Ấn Độ-Indonesia xích lại gần nhau
(Cadn.com.vn) - Ấn Độ và Indonesia tập trận tuần tra phối hợp 17 ngày ở vùng biển Andaman hồi tháng 10. Đây là lần thứ 28 hai nước phối hợp tuần tra và là lần thứ hai tập trận chung trên biển. Sự kiện này phản ánh đúng cam kết đổi mới của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á. Là hai nước lớn trong khu vực, các mối quan hệ lịch sử và khuynh hướng theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, mối quan hệ song phương giữa hai nước đóng vai trò đáng kể đối với cấu trúc khu vực. Hơn nữa, là hai nền dân chủ có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới, mối quan hệ hai nước sẽ tác động lớn đến cộng đồng Hồi giáo.
Lịch sử xung đột
Ấn Độ và Indonesia có lịch sử phức tạp, điều này dẫn đến một số khởi đầu sai lầm. Trong thế kỷ XI, vua Ấn Độ, Rajendra nhiều lần tấn công hải quân Indonesia, nhằm bảo vệ thương mại Ấn Độ-Trung Quốc.
Sau khi độc lập, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru, muốn thành lập một "Liên đoàn các quốc gia Châu Á" thể hiện ở việc New Dehli triệu tập Hội nghị Quan hệ Châu Á năm 1947 và một hội nghị vào năm 1949 lên tiếng phản đối Hà Lan "hành động" ở Indonesia. Ấn Độ cũng đóng vai trò nổi bật trong việc thành lập các lực lượng vũ trang Indonesia và cả hai nước đã tổ chức tập trận hải quân chung đầu tiên vào tháng 5-1960.
Tuy nhiên, từ năm 1960, vai trò của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á không còn mạnh mẽ. Quan hệ giữa Ấn Độ và Indonesia tiếp tục xấu đi trong năm 1980 bởi Jakarta quan ngại những nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Ấn Độ và tham vọng xây dựng tiềm lực quân sự trên quần đảo Andaman và Nicobar, chỉ cách đảo Sumatra của Indonesia 80 hải lý.
Ấn Độ đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung với Indonesia ở Surabaya vào năm 1989 và ở biển Andaman vào năm 1991. Hai nước cũng tổ chức các cuộc tuần tra phối hợp (CORPAT) tại nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế ở vùng biển Andaman kể từ năm 2002. Hai nước cũng ký một số thỏa thuận và trao đổi song phương nhằm tăng cường hợp tác chiến lược. Cả hai duy trì việc dẫn độ và hiệp ước Tư pháp nhằm tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố.
Ấn Độ, Indonesia tập trận chung trên biển Andaman. Ảnh: Naral Today |
Có cùng chiến lược
Hai nước cùng chia sẻ một vài điểm chung trong chiến lược và đang đẩy mạnh phát triển hàng hải.
Dưới thời chính quyền của Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo, Indonesia đã nâng tầm quan trọng chiến lược biển với việc cho rằng đất nước là một "điểm tựa hàng hải" với tham vọng nổi lên như một "cường quốc hàng hải toàn cầu". Sách Trắng Quốc phòng cũng đặt trọng tâm đổi mới về an ninh hàng hải.
Ấn Độ cũng phát triển chiến lược hải quân nhiều tham vọng để hỗ trợ lợi ích phát triển. Khoảng 95% tổng thương mại của Ấn Độ qua đường biển, trong đó có hơn 70% lượng dầu nhập khẩu của cả nước. Trong bối cảnh này, Ấn Độ tuyên bố tham vọng phát triển "một thương hiệu Hải quân mới đa chiều" với "cách tiếp cận và phát triển bền vững" mở rộng "từ phía bắc biển Arab đến Biển Đông".
Về chính trị, giới lãnh đạo hai nước là các chính trị gia có tầm nhìn sâu rộng. Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Joko Widodo cam kết cải thiện cơ sở hạ tầng, khắc phục nạn quan liêu, và chống tham nhũng. Cả hai đều nỗ lực quản lý tốt đất nước vốn đa dạng tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ, dẫn đến một loạt các phong trào ly khai, bất ổn xã hội và bạo lực lẻ tẻ. Cả hai nhà lãnh đạo đều đưa đất nước tăng trưởng ấn tượng với số lượng tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.
Tất cả các điểm chung trên là điều kiện để hai nước phát triển quan hệ hợp tác trên diện rộng. Quỹ đạo của mối quan hệ Ấn Độ-Indonesia là dấu hiệu cho sự phát triển cấu trúc của khu vực.
An Bình
(Theo Diplomat)