Ai đứng sau vụ "tấn công khủng bố" cơ sở hạt nhân Iran?

Thứ ba, 13/04/2021 16:33

Ngày 11-4, tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (IAEO) cho biết, cơ sở hạt nhân Natanz đã bị tấn công bởi một hành động khủng bố, chỉ vài giờ sau khi nước này xác nhận "một vụ tai nạn" đã dẫn tới tình trạng mất điện ở cơ sở này.

Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: CNN

"Hành động khủng bố"?

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Giám đốc của IAEO Ali Akbar Salehi đã lên án hành động "vô ích" này, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế "chống lại chủ nghĩa khủng bố phản đối hạt nhân". Theo quan chức này, vụ tấn công được thực hiện bởi "những thành phần phản đối quá trình phát triển công nghiệp và chính trị của Iran - những người tìm cách ngăn chặn quá trình xây dựng ngành công nghiệp hạt nhân". Ông Salehi kêu gọi cộng đồng quốc tế và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chống lại kẻ đứng sau vụ tấn công lò phản ứng Natanz. Trước đó, người phát ngôn của IAEO Behrouz Kamalvandi cho biết, một vụ tai nạn đã xảy ra ở cơ sở hạt nhân Natanz dẫn tới tình trạng "mất điện". Không có người bị thương trong vụ việc này và không có phóng xạ bị rò rỉ.

Vụ tấn công diễn ra vài giờ sau khi giới chức Iran khởi động lại các máy ly tâm tiên tiến tại lò phản ứng Natanz, vốn có thể đẩy nhanh quá trình làm giàu uranium. Đây được coi là thời điểm quan trọng trong chương trình hạt nhân của Iran. Ông Malek Chariati, người phát ngôn của Ủy ban năng lượng thuộc Quốc hội Iran - chia sẻ thêm thông tin về vụ việc nêu trên qua Twitter: "Vụ việc, xảy ra ngay sau ngày Công nghệ hạt nhân quốc gia và trong thời điểm Iran đang nỗ lực yêu cầu phương Tây dỡ bỏ trừng phạt, là một hành động bị nghi ngờ có dấu hiệu phá hoại hoặc tìm cách xâm nhập".

Hôm 10-4, Iran thông báo đưa vào sử dụng chuỗi 164 máy ly tâm IR-6 tại cơ sở Natanz. Nước này cũng bắt đầu thử nghiệm máy ly tâm IR-9 mà họ nói là có thể tăng tốc độ làm giàu urani thêm 50 lần so với máy ly tâm thế hệ 1, IR-1, của nước này. Thỏa thuận hạt nhân mà Iran từng ký với các cường quốc phương Tây chỉ cho phép Iran sử dụng lò IR-1. Nhưng từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018, Tehran bỏ tất cả giới hạn về tích lũy và mức độ làm giàu nhiên liệu. Giờ đây, Tehran đã làm giàu lên mức 20%, còn cách khá xa mức độ 90% đủ để chế tạo vũ khí. Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ các mục đích hòa bình, nhưng nỗi sợ Tehran có thể chế tạo bom hạt nhân khiến các cường quốc thế giới quyết định ký thỏa thuận với nước này vào năm 2015.

Israel đứng sau?

Giới chức Iran ngay lập tức cáo buộc Israel đứng sau cuộc tấn công vào lò phản ứng hạt nhân Natanz và phải chịu trách nhiệm cho điều này. Đài phát thanh công cộng Kan của Israel dẫn các nguồn tin tình báo giấu tên cho biết, cơ quan tình báo Mossad của Israel đã thực hiện một cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Tuy nhiên, đài phát thanh Kan không tiết lộ thông tin về quốc tịch của các nguồn tin tình báo cung cấp thông tin trên.

Phía Israel dường như cũng xác nhận điều này khi Bộ trưởng Quốc phòng Aviv Kochavi tuyên bố "các hoạt động của nước này ở Trung Đông không phải che mắt kẻ thù". Tờ Times of Israel đưa tin, các nguồn tin tình báo cho biết, cơ quan tình báo Israel Mossad chịu trách nhiệm cho vụ tấn công, đồng thời đánh giá, thiệt hại vụ tấn công nghiêm trọng hơn nhiều những gì Iran báo cáo. Israel lần này cũng không kiểm duyệt hay hạn chế thông tin vụ tấn công lò phản ứng hạt nhân của Iran như trước, thậm chí sự việc còn được truyền thông Israel đưa tin rộng rãi. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ra tuyên bố hôm 11-4 rằng "cuộc đấu tranh chống lại Iran và các lực lượng ủy thác cũng như những nỗ lực trang bị vũ khí của nước này là một sứ mệnh to lớn".

Sự cố mất điện ở nhà máy hạt nhân của Iran là diễn biến gần đây nhất trong một loạt động thái đáp trả lẫn nhau giữa Iran và Israel. Israel tuần trước thông báo tấn công tàu Saviz của Iran bằng thủy lôi ở Biển Đỏ để trả đũa các cuộc tấn công trước đó nhằm vào tàu hàng nước này. Vụ tập kích tàu hàng Saviz là sự kiện mới nhất trong loạt vụ tấn công tàu chở hàng của nhau do hai nước tiến hành. Căng thẳng giữa hai bên gần đây dường như diễn ra công khai hơn với việc nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bị giết hại, hàng trăm cuộc không kích nhằm vào lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Syria và những vụ tràn dầu bí ẩn ở phía bắc Israel, sự cố mà các quan chức nước này cho là đã hủy hoại môi trường.

Iran và Israel được coi là hai đối thủ "không đội trời chung" tại Trung Đông. Iran ủng hộ Hezbollah và các nhóm dân quân ở Dải Gaza, các tổ chức vũ trang chống lại Israel. Trong khi đó, Israel triển khai hàng trăm đợt không kích nhằm vào các mục tiêu ở Syria từ năm 2011, nhằm ngăn lực lượng dân quân thân Iran tăng hiện diện quân sự tại khu vực.

AN BÌNH