhiều năm, bằng rất nhiều hành động của cả dân tộc... nhưng trước tiên, bất kể ai thực sự muốn nắm bắt cơ hội mà Hiến pháp đã trao cho mình, đều phải làm được một việc đầu tiên và quan trọng nhất, đó là:

Sống theo Hiến pháp và pháp luật!

Nguyễn Lê