Âm ỉ nạn tảo hôn

Thứ tư, 14/12/2016 09:43

(Cadn.com.vn) - Báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam mới đây, ở 68 xã miền núi của tỉnh trong giai đoạn 2010 - 2015 có đến 1.534 trường hợp tảo hôn, 101 trường hợp hôn nhân cận huyết. Những con số trên khiến nhiều người phải giật mình. Bởi lâu nay, quá trình xây dựng đời sống văn hóa gắn với việc xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, thế nhưng ở những vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam, vấn nạn này vẫn đang diễn ra một cách âm ỉ nhưng rất nghiêm trọng mà các ngành chức năng chưa có những giải pháp căn cơ để xóa bỏ.

Hồ Thị H. cùng đứa con bên ngôi nhà của mình.

Hồ Thị H. (trú xã Phước Thành, H. Phước Sơn, Quảng Nam) sinh năm 2001 nhưng đã sinh con 2 năm nay. "Năm trước trong kỳ nghỉ hè về làng, em quen với Hồ Văn S. (19 tuổi, trú cùng thôn), thời gian sau em phát hiện có bầu nên nghỉ học ở nhà sinh con. Do còn nhỏ, xã không cho em đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi. Lỡ có bầu rồi nên hai đưa dắt nhau dựng tạm căn nhà ván để ở"-H. tâm sự. Xã Phước Thành hiện có 3 nữ sinh khác phải dừng việc học để sinh con. Giáp ranh với xã Phước Thành, Phước Lộc là xã vùng cao khó khăn nhất của H. Phước Sơn, ngoài vấn nạn tảo hôn, vẫn còn những hủ tục đeo bám. Hồ Thị V. năm nay mới 13 tuổi nhưng đã "lỡ" có con với một thanh niên cùng thôn trong lúc "đi làm rẫy chung"... Liên quan đến vấn nạn học sinh có con sớm gia tăng tại H. Phước Sơn trong những năm gần đây, một giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện cho biết, thực trạng này hầu như năm nào cũng xảy ra tại trường. Năm ngoái, trường có đến 6 nữ sinh có bầu nên phải bỏ học, trong đó có 3 em lớp 9. Ngoài ra, có 2 em nộp hồ sơ vào lớp 10 nhưng chưa kịp đi học thì đã có bầu. Năm nay vấn nạn trên lại tiếp tục tái diễn với gần 10 em có bầu phải nghỉ học.

Vấn nạn tảo hôn khiến những đứa trẻ sinh ra không được chăm sóc tốt.

Tại H. Đông Giang, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang tồn tại song song, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi. Theo số liệu thống kê của UBND huyện, tình trạng tảo hôn từ 2010-2015 có 296 trường hợp, riêng năm 2016 có 45 trường hợp; hôn nhân cận huyết thống có 19 trường hợp... Trước thực trạng trên, mới đây Huyện đoàn Đông Giang phối hợp với Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình cùng các ngành chức năng tổ chức chương trình "Xây dựng tình bạn đẹp - Tuổi trẻ học đường nói không với tảo hôn" tại các trường THPT trên địa bàn huyện. Thông qua chương trình, các học sinh được cung cấp kiến thức về vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và những vấn đề về tâm lý, sức khỏe sinh sản trong lứa tuổi vị thành niên. Ông Hồ Thanh Tân- Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam thông tin, tình trạng tảo hôn đang diễn ra ngày một phức tạp ở các huyện miền núi của tỉnh, gây nhiều hệ lụy hết sức nghiêm trọng...Để giải quyết hiệu quả tình trạng tảo hôn, ông Hồ Thanh Tân cho rằng chính quyền các địa phương miền núi, bên cạnh chăm lo thực hiện tốt các chính sách dân tộc cần làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu, thay đổi nhận thức, xóa bỏ hủ tục. Bên cạnh đó thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 4462/KH-UBND tỉnh ngày 5-10-2015 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cùng dân tộc thiểu số. Còn ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho rằng: "Đây là một tập tục tồn tại lâu đời, chúng ta phải chấp nhận nó và từng bước giải quyết thì mới có hiệu quả. Không thể giải quyết trong thời gian ngắn mà phải kiên trì, nhưng quan trọng nhất là làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu, thay đổi nhận thức. Giải pháp truyền thông phải là giải pháp lâu dài, với những hình thức đa dạng và hiệu quả".

Trước vấn nạn này, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số từ nay đến năm 2020, tại địa bàn 73 xã thuộc 10 huyện, kinh phí thực hiện hơn 10 tỉ đồng. Hy vọng  với những giải pháp mà các ngành chức năng đưa ra, trong thời gian đến vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương miền núi sẽ dần được đẩy lùi.

B.B