Ấn Độ nguy cấp với dịch COVID-19

Thứ hai, 26/04/2021 14:59

Ấn Độ đang là "tâm chấn" của thế giới trong đại dịch COVID-19 khi số ca mắc mới liên tục duy trì hơn 300.000 trong khi các bệnh viện rơi vào cảnh thiếu hụt ô-xy y tế nghiêm trọng.

Hàng loạt bệnh nhân Covid-19 nằm la liệt bên ngoài bệnh viện Guru Teg Bahadur, New Delhi. Một bãi hỏa táng ở Ấn Độ.  Ảnh: AP

Theo công bố ngày 25-4, trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 349.691 ca nhiễm mới và 2.767 ca tử vong. Con số trên đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới trên mức 200.000, nâng tổng số người dương tính từ đầu dịch đến nay lên hơn 16,9 triệu người, với hơn 2,68 triệu ca bệnh đang được điều trị. Tổng số người không qua khỏi do dịch COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới 192.310 trường hợp.

Giới chuyên gia y tế cho rằng, Ấn Độ đã mất cảnh giác khi dịch bệnh COVID-19 dường như đã được kiểm soát trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2021, khi số ca mắc trong ngày ở mức khoảng 10.000 ca, và đã dỡ bớt các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch, cho phép tập trung đông người trở lại. Chính phủ Ấn Độ đã phát động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng chỉ có một phần nhỏ trong số hơn 1,3 tỷ dân đã được tiêm.

Người chết la liệt ngoài bệnh viện

Nhiều bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ đã chết trên cáng cứu thương khi chưa kịp nhập viện. Người thân của Shayam Narayan nỗ lực gấp rút chuyển anh từ chiếc xe kéo sang cáng cứu thương của bệnh viện ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Tuy nhiên, Narayan đã chết trên cáng ngay trước cửa bệnh viện, chỉ vài phút trước khi nhập viện.

Bệnh viện Guru Teg Bahadur, nằm ở phía đông bắc thủ đô của Ấn Độ, là một trong những bệnh viện đang phải vật lộn với tình trạng thiếu ô-xy và giường bệnh. Nhiều bệnh nhân đã chết trên cáng ngay bên ngoài bệnh viện, giống như Narayan. Một phát ngôn viên của chính phủ New Delhi cho biết: "Do sự gia tăng theo cấp số nhân các trường hợp COVID-19 ở New Delhi, tất cả các bệnh viện đều quá tải. Tại Bệnh viện GTB, bệnh nhân được đưa đến bằng xe cấp cứu không còn giường để nằm".

Theo số liệu chính thức, 400 giường chăm sóc đặc biệt COVID-19 của bệnh viện chính phủ cũng đã chật kín bệnh nhân. Trong khi đó, các bệnh nhân nguy kịch vẫn liên tục được đưa tới trên xe cứu thương, và thậm chí cả xe ba bánh. Nhiều bệnh nhân phải đợi hàng giờ trên xe đẩy để được nhập viện. Không ít trường hợp, giống như Narayan, chết trước khi vào được bệnh viện.

Với bối cảnh số người tử vong ngày càng tăng, các lò hỏa táng đều trong tình trạng quá tải, buộc Ấn Độ phải thực hiện hoạt động hỏa táng hàng loạt. Các lò hỏa thiêu ở Ấn Độ phải hoạt động quá công suất để xử lý lượng lớn thi thể bệnh nhân COVID-19 được đưa tới đây. Các lò thiêu xác ở Ấn Độ phần lớn là ở ngoài trời, nhiều lò mới được dựng lên để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp. Phương pháp hỏa táng chủ yếu là dựng giàn hỏa thiêu và sử dụng củi để thiêu các xác chết. Tình cảnh ở ngay cả thủ đô New Delhi cũng rất thảm thương, với các bãi hỏa táng đã quá tải, nghi ngút khói từ hoạt động hỏa thiêu tập thể. Người ta đã phải đốt nhiều tấn củi nhưng các thi thể vẫn được ùn ùn vận chuyển tới các khu vực này.

Khủng hoảng ô-xy

Trong vài ngày qua, tình hình COVID-19 tại Ấn Độ đã trở nên rất phức tạp khi số ca nhiễm hằng ngày không ngừng gia tăng, khiến hệ thống y tế đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh và thuốc men trầm trọng, đặc biệt là thiếu nguồn cung ô-xy.  Các quan chức tại bệnh viện Jaipur Golden ở Rohini, New Delhi cho biết 20 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong do áp lực ô-xy thấp khi nguồn cung ô-xy của bệnh viện này cạn kiệt. Do thiếu ô-xy, một số bệnh viện buộc phải cho bệnh nhân về nhà hoặc chuyển sang bệnh viện lớn hơn với cơ sở y tế đầy đủ hơn. Kulwinder Singh - Giám đốc y tế tại bệnh viện Shanti Mukund - cho hay họ đang yêu cầu gia đình của 85 bệnh nhân có nhu cầu ô-xy cao cân nhắc một kế hoạch khác do bệnh viện chỉ còn đúng lượng ô-xy để cung cấp cho bệnh nhân trong 2 giờ.

Tình trạng khan hiếm khẩn cấp hiện nay không phải do Ấn Độ đã cạn kiệt ô-xy. Vấn đề chính là ô-xy không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Sự chậm trễ này là do các cơ sở sản xuất ô-xy được đặt ở rất xa, mạng lưới phân phối lại rộng lớn và một phần là do "kế hoạch tồi tệ" của chính phủ.

Nhiều bệnh viện trên khắp cả nước, trong đó có thủ đô New Delhi, ra thông báo khẩn cấp nguồn ô-xy sắp cạn kiệt. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, tình hình dịch bệnh tại các bang lân cận New Delhi như Uttar Pradesh, Haryana cũng diễn biến rất xấu, số lượng bệnh nhân nhập viện quá tải khiến các nhà máy sản xuất phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu địa phương. Do đó, các bệnh viện tại thủ đô phải đặt hàng từ các nhà máy xa hơn tại các khu công nghiệp ở phía đông của Ấn Độ.

Do đặc tính dễ cháy nổ của loại vật liệu này, tất cả các lô hàng ô-xy hóa lỏng đều phải vận chuyển trong các bồn chứa đặc chủng, phải lên kế hoạch vận chuyển chi tiết để đảm bảo việc giao hàng đúng thời hạn. Tuy nhiên, một số nguồn tin địa phương lại cho rằng, các bệnh viện tại New Delhi đã đặt hàng mà không tính cả thời gian vận chuyển ô-xy qua nhiều bang bằng đường bộ. "Tình trạng này sẽ không xảy ra nếu các bang lên kế hoạch và đặt hàng sớm hơn cách đây từ 2 đến 3 tuần", một nguồn tin cho biết. 

Nỗ lực của chính phủ

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trầm trọng làm cạn kiệt nguồn ô-xy cho bệnh nhân trong nước. Chính phủ Ấn Độ đã triển khai máy bay và tàu hỏa quân sự để vận chuyển ô-xy từ các khu vực khác của đất nước và nước ngoài về nước. Ngày 24-4, Không quân Ấn Độ đã chở 4 container chứa ô-xy từ Singapore về nước. "Một chiếc C-17 của Không quân Ấn Độ đã bay lúc 2 giờ sáng 24-4 từ căn cứ không quân Hindan tới sân bay quốc tế Changi ở Singapore. Máy bay tới Singapore lúc 7 giờ 45 cùng ngày. Sau khi chất 4 container gồm các bình ô-xy đông lạnh, máy bay rời Singapore và hạ cánh tại căn cứ không quân Panagarh. Các container này sau đó được dỡ xuống tối cùng ngày", Không quân Ấn Độ cho biết.

Phát biểu tại cuộc họp ngày 23-4 có sự tham gia của thủ hiến các bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, chính phủ trung ương sẽ cung cấp sự hỗ trợ đầy đủ cho tất cả các bang và yêu cầu chính quyền các bang phải xử lý nghiêm các hành vi tích trữ, buôn bán chợ đen các loại dược phẩm thiết yếu. Trong một cuộc gặp riêng rẽ với các nhà sản xuất ô-xy hàng đầu cả nước, ông Modi nhấn mạnh cần có sự phối hợp hiệu quả giữa chính phủ và các nhà sản xuất ô-xy. Dưới sự kêu gọi của chính phủ, các nhà sản xuất kim loại của Ấn Độ đã chuyển ô-xy công nghiệp cho chính quyền các bang. 

Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực phối hợp với các nước nhằm huy động nhanh nhất các nguồn dự trữ ô-xy ở nước ngoài cho công tác chống dịch. Ấn Độ được cho là đã đề nghị các nước dỡ bỏ các hạn chế làm chậm việc bàn giao các thiết bị chứa và sản xuất ô-xy, đảm bảo không để chuỗi cung ứng bị gián đoạn. 
Ngoài Singapore, Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đang làm việc với phía Ấn Độ để chuyển giao các bồn chứa ô-xy. Liên minh Châu Âu và Nga cũng sẽ gửi các chuyến hàng cung ứng về dược phẩm và ô-xy tới Ấn Độ. Tổ chức từ thiện Abdul Sattar Edhi của Pakistan đã gửi thư cho Thủ tướng Ấn Độ đề nghị giúp đỡ nước này 50 xe cứu thương và nhân viên cấp cứu. Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng đã bày tỏ "sự đoàn kết với người dân Ấn Độ trong cuộc chiến chống làn sóng Covid-19 khó khăn này".

Mỹ cũng đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 tại Ấn Độ và có kế hoạch đẩy nhanh công tác hỗ trợ Chính phủ Ấn Độ và các nhân viên y tế nước này trong nỗ lực chống dịch. Trung Quốc cũng đã đề nghị giúp Ấn Độ đối phó với sự bùng phát của dịch COVID-19. Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Trung Quốc đã "chìa cành ô-liu" với Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia vẫn leo thang dọc khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya. 

Đề nghị Mỹ dỡ bỏ cấm vận

Trước đó, tối 23-4, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã họp trực tuyến với các Đại sứ Ấn Độ tại Đức, EU, Mỹ và lãnh đạo các công ty dược đa quốc gia để bàn cách giải quyết các khó khăn trong chuỗi cung ứng dược phẩm cho Ấn Độ.

Ông Jaishankar cũng đề cập việc các nước cần phải giúp Ấn Độ, trong đó bao gồm cả việc cho phép xuất khẩu các nguyên liệu dược phẩm cho nước này. Thông điệp này được cho là hướng tới chính quyền Mỹ và các nước vốn đang hạn chế xuất các nguyên liệu điều chế vaccine COVID-19 ra nước ngoài để ưu tiên nhu cầu trong nước.

Tuy là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, nhưng Ấn Độ cũng rơi vào tình trạng thiếu vaccine trầm trọng. Nước này đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với các nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất vaccine. Tuy nhiên, Washington đã từ chối lời đề nghị này và cho rằng, trách nhiệm trước tiên của họ là chăm sóc người dân Mỹ. "Dĩ nhiên, việc người Mỹ được chủng ngừa không chỉ là mối quan tâm của chúng tôi mà còn là mối quan tâm của phần còn lại trên thế giới", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói.

AN BÌNH