Ai về Bình Định mà xem...
Bình Định không chỉ nổi tiếng với võ (ai về Bình Định mà coi/con gái cũng biết đánh roi, đi quyền), mà còn có hát Tuồng và ca kịch Bài chòi, thành danh với Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi. Dự kiến năm 2020, Nhà hát tuồng Ðào Tấn và Ðoàn Ca kịch Bài chòi Bình Ðịnh sẽ được sáp nhập thành một. Dự báo khó khăn là có, nhưng niềm hy vọng và khích lệ lớn nhất với những người làm công tác nghệ thuật vẫn là sự bảo tồn văn hóa truyền thống và những đứa con tinh thần của họ vẫn hứa hẹn thu hút người xem.
![]() |
Một cảnh trong vở "Chuyện tình nàng công chúa Thiên Hương" được Nhà hát tuồng Đào Tấn diễn sơ duyệt. |
Nhiều thuận lợi
Ông Văn Bá Dũng- Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn cho biết: "Sắp tới, chúng tôi sẽ tìm cách liên kết với các tour du lịch để đưa hát bội đến gần hơn với du khách. Chúng tôi đang tìm người có thể thuyết trình tại phòng truyền thống để phục vụ, tập trung vào thuyết trình những điểm hay, đặc sắc của bộ môn truyền thống này. Người thuyết trình sẽ là người của Nhà hát. Chúng tôi sẽ không nói về những điều mà người ta có thể dễ dàng tìm thấy trên các công cụ tìm kiếm, mà nhấn sâu vào nét riêng của nghệ thuật truyền thống Bình Định trong dòng chảy chung của nghệ thuật truyền thống cả nước. Đồng thời để du khách trải nghiệm một số trang phục, đạo cụ tuồng như mang mão, đi hia chẳng hạn. Bên cạnh đó, sẽ tìm những trích đoạn đặc sắc, phù hợp để phục vụ khán giả, du khách".
Hai đơn vị sẽ tiến hành tái cơ cấu bộ máy tổ chức nhằm tạo được sự đồng thuận, đoàn kết để phát huy tốt nhất năng lực, tâm huyết. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoài Huệ- Trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi tâm sự: "Người ta nói, thầy già con hát trẻ. Nhưng thực tế cho thấy việc kiếm tìm, bồi dưỡng diễn viên trẻ đang đứng trước nhiều thách thức. Chúng tôi đang cố gắng để các em nhập vai trong các vở diễn mới nhằm nâng cao khả năng diễn xuất, xem mỗi lần dựng vở như một lần tập huấn về nghề nghiệp vậy". Cùng chia sẻ quan điểm tương tự, ông Văn Bá Dũng khẳng định: "Mục tiêu chính hiện nay là đào tạo, nâng cao chất lượng diễn viên trẻ. Các diễn viên trẻ sẽ dần thể nghiệm ở các vai chính, đây là giai đoạn có nhiều thuận lợi để lớp trẻ học tập kinh nghiệm của lớp diễn viên gạo cội. Họ chính là tương lai của nghệ thuật truyền thống tỉnh nhà".
Yếu tố trẻ và mùa biểu diễn mới
Mặc dù bận rộn với việc chuẩn bị để sáp nhập nhưng những ngày này, cả hai đoàn vẫn cấp tập hoàn tất các vở diễn để kịp phục vụ công chúng trong mùa biểu diễn sắp về. Nhà hát tuồng vừa cơ bản hoàn thành vở diễn mới "Chuyện tình nàng công chúa Thiên Hương" (Kịch bản: Đoàn Thanh Tâm, đạo diễn: NSND Hoài Huệ). Đây là vở tuồng dã sử cổ điển Italia, nằm trong 100 kiệt tác của thế giới. Vở diễn nhằm kêu gọi hòa bình, hòa hợp giữa các dân tộc, bình đẳng và ca ngợi tình yêu chân thành dẫu cách trở. Lần này, Nhà hát tuồng chia thành 2 kíp diễn, để dễ thay thế, tạo môi trường cạnh tranh, ưu tiên tập trung cho diễn viên trẻ, nhằm bồi dưỡng cho thế hệ diễn viên này.
Diễn viên trẻ Nguyễn Thị Minh Trang, người nhập vai công chúa Phi Nga, thổ lộ: "Đây là lần đầu tiên mình được trao một vai mới hoàn toàn. Ngay khi tiếp cận kịch bản, mình đã thích những nét diễn nội tâm của vai diễn này. Nhưng cùng với đó là sự hồi hộp, lo lắng không biết mình có thể lột tả được những giằng xé nội tâm của nhân vật hay không? Đến khi luyện tập, nhập vai, mình như bị nhân vật cuốn theo. Hơn nữa được các thầy cô, đạo diễn hướng dẫn, góp ý làm mình cũng cảm thấy tự tin hơn, dốc lòng thử sức mình. Mong rằng vở diễn sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho người xem".
Đoàn Ca kịch Bài chòi cũng chuẩn bị cho vở diễn mới "Bình minh trên đỉnh PaRút". Đây là kịch bản của tác giả trẻ Phạm Hoài, được NSND Hoài Huệ làm đạo diễn. Vở diễn khắc họa hình ảnh của người chiến sĩ CA, là người đồng bào dân tộc thiểu số, hết lòng cho chân lý, lẽ phải, chống lại cái ác, cái xấu. Vượt lên là tình người, tình yêu chân thành. Đây là vở diễn sẽ được công diễn cho bà con những ngày Tết đến xuân về. "Bắt đầu từ mồng 4 Tết, chúng tôi sẽ diễn ròng vở này trong một tháng ở các huyện trong tỉnh. Đó cũng là một phép thử hiệu ứng của vở diễn với khán giả, đồng thời sẽ có những cân chỉnh hợp lý. Nếu vở diễn tốt sẽ cho tham dự Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc", NSND Hoài Huệ thông tin.
Cả hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đều hướng đến mục tiêu chung là phát triển lớp diễn viên trẻ và chung tay đưa nghệ thuật truyền thống tiếp cận nhiều hơn với khán giả. "Sau khi hai đoàn sáp nhập, có lẽ lãnh đạo hai đoàn sẽ ngồi lại để bàn bạc, thảo luận và đưa ra phương án cụ thể để tiếp tục phát triển nghệ thuật truyền thống Bình Định, đưa nghệ thuật truyền thống gần gũi hơn với công chúng", ông Văn Bá Dũng chia sẻ.
THẢO KHUY - ÐỨC LINH