Ảm đạm gia cảnh của hacker

Thứ sáu, 16/10/2015 11:44

(Cadn.com.vn) - Tính đến nay đã có hơn 40 thanh, thiếu niên ở H. Duy Xuyên (Quảng Nam) bị lực lượng CA khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao. Nhiều người không thể không đặt câu hỏi: tại sao lượng hacker nhiều như thế lại tập trung ở một vùng quê? Ít ai ngờ rằng, gia cảnh của những hacker đã từng móc túi người nhẹ dạ hàng trăm triệu đồng ấy lại rất ảm đạm...

Gia đình đầu tiên chúng tôi đến là gia đình Lê Văn Pháp (1990, khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước, H. Duy Xuyên), đối tượng vừa bị CA TPHCM bắt vào ngày 24-4-2015. Ông L.V.S (1952, cha Pháp) kể, học đến lớp 9 thì Pháp bỏ học. Từ đó, Pháp thường xuyên đến tiệm net chơi game. Ông S. làm nghề giữ xe đạp, còn vợ ông buôn bán ở chợ nên họ không có thời gian theo dõi, quản lý hợp lý con cái. Năm 2011, ông bà nghe hàng xóm bảo Pháp là “hắc” (hacker- P.V) và biết Pháp đang có hoạt động phạm pháp nên đã nhắc nhở con. Tuy nhiên, lời khuyên của cha mẹ đối với Pháp như “nước đổ lá khoai”. Hàng ngày, Pháp đeo bám ở các tiệm net và sử dụng công nghệ cao để lừa đảo những người cả tin. Năm 2012, Pháp bị CAH Duy Xuyên bắt và sau đó thi hành án 1 năm tù giam. Ra tù được 2 tháng thì Pháp lại lao vào “hắc”.

Khi vợ chồng ông S. chưa biết làm cách nào để con trai đoạn tuyệt “hắc” thì đầu năm 2014, Pháp thú nhận với cha mẹ mình đã nghiện ma túy. Từ khi nghiện, thỉnh thoảng Pháp xin tiền cha mẹ để mua thuốc. Không có nhiều tiền nhưng mỗi lần Pháp xin, vợ chồng ông S. cũng cố gắng cho Pháp 50 đến 100 ngàn đồng. Khi không đủ tiền mua thuốc, Pháp mượn xe máy của cha mang đi cầm cố hoặc nói dối mẹ đi tìm việc làm để xin tiền. Bà N.T.T (1955, mẹ Pháp) tâm sự, mỗi lần Pháp về nhà, cả đêm bà thức trắng vì sợ Pháp lên cơn “ngáo đá” có hành vi nguy hiểm. Những tháng ngày qua, vợ chồng bà phải sống trong lo âu, dằn vặt, hối hận bởi không quản lý, giáo dục con ngay từ nhỏ. Bất lực trước sự hư hỏng của Pháp nên khi nghe tin Pháp bị CATPHCM bắt, vợ chồng bà mừng thầm vì cơ quan chức năng đã chặn đứng hành vi phạm pháp của con mình và Pháp có cơ hội để rời xa ma túy.

Từ ngày hai con trai bị bắt về tội lừa đảo qua mạng, bà V.T.B.T xấu hổ
đóng kín cửa không tiếp xúc với ai.

Gia đình thứ hai chúng tôi đến là gia đình Nguyễn Thị Phương (1995, thôn Trung Đông, xã Duy Trung, H. Duy Xuyên) đồng phạm của Pháp. Ông N.V.L (1968, cha Phương) cho biết, gia đình ông thuộc hộ nghèo của địa phương. Ông làm thợ hồ nên đi làm từ sáng sớm, tối mịt mới về nhà. Bà P.T.Đ (1970), vợ ông thì đau ốm liên miên nên không ai quản lý được Phương, ngay cả cơm ăn, thỉnh thoảng Phương lại sang nhà ông nội gần đó nương nhờ. Chính vì không có sự giáo dục, quản lý sát sao của gia đình nên học xong lớp 12, Phương lao vào tụ tập, đàn đúm với các đối tượng xấu. Thấy Phương ăn diện, nhuộm tóc xanh đỏ, gia đình chỉ nhắc nhở Phương không nên đua đòi chứ không hề biết Phương chơi ở đâu, làm gì. Cho đến khi Phương bị bắt, vợ chồng ông L. mới biết con mình là tay chân đắc lực của Pháp. Không những vậy, Phương còn cùng Pháp sử dụng ma túy đá và mang thai với thanh niên này. Ông L. nói trong buồn bã: “Làm thợ hồ cả đời mới tích cóp được 10 triệu đồng, định sửa lại mái nhà bị dột nhưng giờ phải lo cho nó sinh nở. Mong sao nó thức tỉnh được mà  đoạn tuyệt với những trò lừa đảo qua mạng này”.

Rời nhà Phương, chúng tôi đến thôn Châu Hiệp (TT Nam Phước), nơi có 9 thanh, thiếu niên vừa bị CATP Hà Nội bắt ngày 11-9-2015. Tìm đến nhà của hai anh em Đoàn Công Thiện (1993) và Văn Phú Trung (1997) thì căn nhà này cửa cổng khóa chặt, cửa nhà cũng đóng kín. Một chị hàng xóm giải thích, từ khi các con bị bắt, bà V.T.B.T (1968, mẹ của Thiện và Trung) đóng cửa kín không tiếp xúc với bất kỳ ai. Cách nhà bà T. khoảng 30 m, là nhà của Nguyễn Bình (1993) cũng đóng kín bưng cửa ngõ. Gần đấy, nhà của Lương Công Hưng (1997) cũng có cảnh tượng tương tự.

Người dân trong thôn kể, việc thanh, thiếu niên tham gia “hắc” ở đây gần như phổ biến và đa số phụ huynh đều biết nhưng vẫn không có biện pháp ngăn chặn. Khi thấy con mình sắm nhiều tài sản có giá trị, nhiều bậc phụ huynh tra hỏi thì được con bảo chơi game giỏi nên được ban tổ chức giải game thưởng. Thấy con chơi game có “lợi” hoặc vì nuông chiều con, họ im lặng để con tiếp tục ngày ngày đến quán net. Cho đến khi con vướng vào vòng lao lý thì họ mới hối hận, đau khổ.

Công an viên thôn Châu Hiệp Trịnh Văn Lân cho hay, cả TT Nam Phước có khoảng 100 thanh, thiếu niên tham gia lừa đảo qua mạng, riêng thôn Châu Hiệp có hơn 30 đối tượng, trong đó 8 đối tượng đã bị bắt, một số đã bỏ trốn. Nói về nguyên nhân dẫn đến sự việc, ông Lân cho biết, phần lớn là do sự buông lỏng quản lý của các bậc phụ huynh. Nhiều gia đình chỉ lo làm ăn, kiếm tiền mà quên việc chăm sóc, giáo dục con cái. Sau khi bỏ học, hầu hết các em chơi game. Khi tụ tập ở các quán net, nghe bạn bè kiếm được tiền bằng chiêu lừa trên mạng nên nhiều em bắt chước tham gia. Thế rồi em này bày cho em khác khiến tình trạng thanh thiếu niên phạm pháp tăng lên con số báo động.

Phương Nam