Ai là đồng đội, thân nhân của liệt sĩ ở Hòa Khánh-Đà Nẵng?

Thứ năm, 27/12/2018 14:00

Một hài cốt liệt sĩ với đầy đủ quân trang đã được khai quật nhưng vẫn chưa được chôn cất vào nghĩa trang liệt sĩ P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng) khiến nhiều cựu chiến binh của khu phố Đà Sơn vô cùng đau lòng. Theo phản ảnh của họ, chúng tôi đã về đây tìm hiểu ngọn nguồn câu chuyện. Thắp nén hương lên ngôi mộ liệt sĩ mới xây, bà Phạm Thị Tuyết, nguyên cựu nữ quân nhân Sư đoàn 2 (Quân khu 5) rưng rưng: "Tội lắm cháu ơi. Liệt sĩ này nằm ở Đà Sơn đã 43 năm nhưng chưa được đồng đội anh ấy và gia đình đến đón về. Hội cựu chiến binh đã phản ảnh với các cơ quan nhiều lần rồi mà vẫn không thấy phản hồi".

Theo chân bà Tuyết, chúng tôi đi tìm gặp ông Phạm Thân ở số nhà 142 đường Hoàng Văn Thái, P.Hòa Khánh Nam. Đó là người đàn ông dáng lam lũ nhưng hoạt bát. Ngày trước, ông là du kích thôn nên rành rọt từng sự kiện nơi đây. Ông Thân kể: "3 giờ sáng ngày 15-4-1975, tôi được phân công trực địa bàn như thường lệ thì thấy một đoàn quân giải phóng rùng rùng từ núi Đại La (Hải Vân) đổ xuống. 4 anh bộ đội còn khá trẻ vừa khiêng vừa đi theo võng rẽ đoàn người vào chỗ tôi. Các anh nói có một đồng chí sốt rét vừa hy sinh, muốn thôn cho mượn xẻng chôn cất. Tôi đã cùng với các anh ấy hoàn tất việc mai táng chóng vánh, phủ tấm võng lên người liệt sĩ nhưng trên mộ không có gì làm dấu hay ghi tên tuổi. Trong lúc trò chuyện, tôi được biết họ đang trên đường vào Nam chiến đấu nên rất vội vã. Hỏi đơn vị nào thì các anh không nói vì giữ bí mật. Tôi có ý chờ đơn vị ấy quay lại nhưng từ đó đến nay không thấy ai hỏi".

Các cựu chiến binh khu phố Đà Sơn, Hòa Khánh Nam thắp hương mộ liệt sĩ hy sinh 1975.

Theo lời các cựu chiến binh khu phố Đà Sơn thì ngoài thông tin chính thống từ ông Phạm Thân, xung quanh ngôi mộ này có nhiều tin đồn khác nhau. Có người khẳng định từng nhìn thấy tấm tol nhỏ trên mộ ghi tên liệt sĩ là Lê Đình Thắng thuộc Sư đoàn 304 và hy sinh vào ngày 29-3-1975. Tấm tol từ lâu không còn. Chính vì mặc định tên tuổi này mà cuối tháng 7-2018, một nhóm các nhà ngoại cảm cũng là bộ đội ở Đà Nẵng đã khai quật ngôi mộ. Hài cốt đào lên còn nguyên cùng quân trang, đặc biệt có chiếc võng dù đắp ở trên. Cứ ngỡ đã đủ yếu tố để đưa vào nghĩa trang phường nhưng trước các thông tin những người khai quật đưa ra, Ban Chỉ huy quân sự Q. Liên Chiểu xác minh rằng các dữ liệu trên không chính xác và chỉ đạo đưa lại về khu đất cũ để tiếp tục tìm hiểu thêm về thân thế liệt sĩ. Thương đồng đội, các cựu chiến binh khu phố Đà Sơn đã chôn cất, xây mộ và thường xuyên hương khói từ đó đến nay.

Chúng tôi có liên hệ với Thiếu tướng Võ Chót, Trưởng ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 324, là đơn vị có quân vào Nam thời điểm giữa tháng 4-1975, may mắn đã nhận được hồi đáp. Theo Thiếu tướng Võ Chót, đơn vị sau cùng của Sư đoàn vào giải phóng miền Nam là Trung đoàn 1. Ông cũng đã liên lạc với đồng chí của mình và xác định rằng Tiểu đoàn 3 chính là đơn vị có chiến sĩ hy sinh vì sốt rét khi vào đến dưới chân đèo Hải Vân. Vị tướng cũng cho biết, sau khi tiếp tục tham gia làm nghĩa vụ quốc tế, những chiến sĩ khiêng võng ngày ấy đã hy sinh gần hết nên thông tin tên tuổi liệt sĩ chôn ở Đà Sơn, Hòa Khánh vẫn chưa được xác định.

Thiết nghĩ, các thông tin đã khá đầy đủ, qua bài báo này, chúng tôi mong muốn ai biết rõ hơn về trường hợp này hãy lên tiếng và cũng hy vọng rằng ai là thân nhân và đồng đội của liệt sĩ ở khu phố Đà Sơn hãy đưa hài cốt trở về với gia đình và quê hương sau hơn 40 năm lưu lạc.

HỒNG VÂN