Ấn tượng "nụ cười bayon"
Nụ Cười Bayon, tập sách du ký mới của Trương Văn Khoa, dày 180 trang (khổ 13 x 20,5cm), vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Sách gồm 10 bài viết đặc sắc về những chuyến viễn du qua các miền đất kỳ ảo Châu Á như: Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore... cùng những điểm đến ấn tượng của Việt Nam như Sapa (Lào Cai), Tràng An (Ninh Bình), Tháp Bà (Khánh Hòa), Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam),... Với góc nhìn sâu sắc và thi vị, bằng lối kể chuyện hấp dẫn và cuốn hút về những nơi chốn mà tác giả đã dành không ít thời gian, công sức tìm hiểu và trải nghiệm, Nụ cười Bayon hứa hẹn như một món quà Xuân đầy ý nghĩa đến với bạn đọc.
Nụ cười Bayon, bài viết đầu tiên cùng tên gọi của tập sách, có lẽ là bài du ký ấn tượng nhất đối với người đọc. Bayon là một ngôi đền nằm ở trung tâm quần thể Angkor của Campuchia, một trong 7 kỳ quan nổi tiếng thế giới, đồng thời cũng là điểm đến rất gần gũi với Việt Nam về văn hóa và địa lý. Nơi đây, tác giả đã dẫn dắt người đọc đồng hành, khám phá, đi sâu từng ngóc ngách của Angkor Wat (Đế Thiên), Angkor Thom (Đế Thích), gặp gỡ nụ cười miên viễn, lặng lẽ suốt 700 năm qua và len lỏi trong đền thiêng Ta Prohm prohm điêu tàn giữa khu rừng Siem Reap hoang lạnh. Và cũng từ nơi này, khi quay về Phnom Penh, Trương Văn Khoa đã thật sự tiếc nuối khi phải giã từ nơi chốn này: "Ngày mai, tôi lại chia tay những nàng Apsara quyến rũ ở xứ sở chùa tháp này, để lại đằng sau miền đất cổ xưa, chôn dấu một nền văn hóa Angkor đầy bí ẩn".
Trong bài viết "Vương quốc Thái Lan", một đất nước được đánh giá là "thiên đường du lịch của Châu Á" trong vài thập niên gần đây, qua góc nhìn tinh tế và sắc sảo của tác giả, bạn đọc bắt gặp những cảnh quan hấp dẫn, kỳ thú như tòa tháp "ma" giữa Bangkok, đền Hindu Erawan, núi Phật Khau Chee Chan,... "Quốc gia Hồi giáo và đảo quốc sư tử" là bài du ký bao gồm những câu chuyện riêng lẻ như Phụ nữ Hồi giáo với chiếc khăn choàng bí ẩn, núi lửa Tankuban Peharu, Singapore. Trong đó, đáng chú ý nhất là bài viết về đất nước Singapore, một đảo quốc sư tử có diện tích nhỏ hơn thành phố Đà Nẵng nhưng khiến thế giới ngưỡng mộ bởi những thành tựu phát triển kinh tế nhờ vào chính sách thu hút nhân tài, đầu tư giáo dục, môi trường.
Ở những bài viết Phố cổ Malaca, Đất nước mặt trời mọc, tác giả không ngừng nỗ lực đi sâu vào từng ngõ ngách để đem đến bạn đọc những điều suy ngẫm cùng những thông tin thật thú vị về Thánh địa cướp biển, "Venice" Châu Á... của Malaysia hoặc Cố đô Kyoto, Chùa vàng Kinkakuji, Huyền thoại Samurai giữa Tokyo, Rừng "tự sát", Đỉnh thiêng Phú Sĩ... của Nhật Bản. Đặc biệt, với một số điểm đến trong nước, tưởng vô cùng quen thuộc nhưng tác giả đã đem đến cho chúng ta những điều bất ngờ và mới lạ. Đó là Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) với thành phố lộng lẫy của thần Indra, Báu vật Đồng Dương, Những bí ẩn về Ao Vuông, Vàng Hời,... Đó là Tháp Bà Ponagar (Nha Trang) với Linh hồn Champa, Dấu tích một nền văn minh cổ, Nữ thần Thiên Y A Na và Vũ điệu Champa... Đó là Sapa (Lào Cai) với Xứ sở mù sương, Phố Tây, Trên đỉnh non cao, Những đứa trẻ của núi rừng... Đó là Tràng An (Ninh Bình) với Gian nan chèo đò, Ngàn năm hang động, Ngôi đền đá... Và Cổ Cò (Đà Nẵng) với Dòng sông cổ, Một dĩ vãng phồn thịnh, Khơi thông một dòng chảy, Cổ tích được viết lại... Phần này, tác giả nhấn mạnh: "Người ta có thể lý giải, do lịch sử, chiến tranh, quá trình phân hóa, bồi đắp của thiên nhiên mà Lộ Cảnh giang thanh bình ngày ấy đã trở thành một "dòng sông chết". Thế nhưng, điều đáng nói hơn là rất nhiều thế hệ đã vô tình bỏ quên miền sông nước đầy tiềm năng du lịch này. Và như thế, nếu không có ai nhắc đến, "khởi động" lại câu chuyện của mấy trăm năm về trước, "Lộ Cảnh giang" sẽ bị xóa nhòa như chính tên gọi của nó từ khi mới khai sinh"...
Trương Văn Khoa hiện đang làm việc trong một ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, như mối duyên nợ, niềm đam mê nghệ thuật vốn đã ăn sâu vào tâm huyết từ khi anh còn là sinh viên trên giảng đường đại học tại TPHCM. Chính vì vậy, trong suốt nhiều năm qua, bút danh Văn Khoa xuất hiện khá thường xuyên trên các báo, tạp chí: Công an Đà Nẵng, Tạp chí Non Nước, Khoa học & phát triển, Tuổi trẻ, Thanh niên, Du lịch, Vnexpress, Đô thị & Phát triển, Doanh nghiệp Chủ nhật,... Trước đó, vào năm 2013, Trương Văn Khoa đã thành công khi phát hành tập sách đầu tay "Người tình trong những ca khúc" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Cuốn sách ra đời trong tâm huyết cháy bỏng, dày công sưu tầm và tìm hiểu của anh trong một thời gian dài. Với góc nhìn đầy thi vị, "Người tình trong những ca khúc" đã đem đến cho công chúng những câu chuyện vui, buồn một thời về Lê Trọng Nguyễn, La Hối, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Hoàng Dương, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Vũ Đức Sao Biển,... hay những nhà thơ như Hữu Loan, Phạm Thiên Thư... Sách được đông đảo độc giả trong và ngoài nước hân hoan đón nhận, ủng hộ.
Lần này, với tác phẩm thứ hai "Nụ cười Bayon", chúng tôi tin rằng, Trương Văn Khoa sẽ vững bước trên con đường văn chương phía trước cho dù đó là một công việc không hề nhẹ nhàng cùng nhiều thử thách. Là cây bút đa năng, bút pháp sắc sảo, có đặc thù riêng biệt, hàng trăm bài viết được đăng tải trên nhiều báo, tạp chí đã khẳng định tên tuổi, năng lực, uy tín và tính chuyên nghiệp. Anh bộc bạch: "Báo chí đã trở thành cái duyên trong cuộc đời, viết lách là niềm vui, sự cộng hưởng của những con chữ khiến người ta có những giây phút thăng hoa thật thú vị. Ngành ngân hàng thường gắn liền với con số kinh doanh, những phân tích, dự đoán về kinh tế, phải hoàn thành những chỉ đạo của cấp trên, thực hiện đúng nội dung từng văn bản, công văn của ngành. Thế nhưng, trong khoảnh khắc nào đó, đôi khi tâm hồn tôi lại hướng về những điều sâu lắng của cuộc đời này. Đam mê viết sách báo và nghệ thuật là cách tôi chọn để cân bằng cảm xúc, đồng thời cảm nhận được những điều thú vị trong cuộc sống vốn quá nhiều bề bộn và nỗi lo toan".
TRẦN TRUNG SÁNG