Ân hận muộn màng
(Cadn.com.vn) - Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Thành Nam (1977, trú P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) thực sự cảm thấy xấu hổ với vợ con, người thân trong gia đình về những gì mình đã gây ra. Có lẽ chưa bao giờ trong cuộc đời Nam ân hận như bây giờ, chỉ tiếc nó đã quá muộn...
Vụ án xảy ra đã lâu nhưng dường như mỗi lần nhắc đến là thêm một lần xoáy sâu vào nỗi đau của vợ bị cáo. Dù có đưa ra hàng ngàn lý do khác nhau để biện hộ thay cho chồng nhưng không có lý do nào chị thấy phù hợp. Từ một người chồng tốt, một người con ngoan trong gia đình bỗng chốc tương lai vụt mất. Có thể nói, với công việc của Nam lúc bấy giờ là một niềm mơ ước của biết bao người. Cũng công việc ấy, mỗi khi gia đình nhắc đến tự hào bao nhiêu... thì cũng chính từ công việc này lại là đầu mối để Nam bước đi sai lầm và nhận lấy hậu quả ngày hôm nay.
5 bị hại trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do Nam gây ra chẳng ai xa lạ mà chính là người quen thân, bà con, bạn, cọc chèo... Cũng chỉ vì nghe Nam "múa miệng" nên lâm vào cảnh tiền mất, mất cả tình thân. Chẳng là Nam lợi dụng vị trí công tác đưa ra thông tin gian dối cho anh Lê Cao Tuấn (trú P. Chính Gián, Q. Thanh Khê) về việc Nam có khả năng xin được việc làm tại Sở CSPCCC TP Đà Nẵng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, tháng 10-2013 do có nhu cầu xin việc cho chồng nên bà Trương Thùy Sỹ (trú Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) thông qua Trần Lộc Quang và Tuấn nhờ xin việc vào Sở CSPCCC TP Đà Nẵng. Thông qua Tuấn, Nam đưa ra giá chi phí xin việc là 145 triệu đồng, Tuấn trao đổi với Quang sau đó Quang nói với bà Sỹ giá là 185 triệu đồng. Sau khi nhận tiền từ bà Sỹ, Quang đưa cho Nam 145 triệu, giữ lại 40 triệu đồng. Nam đưa cho anh Đán (chồng bà Sỹ) 1 bộ hồ sơ có lý lịch người xin vào ngành CA, yêu cầu điền đầy đủ thông tin và đưa lại cho Nam, Nam hẹn đến tháng 1-2014 sẽ có việc làm.
Để tạo niềm tin cho gia đình bà Sỹ, Nam cứ hẹn rày hẹn mai. Ví như sáng sớm Nam điện thoại thông báo 11 giờ đến cơ quan nhận quyết định, vậy nhưng đến tầm 10 giờ Nam lại gọi điện thông báo "trục trặc" vì sếp chưa ký... Và, dĩ nhiên sự việc cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, cùng một kiểu khiến cho người bị hại nhanh chóng phát hiện và yêu cầu làm rõ. Cũng với phương thức xin việc vào Sở CSPCCC TP Đà Nẵng, Nam tiếp tục lừa bà Trương Thị Liễu (trú P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) số tiền 145 triệu đồng, chiếm đoạt của ông Lê Cao Minh (trú Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam) 80 triệu đồng, chiếm đoạt của chị Dương Thị Hoài (trú Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) 160 triệu đồng và chiếm đoạt của anh Lương Tài Ly Na (trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) 190 triệu đồng. Tổng cộng Nam chiếm đoạt của 5 nạn nhân với số tiền 720 triệu đồng. Với hành vi này VKS đã truy tố Nam tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS với khung hình phạt cao nhất là chung thân.
Bị cáo Nam tỏ ra hối hận trước những việc đã làm. |
Tại tòa, Nam khai nhận toàn bộ hành vi sai trái của mình và cho rằng nội dung bản cáo trạng truy tố đối với bị cáo là hoàn toàn đúng. Khi được hỏi, bị cáo cho rằng với mức lương lúc bấy giờ đủ để lo cho cuộc sống gia đình tuy nhiên vì thiếu tiền tiêu xài cá nhân nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người khác. Và, chính Nam khi được hỏi "tiêu xài cá nhân" cụ thể như thế nào Nam cũng chỉ biết bỏ lửng những câu trả lời... Nam không thể trả lời, bởi trong 720 triệu đồng Nam không đưa về cho vợ cũng chẳng mua đất, cất nhà, Nam cũng không như người ta vướng vào chuyện cá độ. Vậy nên, việc tìm một lý do để giải thích cho việc Nam cần tiền phục vụ tiêu xài cá nhân đến mức phải đi lừa đảo người khác thật không phải dễ. Theo Nam, do khi lừa được người này xong thấy có tiền tiêu xài nên lại nổi lòng tham và cứ thế nên mới trượt dài trong tội lỗi.
Có mặt tại phiên tòa với vai trò người bị hại, bà Sỹ cho hay: Bà không biết Nam, nhưng Quang là người nhà, bà con nên khi nghe nói "có đường" vào CA thì nhờ cậy. Điều đáng nói ở đây, chồng bà đang có việc làm ổn định nhưng nghe Nam thông báo nghỉ việc đi để chuẩn bị nhận quyết định đi làm nên giờ "tiền mất tật mang". Bà đề nghị HĐXX phải xử nghiêm đối với hành vi của Nam, đồng thời buộc Nam có nghĩa vụ phải bồi thường số tiền còn lại là 55 triệu đồng cho bà. Trong vụ án này, ông Quang và ông Tuấn là những người có nghĩa vụ liên quan, giới thiệu cho các bị hại "đầu mối" chạy việc. Cả hai ông đều cho rằng, trong một lần về đám giỗ nghe các chị hỏi về việc xin vào ngành CA vì tin tưởng Nam nên nhận lời. Vì những người đi xin việc đều là anh em trong gia đình nên nghe Nam hứa "được" thì rất vui mừng, chẳng ai ngờ được sự thể lại ra như vậy. Đặc biệt, trong đó ông Tuấn còn đem cả tiền túi ra cho anh ruột của mình là ông Minh mượn để đưa cho Nam.
Luật sư (LS) được chỉ định bảo vệ quyền lợi cho bị cáo thống nhất quan điểm tội danh của VKS. LS chỉ đề nghị HĐXX xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: thái độ thành khẩn khai báo, gia đình có công cách mạng, bản thân trong thời gian công tác có nhiều thành tích, đã bồi thường một phần cho bị hại và có bị hại xin giảm nhẹ hình phạt... để tuyên bị cáo một mức án dưới khung hình phạt. Được nói lời sau cùng, Nam đã bật khóc gửi đến người bị hại, gia đình và đặc biệt là người vợ của mình lời xin lỗi. Bị cáo xin HĐXX cho mình cơ hội để sửa sai và làm lại cuộc đời. Sau khi xem xét HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo 7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", buộc Nam tiếp tục bồi thường số tiền chiếm đoạt của các bị hại.
Trang Trần