An Bình hôm nay

Thứ hai, 16/11/2015 10:16

(Cadn.com.vn) - Cách quốc lộ 1A hơn 04 km về phía Tây, thôn An Bình (xã Bình Chánh, H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) hiện ra trong khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả của màu xanh cánh đồng lúa, những ngôi nhà hiền hòa dọc theo con đường liên xóm đã bê-tông hóa... “An Bình, tên thôn như gửi gắm khát vọng về cuộc sống bình yên của bao thế hệ người dân nơi này”. Đó là lời bộc bạch đầu tiên của ông Nguyễn Văn Lăng–Trưởng thôn An Bình khi nói về quê hương mình. Chuyện về quá trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) nơi đây, là cả “con đường dài” vất vả nhưng cũng đầy tự hào về mảnh đất và con người An Bình với biết bao sự vượt khó đi lên, để khoác lên mình chiếc áo mới như hôm nay.

Diện mạo mới  ở thôn An Bình hôm nay.

Ông Lăng cho biết:  Năm 2000, An Bình phát động xây dựng “Thôn văn hóa”. Từ đó, phong trào như được khơi nguồn mạnh mẽ và phát huy tinh thần tự lực từ mỗi người dân, gia đình đến các tổ chức đoàn thể. Xác định xây dựng đời sống văn hóa, trước hết là phải xóa đói giảm nghèo nên Ban chỉ đạo thôn đã tuyên truyền, vận động người dân chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Trước đây, An Bình vốn là một thôn thuần nông, độc canh cây lúa. Vạn sự khởi đầu nan, cán bộ và nhân dân thôn An Bình cùng bắt tay vào cuộc. Ban chỉ đạo thôn triển khai các nội dung, tiêu chí đến từng đoàn thể, hộ gia đình và xác định rõ để phong trào thấm sâu vào lòng dân thì trước hết phải tập trung đoàn kết, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội ở An Bình.

Ngoài việc bám ruộng đồng với việc trồng lúa, người dân đã cải tạo những vườn nhà, ngoài đồng để trồng thêm các loại cây trồng khác như dưa gang, đậu xanh... cho thu nhập cao hơn. Đặc biệt, các tổ chức đoàn thể như chi hội nông dân, phụ nữ, thanh niên tranh thủ các lớp tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăn nuôi và trồng trọt, đồng thời đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn nhằm đa dạng hóa ngành nghề, nhất là lúc nông nhàn, tạo việc làm và tăng thu nhập. Năm 2000,  tỷ lệ hộ đói nghèo hơn 16,2 % thì đến nay chỉ còn 3,15 %  hộ nghèo (hộ neo đơn, già yếu), đồng thời xuất hiện nhiều gia đình làm ăn khá giả như Võ Trung Đăng, Phan Công Lưu, Huỳnh Văn Năm... Hiện nay, tại thôn An Bình đã có nhiều mô hình làm nấm rơm, mộc, tiện gỗ, làm bún khô... cho thu nhập cao hơn so với làm nông. Toàn thôn có 3 tổ tự quản với 175 hộ, người dân đã mua sắm 6 máy gặt đập liên hợp, 5 máy cày bốn bánh, 3 ô-tô tải... để thuận lợi trong việc phát triển đa ngành nghề. Ông Lăng ước tính, thu nhập bình quân tính đến năm 2014 đạt 22 triệu đồng/người/ năm và 20% số hộ đã xây dựng nhà ở cao tầng.

Loanh quanh những con đường liên xóm đã được bê-tông hóa ở đây, những ngôi nhà đã được xây dựng kiên cố hiện ra cho thấy dáng dấp của một làng quê khởi sắc. Bây giờ, thôn An Bình đã có cổng chào, cụm truyền thanh và nhà sinh hoạt văn hóa thôn đang được xây dựng lại. Hằng năm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ đều được tổ chức thường xuyên đồng thời tham gia các hội diễn, giao lưu nhân các ngày lễ, Tết. Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất 18-11, thôn đã tổ chức nhiều hoạt động như cắm trại, thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thi đấu thể thao, văn nghệ, tổ chức “bữa cơm đại đoàn kết” đầm ấm, và tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu, qua đó càng phát huy hơn nữa sức mạnh đoàn kết trong nhân dân.

Năm 2014, toàn thôn có  96,6% số hộ đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”, so với năm 2010 tăng 13,5% và so với năm 2000 – thời điểm phát động xây dựng “Thôn văn hóa” tăng 23%. Ban vận động của thôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng “Tộc văn hóa”. Hiện nay trên địa bàn thôn có 5/5 tộc gồm các tộc: Võ, Huỳnh Văn, Dương Văn, Đoàn Văn, Nguyễn đã tổ chức ra mắt xây dựng “Tộc văn hóa”. Sức lan tỏa của phong trào “Tộc văn hóa” có sự ảnh hưởng rất lớn góp phần thành công chung trong việc xây dựng đời sống văn hóa là sự giáo dục của Hội đồng gia tộc đối với con cháu trong từng tộc họ...

Từ một vùng đất nghèo khó ngày nào, An Bình đang từng bước tạo dựng một cuộc sống mới. H. Thăng Bình đang chọn thôn An Bình là một trong những mô hình mới, cách làm hay để làm điểm, nhân rộng và triển khai trong toàn huyện, nhằm thực hiện tốt phong trào “TDĐKXDĐSVH” trong quá trình xây dựng nông thôn mới cùng với các thôn khác của xã Bình Chánh. Và nơi này, An Bình – nơi bắt đầu một ngày mới...

Thảo Nguyên