Âm ỉ cung đường gỗ lậu
Con đường xuyên qua những cánh rừng về xã Chư Drăng (H. Krông Pa, Gia Lai) tưởng chừng như im ắng. Thế nhưng, khi đêm xuống, tiếng xe máy độ chế gào rú chở gỗ từ rừng ra lại văng vẳng. Dù cơ quan chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát song thực trạng này vẫn đang diễn ra âm ỉ nơi đây.
Chập choạng tối là đoàn xe độ chế lại nối nhau vận chuyển gỗ trái phép từ rừng ra. |
"Sự việc nghiêm trọng nhưng không thấy báo cáo gì cả" Có đầy rẫy những điều bất thường khiến hoạt động khai thác gỗ lậu vẫn ngang nhiên diễn ra khi trụ sở BQL RPH Nam Sông Ba nằm ngay trên cung đường mà các đối tượng ra, vào rừng. Người dân biết nhưng không dám tố giác, trong khi đó không hiểu vì năng lực yếu kém hay sự quản lý lỏng lẻo của đơn vị chủ rừng khiến những cánh rừng nơi đây ngày đêm vẫn "chảy máu". Sau khi nắm bắt sự việc, ông Tô Văn Chánh - Chủ tịch UBND H. Krông Pa nói: "Sự việc nghiêm trọng vậy nhưng không hiểu sao lâu nay không thấy chủ rừng, chính quyền xã, kiểm lâm... báo cáo gì cả. Chúng tôi phải chỉ đạo kiểm tra ngay, quan điểm là ai sai phải bị xử lý nghiêm chứ không để mất rừng vậy được". |
Độ xe để chở thật nhiều gỗ lậu
Từ thông tin của người dân cung cấp, PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã trực tiếp có mặt tại xã Chư Drăng. Con đường Đông Trường Sơn đi vào các buôn 1, 2 và 3 của xã được xem là điểm nóng của hoạt động vận chuyển lâm sản trái phép. Chiều tối ngày 11-5, trái với cảnh bình yên của buôn làng nơi đây là tiếng gầm rú của đoàn xe độ chế từ rừng chở gỗ bắt đầu đổ về. Những chiếc xe đã được độ thêm phuộc nhún, xoắn nòng... chở từ cả gỗ hộp, lóng đã cưa xẻ hoặc gỗ tròn. Hoạt động rầm rộ là vậy và những chiếc xe máy này lưu thông ngay trên con đường đi qua trước trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Nam Sông Ba nhưng không hề bị phát hiện, ngăn chặn.
Tiếp cận với một số hộ dân sinh sống gần với bìa rừng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi người dân đều biết giờ gỗ về, tập kết ở đâu. Dẫn chúng tôi đến một khu vực bãi tập kết gỗ, một người dân ở xã Chư Drăng cho biết: bãi gỗ nằm ở đầu làng là của nhóm lâm tặc từ địa phương khác vào hoạt động mấy tháng nay. Thời điểm chúng tôi có mặt tại khu vực này, nơi đây còn sót lại khoảng 30 khúc gỗ tròn đường kính 20-40cm, dài trên 3m nằm rải rác trong những lùm cây. Trong số đó, có nhiều thân gỗ vẫn còn thơm mùi nhựa chứng tỏ vừa mới được vận chuyển về nơi này. Người dân này cho biết: "Ở đây, từ sáng sớm mỗi nhóm 3-4 người dùng xe máy độ chế đưa gỗ về bãi tập kết. Vài ngày sau thì có xe lớn vào chở đi, thường là vào lúc 1, 2 giờ sáng".
Điều đó cũng không lạ khi nơi này chỉ có 3 buôn nhưng trên địa bàn có 5-6 điểm sửa chữa, độ chế xe máy. Những chiếc xe máy được độ thêm 4-8 nhông cùng dàn khung sắt để tăng khả năng tải trọng, bánh xe được thay bằng các loại bánh có nhiều gai để có thể leo qua những dốc núi đầy đá. Ghi nhận của PV, ở các điểm sửa xe này có sẵn hàng chục chiếc xe máy đang chờ sửa chữa, độ chế lại. Không chỉ thế, tại nhiều nhà dân chất đầy những đống gỗ cũ có, mới từ dưới nhà sàn đến xung quanh nhà. Dù biết người dân nơi đây vẫn thích sinh hoạt trong những ngôi nhà sàn bằng gỗ truyền thống nhưng đó cũng là một áp lực lớn đến việc giữ rừng nơi đây.
Xe máy, máy cày độ chế ngang nhiên tồn tại trên địa bàn xã. |
Rừng bị xâm hại trong thời gian dài
Ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã liên hệ với lực lượng Hạt kiểm lâm H. Krông Pa và BQL RPH Nam Sông Ba cùng CAX Chư Drăng vào lại cung đường gỗ lậu trên địa bàn xã. Tại đây, lực lượng chức năng đã thu máy móc, mâm cưa của 2 xưởng làm đũa để xử lý. Nơi đây, ngoài một lượng gỗ có thể thấy đa phần là kiền kiền để xung quanh cùng những đống mùn cưa, có thể khẳng định nơi đây đã xẻ một lượng gỗ không nhỏ. Ngoài ra, ngay trong ngày, số gỗ ở trong làng với khoảng 5m3 cũng đã được tịch thu, đưa về trụ sở Hạt kiểm lâm H. Krông Pa để xử lý theo quy định.
Để tìm hiểu thêm thực trạng khai thác gỗ trái phép ở khu vực này, chúng tôi quyết định men theo con đường mòn mà các đối tượng lâm tặc dùng để vận chuyển gỗ về. Trên con đường cách bìa rừng không xa, chúng tôi bắt gặp nhiều xe máy độ chế, có cả xe chở theo cưa xăng đi vào hướng rừng. Thậm chí, cả những chiếc xe máy cày được độ chế thêm dây tời cũng ung dung chạy ngang qua trụ sở BQL RPH Nam Sông Ba. Sau gần 2 giờ đồng hồ đánh vật với những con dốc trơn trượt đá và hiểm trở, chúng tôi đến một chốt kiểm soát rừng của BQL RPH Nam Sông Ba. Có thể thấy, xung quanh nơi này có nhiều đường xương cá hằn vết xe máy độ chế đi sâu vào rừng.
Lực lượng chức năng kiểm tra một xưởng sản xuất đũa tại địa bàn xã Chư Drăng. |
Men theo các con đường mòn này, có thể thấy những cánh rừng nơi đây đã bị xâm hại trong suốt thời gian dài, cả những gốc cây cũ nằm rải rác ở những khoảnh rừng. Những cây gỗ lớn có đường kính 30-50cm bị đốn hạ và cưa xẻ đã được chở ra khỏi hiện trường, một số được cắt xẻ thành lóng vẫn chưa kịp vận chuyển.
Trước thực trạng này, ông Trước Quốc Dụng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H. Krông Pa cho biết: "Chúng tôi cũng đã có tuần tra, xử lý nhưng hễ lực lượng vào là các đối tượng yên ắng, được một thời gian thì các đối tượng lại tiếp tục. Đối với vấn đề xe máy độ chế cũng gây áp lực lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây. Bởi đặc thù khu vực này bà con làm rẫy đều phải sử dụng những chiếc xe độ chế để đi làm, chỉ đến khi vận chuyển lâm sản trái phép thì mới có cơ sở xử lý. Trong khi đó, việc vận chuyển đều diễn ra lén lút, thậm chí có cả các đối tượng canh đường".
Cũng theo ông Dụng, các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ngày càng tinh vi như canh đường, báo tin giả nhằm đánh lạc hướng, qua mặt cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một số đối tượng tuy không trực tiếp phá rừng nhưng đứng sau xúi giục hoặc bỏ tiền thuê người dân địa phương vào rừng khai thác trái phép rồi đứng ra mua lại lâm sản. Chưa kể, một số đối tượng lâm tặc rất hung hăng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.
M.T