An sinh xã hội - “thương hiệu Đà Nẵng”

Thứ sáu, 12/07/2013 10:25

 

(Cadn.com.vn) - Nghị quyết 33 ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước” như một luồng sinh khí mới tạo đà cho thành phố phát triển. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, cùng với sự thay đổi hằng ngày của bộ mặt đô thị, cuộc sống người dân được nâng lên, thì các chính sách an sinh xã hội (ASXH) được xem là điểm sáng, là “thương hiệu Đà Nẵng”.

 

Với những quyết sách xuất phát từ cuộc sống hằng ngày, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, chưa có quy định được thí điểm triển khai và nhân rộng... cho thấy tầm nhìn, cách đặt vấn đề của lãnh đạo Đà Nẵng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà mục tiêu trên hết là làm sao cho cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn... Điển hình gần đây, một số vấn đề được dư luận đồng tình, tạo hiệu ứng xã hội rất cao, thể hiện sự chia sẻ, thấu hiểu với nhân dân của những người đứng đầu thành phố. Hàng loạt các chính sách ASXH như cấp thẻ BHYT miễn phí cho người già đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và trẻ khuyết tật trên 6 tuổi; không thu phí giữ xe tại bệnh viện công lập; xây dựng bệnh viện ung thư chữa trị miễn phí cho người nghèo; là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Quỹ hoàn lương với mục đích hỗ trợ cho các đối tượng ra tù vay vốn làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng; đổi mũ bảo hiểm chất lượng cho người dân, nâng mức hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách; trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người tàn tật... đã tạo nên dấu ấn riêng cho Đà Nẵng.

 

 

 

Lực lượng CATP Đà Nẵng thường xuyên chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, góp phần vào chương trình ASXH của thành phố. 

 

Lớn hơn nữa là Chương trình “thành phố 3 có”, trong đó mục tiêu “có nhà ở” và “có việc làm” là chương trình ASXH nổi tiếng từng góp phần khẳng định thương hiệu Đà Nẵng những năm qua. Chương trình xây dựng “thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị) mà Nghị quyết 25 của HĐND thành phố đề ra cho thấy vấn đề “an cư lạc nghiệp” được đặt lên hàng đầu. Các đề án Đảm bảo có nhà ở cho nhân dân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2005-2010; Xây dựng 7.000 căn hộ chung cư phục vụ chương trình “có nhà ở”; dự án đầu tư xây dựng chung cư cho cán bộ, công nhân viên; đề án Xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên (HSSV)… Đà Nẵng đã thực sự tạo ra bước đột phá trong việc triển khai xây dựng các chương trình nhà ở xã hội.

 

Theo ông Nguyễn Đăng Hải - Phó Chủ tịch UBMTTQVN thành phố, trong 12 năm thực hiện Quỹ ASXH, MTTQ các cấp đã xây dựng được khoảng 12.000 căn nhà đại đoàn kết, đồng nghĩa với 12.000 hộ dân có nhà ở ổn định; hỗ trợ trên 5.000 căn nhà xuống cấp, cơ bản đã xóa xong vấn đề nhà tạm. Ông Hải cho biết thêm, cách làm của Đà Nẵng cũng khác trong hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, theo mô hình có nhà ở vững chắc kiểu “3 trong 1” là xóa nhà tạm, chống bão và chống lũ; những hộ không có đất ở ổn định được thành phố bố trí chung cư cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp...

 

Bên cạnh vấn đề “có nhà ở” thì làm thế nào để người dân “có việc làm” cũng được chính quyền thành phố hết sức quan tâm. Ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng: Những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo việc làm cho người lao động, trong đó lực lượng thanh niên chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Đề án “có việc làm”, với trách nhiệm là cơ quan thường trực, Sở đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: dạy nghề gắn với tạo việc làm, cho vay vốn tự tạo việc làm, tổ chức các phiên chợ việc làm, xuất khẩu lao động… Nhờ vậy, 10 năm qua đã giải quyết việc làm cho 299.665 lao động, bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị có xu hướng giảm, từ 5,17% vào năm 2003, đến năm 2012 là 4,6% (giảm 0,57% so với năm 2003). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề liên tục tăng từ 25,5% năm 2003 lên 41% năm 2012. Cơ cấu lao động đã có chuyển dịch theo hướng tăng lao động trong các ngành thương mại, dịch vụ từ 42,13% năm 2003 lên 58,10%; giảm lao động các ngành công nghiệp, xây dựng từ 36,50% năm 2003 xuống 32,70% và ngành nông, lâm, ngư nghiệp từ 21,37% năm 2003 xuống 9,20%...

 

Giảm nghèo cũng là một trong những chương trình đạt kết quả nổi bật mà Đà Nẵng đạt được. Đến năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ của thành phố chỉ còn 0,4%. Trong năm 2013, thành phố triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2013-2017 với mức thu nhập cho đối tượng người nghèo là 800 ngàn đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị; 600 ngàn đồng/người/tháng đối với H. Hòa Vang, phấn đấu đến năm 2016 sẽ không còn hộ đặc biệt nghèo… Ngoài ra, các chính sách ASXH khác như đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội đối với người tàn tật, đào tạo nghề miễn phí; bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng được quan tâm…

 

Nỗ lực thực hiện chính sách ASXH với nhiều cách làm mạnh dạn và mới mẻ, chắc chắn Đà Nẵng sẽ đạt được những mục tiêu phát triển KT-XH mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra trong tương lai gần…

 

Bài, ảnh: Doãn Hùng