Ám sát kiểu đầu độc: Góc nhìn đa chiều từ căng thẳng Nga-Anh

Thứ bảy, 17/03/2018 13:10

Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga và con gái Yulia ở Anh, bằng một chất độc thần kinh hiếm, đang đẩy mối quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Ông Skripal và con gái Yulia vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.   Ảnh: AFP

Vụ việc càng bị đẩy lên cao trào phức tạp khi chính phủ Thủ tướng Anh Theresa May đã có quyết định mạnh tay với phía Nga: trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga liên quan vụ tấn công cựu điệp viên Sergei Skripal. Anh cũng yêu cầu Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) giúp đỡ và đưa vấn đề lên HĐBA LHQ.

Từ Malaysia đến Anh – một vấn đề, hai cách phản ứng

Moscow đã bác bỏ mọi sự liên quan, trong khi một cuộc điều tra đầy đủ có thể sẽ mất vài tháng. Dù chưa điều tra kỹ càng, nhưng chính phủ Anh lại liên tục cáo buộc Moscow liên quan. Động thái này của Anh rõ ràng hoàn toàn tương phản với phản ứng của Malaysia trước vụ đầu độc gây chấn động khác: vụ sát hại công dân Triều Tiên tên Kim Jong-nam, anh em cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia vào ngày 13-2-2017.

Cả hai nữ nghi phạm bị cáo buộc liên quan vụ sát hại ông Kim Jong-nam là Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah bị buộc tội dùng khăn tẩm chất độc thần kinh VX sát hại nạn nhân. Tuy nhiên, cả hai đều luôn khẳng định họ bị lừa vì tin rằng đang tham gia vào trò chơi khăm trên truyền hình. Trong phiên xét xử mới nhất tại tòa án Malaysia ngày 14-3, vấn đề này càng được củng cố. Tại phiên tòa, ông Hisyam The Poh Teik, luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương, công bố bản khai do Nguyễn Bích Thủy nêu chi tiết cách thức nghi phạm Hương được một người Triều Tiên tên Ri Ji Hyon tuyển mộ. Ri là một trong 4 đối tượng Triều Tiên bị giới chức Malaysia truy nã vì liên quan vụ sát hại này. Thủy cho biết, cô đã nghe người tên Ri nói với Hương rằng, nhóm của ông đang thực hiện một đoạn băng quay lén cảnh chơi khăm tại sân bay, và yêu cầu Hương “mặc đẹp, lướt qua một người khác và đổ một tách chất lỏng lên đầu người này”.

Phiên tòa có thể sẽ tiếp tục trong vài tháng. Ít nhất 5 người Triều Tiên được cho là đứng sau vụ tấn công và tuyển mộ 2 nữ nghi phạm – vẫn trốn mất bí ẩn và đang bị phía Malaysia truy nã. Vì vậy, đã có nhiều cáo buộc nhằm vào chính phủ Triều Tiên nhưng giới chức Malaysia vẫn thận trọng trong việc buộc tội Bình Nhưỡng. Và trên thực tế, Kualar Lumpur chưa bao giờ yêu cầu Triều Tiên phải chịu trách nhiệm. Tại sao Malaysia hành động như vậy?

BBC dẫn lời giới phân tích cho rằng, Malaysia thực tế cảm thấy bị “mất mặt” khi vụ tấn công xảy ra. Ông Kim Jong-nam khi đó bị choáng và yêu cầu trợ giúp y tế ngay tại nhà ga sân bay, và chết trong vòng 20 phút. Nhân viên an ninh đầu tiên đưa ông Kim đến phòng khám tại sân bay cho biết, ông là một người Hàn Quốc, mặc dù thực tế ông đi du lịch bằng hộ chiếu giả của Triều Tiên dưới cái tên Kim Chol.

Sai lầm này nhanh chóng khiến các cơ quan tình báo Hàn Quốc giật mình, trước khi xác định ông Kim Chol thật ra là anh cùng cha với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cho rằng, ông có thể bị đột quỵ. Phải mất vài ngày sau, cảnh sát mới tuyên bố, ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh VX, vốn chỉ được sản xuất tại một số ít quốc gia.

Các nhà điều tra làm việc tại nơi phát hiện cựu điệp viên Skripal và con gái Yulia bất tỉnh.  Ảnh: Reuters

“Chiến lược đổ lỗi” của Anh?

Sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal, chính phủ Anh cũng hứng chịu chỉ trích. Nhưng khác với Malaysia, London đã kịp chuyển hướng dư luận sang Nga khi liên tiếp cáo buộc tội cho Moscow.

Nga tất nhiên bác bỏ liên quan. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, vụ tấn công không phải do Nga đứng sau mà là hành động của “những kẻ khiêu khích chính trị”. Tướng William Rooda, người từng làm việc trong ngành tình báo Liên Xô, cho rằng, ông Skripal có thể có nhiều kẻ thù cá nhân, những kẻ muốn ông ấy chết, bởi ông ấy đã tiết lộ danh tính của hàng chục điệp viên cho cơ quan tình báo Anh Mi-6. Tuy vậy, theo cựu điệp viên Rooda, nhiều câu hỏi hiện vẫn được đặt ra liên quan thời gian và địa điểm diễn ra vụ sát hại cũng như vũ khí được sử dụng.

Trung tướng Rooda nhận định, vụ tấn công ông Skripal “rõ ràng” được thực hiện dưới bàn tay những kẻ nghiệp dư hoặc những kẻ chuyên nghiệp có mục đích không phải sát hại ông ấy mà là gây ra một vụ bê bối quốc tế. Ông lưu ý, cơ quan tình báo quân sự chưa bao giờ sử dụng bất kỳ chất độc bất thường nào để thủ tiêu kẻ thù một cách bí mật. Theo tướng Rooda, cựu điệp viên Skripal chuyển toàn bộ thông tin nhạy cảm có được cho tình báo Anh và không còn là mối đe dọa cho Moscow, do đó phải loại trừ khả năng vụ sát hại ông ấy là do Nga đạo diễn. Ông Rooda cho rằng, vụ tấn công được xem là “hành động khiêu khích chính trị”.

Nhiều chuyên gia khẳng định, việc đổ lỗi cho các điệp viên Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok để sát hại ông Skripal là vô căn cứ. Trả lời phỏng vấn Sputnik, cựu điệp viên Nga Mikhail Lyubimov giải thích: “Tôi là một đại tá từ bộ phận tình báo nước ngoài thuộc Cơ quan An ninh Liên Xô (KGB), và tôi nhớ rằng không một ai trong chúng tôi sát hại bất kỳ người nào. Đã có lệnh cấm trực tiếp, và chúng tôi không có một đơn vị nào thực hiện các nhiệm vụ như vậy. Đó là điều vô lý, do người Anh dựng nên. Tôi bất ngờ khi mọi người vẫn tin vào những thứ như vậy”.

Lo ngại leo thang

Thật sự, nhìn bối cảnh vụ tấn công, khó có thể nói rằng, Nga đứng sau vụ đầu độc như kiểu “lạy ông tôi ở bụi này” như vậy.

Có nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc lần này chỉ là một cái cớ để Anh và phương Tây gây áp lực lên Nga, trong bối cảnh hai bên vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề như Syria, Iran hay Triều Tiên. Và quan trọng hơn hết, những cáo buộc nhằm vào Nga lần này được đưa ra giữa lúc Nga chuẩn bị bầu cử Tổng thống Nga vào ngày 18-3 tới, với dự đoán về một chiến thắng áp đảo dành cho Tổng thống Vladimir Putin.

Thật sự, căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Nga vẫn đang leo thang. Trong ngày 16-3, các bộ trưởng Anh và Nga sử dụng ngôn từ khó nghe nhằm vào nhau. Đại sứ Nga thậm chí nói rằng, London đang cố chuyển sự chú ý ra khỏi cuộc khủng hoảng Brexit. Nhưng đáng lo ngại hơn nữa là “cuộc chiến tay đôi” giữa Nga và Anh đang dần hình thành theo kiểu đối đầu Đông-Tây khi các quốc gia đồng minh thân cận của Anh đang đứng về một phía chiến tuyến với London và có thể sẵn sàng thông qua những bước đi mạnh mẽ tương tự nhằm vào Moscow.

Hôm 15-3, Anh, Đức, Pháp và Mỹ ra tuyên bố chung lên án vụ đầu độc này, đồng thời cáo buộc Moscow gây ra vụ việc này. “Việc sử dụng chất độc thần kinh cấp độ quân sự, một loại được Nga phát triển, cấu thành nên vụ tấn công bằng chất độc thần kinh đầu tiên ở Châu Âu kể từ Thế chiến II... Điều này đe dọa tới an ninh của tất cả chúng tôi”, tuyên bố có đoạn. Ngoài ra, 4 quốc gia trên cũng kêu gọi Nga đưa ra các thông báo đầy đủ và toàn diện về chương trình chất độc thần kinh Novichok của Moscow cho OPCW.

Vụ Skripal được xem là phép thử đối với Anh. Nhưng có vẻ London đang đi chệch hướng khi đẩy quan hệ giữa hai bờ Đông-Tây vào một tình thế nguy hiểm như hiện nay.

KHẢ ANH