Ẩn họa từ thực phẩm bẩn

Thứ hai, 05/10/2015 10:06

Kỳ 1: Khó kiểm soát trái cây... "độc"

Trên các phương tiện truyền thông mỗi ngày đầy rẫy thông tin về việc phát hiện các vụ việc thực phẩm giả, tẩm ướp hóa chất không rõ nguồn gốc, trái cây nhiễm độc, thức ăn đường phố bẩn; nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ở nhiều địa phương... Việc buôn bán, sử dụng bừa bãi, tràn lan các chất bảo quản khiến nguy cơ gây hại đến sức khỏe của người dùng ngày càng cao. Vấn đề này không chỉ riêng các cơ sở, người buôn bán nhỏ, mà còn ở các quán ăn nhà hàng lớn, khi vụ việc phanh phui thì mới biết. Chung quy chỉ một điều hám lợi, tham rẻ, lợi nhuận cao mà đã gây ra bao di chứng về sau cho cộng đồng.

(Cadn.com.vn) - Vấn nạn các chủ vựa và thương lái  trong nước sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để thúc các loại rau, củ quả phát triển, trái cây nhanh chín và kéo dài "tuổi thọ" cộng với thông tin rau, củ quả Trung Quốc tẩm hóa chất độc hại đã khiến nhiều người phải rùng mình. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm này của cơ quan chức năng chỉ mang tính... "tượng trưng" nên khó xác định cụ thể mức độ nhiễm "độc" như thế nào. Vì thế, nhiều người đành phải chấp nhận cảnh vừa ăn vừa... run.

Hàng ngày, Đà Nẵng nhập hàng chục tấn trái cây từ nơi khác về.

Theo cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày số lượng trái cây nhập về Đà Nẵng khoảng 140 tấn nhưng sản phẩm của Trung Quốc chỉ chiếm một số lượng... nhỏ. Hầu hết các loại trái cây nhập về đều có xuất xứ từ các tỉnh phía Bắc, phía Nam, Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại thị trường, chúng tôi nhận thấy trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên các tuyến đường, đầy rẫy trong chợ lớn nhỏ trên địa bàn thành phố. Các loại trái cây này vô cùng được người dân "ưu chuộng" vì nó vừa "đẹp" lại phù hợp với túi tiền của giới bình dân... Ghé vào một quầy trong chợ Hòa Khánh, sau khi chọn vài loại trái cây để mua, chúng tôi hỏi thăm xuất xứ thì nhận được câu trả lời từ chị tiểu thương: "Hàng Việt Nam mình cả đó em". Tuy nhiên, khi thấy tôi truy vấn đủ điều, chị đành nói nhỏ: "Thật tình với em thì chị cũng không rõ lắm về "điểm xuất phát" đầu tiên của nó vì số hàng này chị lấy lại từ các thương lái lớn trên địa bàn thành phố. Khi chị lấy hàng thì cũng nghe họ nói là hàng Việt Nam được nhập về từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam thôi...".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng gì chị tiểu thương tại chợ Hòa Khánh mà nhiều tiểu thương ở các chợ khác trên địa bàn thành phố cũng không thể biết rõ được sản phẩm mình đang bày bán là trong nước hay hàng Trung Quốc vì hầu hết đều lấy lại từ các đại lý lớn trên địa bàn thành phố... Đối với những người buôn bán còn khó xác định cụ thể được nơi xuất xứ thì việc đòi hỏi người tiêu dùng phải "thông thái" quả là điều không tưởng. Chính vì vậy, việc người dùng thông thường muốn biết trái cây có chứa chất cấm này nọ hay không và nguồn gốc chính xác loại quả bản thân mình chuẩn bị... cho vào miệng là một chuyện quá khó. Cho nên, dư luận đang rất cần cơ quan chức năng có các biện pháp kiểm tra kiểm soát lâu dài để có thể an tâm hơn với mặt hàng trái cây hiện nay. Chị Xuân - tiểu thương chợ đầu mối Hòa Cường cho biết: Nhiều loại trái cây nhập khẩu hiện nay mập mờ về nguồn gốc, sử dụng những chất như chất tạo ngọt, chất bảo quản tồn dư, rất khó kiểm soát vì có chất được phép sử dụng, có chất không. Những chất này không gây tác hại tức thì nhưng về lâu dài sẽ có thể tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe...

Một "thiêng đường" khác cũng thuận lợi cho việc trái cây không rõ nguồn gốc tiêu thụ nhanh đó là các "chợ" lề đường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các quầy trái cây di động trên các tuyến đường trên địa bàn TP Đà Nẵng dù có xuất xứ không rõ ràng nhưng vẫn được đánh bóng bằng tên tuổi của vựa trái cây trong nước, như "ổi Hà Nội", "nhãn Hưng Yên", "cam Vinh", "nho Mỹ"... Tuy nhiên, khi khách yêu cầu chứng minh xuất xứ của sản phẩm thì những người này chỉ ầm ừ cho qua chuyện. Để hiểu hơn về thực trạng này, chúng tôi ghé vào một quầy bán trái cây di động trên đường Ngô Quyền (Q. Sơn Trà). Thấy đề thông báo: "Cam sành giá 15.000 đồng/kg, ổi Hà Nội giá 10.000 đồng", tôi hỏi: "Việt Nam hay Trung Quốc mà rẻ thế?" Người bán khẳng định: "Việt Nam chính hiệu đó em. Từ trước đến giờ, anh chỉ bán hàng Việt Nam chất lượng cao, chứ chẳng bao giờ bán hàng của nước ngoài cả". Vậy nhưng, khi biết tôi có ý định xem những giấy tờ liên quan đến nơi xuất xứ của sản phẩm thì người bán hàng vội quay đi hướng khác... Theo một chủ cửa hàng trái cây lớn trên địa bàn thành phố, những loại trái cây bày bán lề đường rất có thể là nguồn nhập lậu hay hàng tồn kho, được thương lái tìm cách đẩy ra thị trường. Những loại trái cây giá rẻ này khó có thể truy nguyên nguồn gốc cũng như các loại giấy tờ chứng nhận đã qua kiểm dịch. Nếu cứ mua dọc đường của người bán dạo thì nguy cơ hàng Trung Quốc chiếm phần lớn vì giá rẻ đáng kể so với trái cây của Việt Nam.

Một thực trạng có thể thấy, hiện nay trái cây bán rong không rõ xuất xứ tràn lan thị trường  nhưng khâu kiểm soát chất lượng của cơ quan chức năng chưa thật sự chặt chẽ. Bên cạnh đó, nhiều người biết rất rõ trái cây đang bán tại các chợ tạm, vỉa hè là hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhưng vẫn mua vì thấy hình thức bắt mắt và giá rẻ, trong khi đó trái cây thật tại các cửa hàng lớn, siêu thị lại có giá rất cao...

Những quầy trái cây "nhiều không" lang thang trên phố.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên phối hợp với Sở Công thương, Sở Y tế đều đặn tiến hành giám sát và lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, số lượng mẫu được lấy chỉ mang tính tượng trưng, không phản ánh đủ thực tế. Chính vì vậy, nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm tại thành phố không thể kiểm soát được hết chất lượng. Ngoài ra, các sản phẩm củ, quả nhập từ các nơi  về với lượng rất lớn tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát chỉ mới thực hiện bước đầu, với số mẫu kiểm tra, giám sát rất nhỏ, chưa thực hiện lặp lại số mẫu qua quan sát tại một số cơ sở hoặc giám sát mẫu theo chuỗi cung ứng, chưa đủ điều kiện đánh giá mức độ ATTP của sản phẩm nhập về từ các tỉnh thành cũng như sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc cập nhật, bổ sung quy định về chất cấm sử dụng trong sản xuất, sơ chế, bảo quản chưa được kịp thời, đặc biệt là chất bảo quản trái cây, chất kích thích sinh trưởng... gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý. Đối với việc lấy mẫu giám sát, thông thường phải gửi đi các trung tâm có chức năng phân tích mẫu. Từ khi gửi mẫu phân tích cho đến khi có kết quả kiểm tra từ 5-10 ngày, do vậy việc lấy mẫu chủ mang tính quan sát, không thể ngăn chặn tiêu thụ sản phẩm này.

Các loại quả được bày bán ngoài đường phố phó mặc cho nắng gió mà vẫn tươi ngon, vì vậy người tiêu dùng cần nghĩ đến việc chúng được "bơm" thuốc bảo quản. Do đó, trước khi quyết định mua các loại quả, người tiêu dùng không nên tham giá rẻ mà nên tới các cơ sở uy tín, biết rõ quy trình trái cây được nhập và phân phối ra sao để tránh "bẫy lừa" từ hàng trôi nổi trên thị trường...

T.Dũng
(còn nữa)