Ai nhìn thấy góc khuất?

Thứ năm, 24/08/2017 07:58

Khi thực hiện loạt bài “Góc khuất blouse trắng” đã đăng tải trên Báo Công an TP Đà Nẵng, bản thân người viết đã có một thời gian tìm hiểu những công việc thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý.

Chính vì thế càng thấm hơn và đồng cảm hơn khi xem lại video clip ghi cảnh một doanh nhân ở Nghệ An vừa nghe điện thoại vừa tát liên tục vào mặt một nữ bác sĩ rồi lao vào phòng tiếp tục uy hiếp một bác sĩ khác chỉ vì cho rằng người nhà của ông này chưa được cứu chữa kịp thời.

Ai xem lại clip đó cũng cảm thấy bức xúc, thậm chí là phẫn nộ với một kiểu ứng xử có thể được xem là “giang hồ” của người nhà bệnh nhân. Nhưng tôi, và có lẽ sẽ rất nhiều người tự hỏi, dư luận sẽ phán xét ra sao nếu không có cái camera im lặng kia ghi lại toàn bộ diễn biến sự việc, mà thay vào đó là một video khác của người nhà bệnh nhân chỉ trích xuất một phần mà tâm điểm là người bệnh đang nằm trên cáng kia, cùng lời bình kiểu như “bệnh nhân nguy kịch, bác sĩ đủng đỉnh” chẳng hạn? Có lẽ sẽ cũng có nhiều người chia sẻ và bình luận với hướng chỉ trích nhân viên y tế tắc trách, hành chính, vô cảm. Và những lúc như thế, bác sĩ đương nhiên sẽ nhận thiệt thòi về mình, không bao giờ có cơ hội để giải thích. Họ vốn đã quen với điều đó!

Nếu không có cái camera kia, thì những hành động thiếu chuẩn mực, rất “chợ búa” kia cũng sẽ có thể bị khuất lấp. Bác sĩ có tường trình, có yêu cầu xử lý vụ việc cũng sẽ đối mặt với những khó khăn.

Trong vụ việc vừa qua ở Nghệ An, thông thường, chỉ có bác sĩ, nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân mới biết rõ bản chất sự việc. Nhưng nếu chỉ người của bệnh viện tường trình câu chuyện thì sẽ rất khó khăn để thuyết phục dư luận tin mình. Nếu để những người trực tiếp hành hung hoặc tham gia uy hiếp bác sĩ kể lại, sẽ khó mà có sự khách quan, thậm chí câu chuyện sẽ được lái sang hướng khác. Nhìn rõ góc khuất một cách khách quan, chính xác nhất chính là chiếc camera im lặng kia. Mọi lời bao biện, giải thích, chống chế đều vô nghĩa, thậm chí là lố bịch khi cộng đồng xem hết đoạn clip được ghi lại. Nghe đâu, người hành hung bác sĩ đã tự cảm thấy xấu hổ và có lời xin lỗi bác sĩ khi trả lời báo chí. Nhưng tôi tự hỏi, liệu anh ta có nói vậy không nếu không có đoạn clip kia?

Quá trình thực hiện bài viết “Góc khuất blouse trắng”, bác sĩ Lê Trọng Bình, công tác tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đà Nẵng cho chúng tôi biết: Theo quy trình, khi tiếp nhận bệnh nhân sẽ có bộ phận chuyên môn tiếp nhận và triển khai các công việc cần thiết. Trong thời gian đó, bộ phận hành chính phải yêu cầu người nhà lập hồ sơ, bệnh án để theo dõi. Nhưng nhiều người không biết, cứ tưởng bác sĩ gây phiền hà, thậm chí là những chuyện tiêu cực. Họ đâu biết các bộ phận phải tính từng giây vì sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân. Mặt khác, khi tiếp nhận một bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đánh giá tình hình sức khỏe để có ưu tiên trong can thiệp y tế theo thứ tự ưu tiên  với khoảng 11 cấp độ từ nguy kịch đến bình thường.

Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến– Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho rằng, đã đến lúc bệnh nhân, người nhà và đội ngũ y bác sĩ trở thành đối tác của nhau để thu hẹp góc nhìn vốn rất khác nhau như xưa nay. Bác sĩ phải thấu hiểu được nỗi đau của bệnh nhân, ở chiều ngược lại họ cũng cần người dân hiểu rõ quy trình của việc khám chữa bệnh để hợp tác. Với sức khỏe người dân, bác sĩ làm việc theo kiểu ban ơn là tuyệt đối không được, nhưng bệnh nhân và người nhà luôn coi mình là số một lại càng không.

Từ “con mắt” của camera, có lẽ vẫn còn khó khăn mới thu hẹp được góc nhìn mà bà Yến nói. Rất nhiều người thấu hiểu áp lực của nghề y, nhưng với cách hành xử như người đàn ông hung hăng kia, thì đến bao giờ bệnh nhân, người nhà mới có thể thành đối tác của nhau được?

CÔNG KHANH