Anh cả ngành phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ra đi

Thứ ba, 19/12/2023 14:45
Hơn 78 năm hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Quỳnh (1928, bí danh Nguyễn Quân) đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước. Cả đời ông cống hiến, hết lòng vì hoài bão và đam mê, đến khi tuổi cao sức yếu thanh thản ra đi về với đất Mẹ. Ông được bao thế hệ những người làm phát thanh ở Quảng Nam - Đà Nẵng tôn vinh là "Người anh cả".
Ông Nguyễn Quỳnh (ngồi, đeo kính) trong buổi họp mặt lớp phóng viên, biên tập phát thanh của QN-ĐN.
Ông Nguyễn Quỳnh

Cả đời cống hiến

Lúc 10 giờ 30 ngày 17-12-2023 (nhằm ngày 5 tháng 11 năm Quý Mão), trái tim nhà báo, nhà lão thành cách mạng Nguyễn Quỳnh đã ngừng đập, để lại bao tiếc thương cho người ở lại. Ông Nguyễn Quỳnh sinh ra, lớn lên ở xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn, Giám đốc Đài Phát thanh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Năm 17 tuổi, chàng trai Nguyễn Quỳnh tham gia hoạt động cách mạng giành chính quyền, xây dựng chính quyền cách mạng, tiếp tục công tác, rồi làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Duy Trung. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, gắn bó 10 năm với công tác cán bộ tuyên huấn ngành khai thác mỏ ở Quảng Ninh. Từ tháng 11-1964, ông trở về Nam làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời huyện Duy Xuyên, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên sau giải phóng. Tháng 6-1980 đến năm 1989, là Phó Trưởng Ban Tuyên huấn, Giám đốc Đài Phát thanh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN). Năm 1990 nghỉ hưu, ông tham gia công tác xã hội tại quê nhà với vai trò Chủ tịch Hội khuyến học, Chủ tịch Hội Bảo trợ nghệ thuật Tuồng huyện Duy Xuyên.

Cả đời dấn thân và cống hiến, nhưng chức danh nhà báo và chức vụ Giám đốc Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng của Nguyễn Quỳnh được nhiều người, trong, ngoài ngành phát thanh nhớ nhất. Và đó cũng là giai đoạn hoạt động sôi nổi, tâm huyết, nhiều thành tựu của ông cho sự nghiệp phát thanh của quê hương. Nhà báo Mai Văn Tư - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam (PT-TH) chia sẻ những ấn tượng về ông: Đó là một người luôn có tâm huyết đổi mới, kiên trì khắc phục những khó khăn, luôn gắn bó với cơ sở, động viên anh em dồn tâm sức phát triển ngành, nhất là mạng lưới truyền thanh huyện, cơ sở. Những năm bao cấp nhiều khó khăn nhưng ông vẫn tổ chức được các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho công nhân kỹ thuật, mở lớp báo chí nghiệp vụ truyền thanh.

Nhiều nhà báo, kỹ thuật viên… do ông tổ chức đào tạo, dìu dắt trong thời gian là lãnh đạo Đài Phát thanh QN-ĐN nay đã trở thành lãnh đạo chủ chốt ở các Đài PT-TH, các cơ quan báo chí và lãnh đạo địa phương. "Tuổi cao, sức yếu và rồi đến lúc ông đã phải rời xa mọi người. Thắp nén hương tiễn biệt ông về miền âm cảnh mà nghe lòng nghẹn ngào, thương tiếc. Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt người lão thành cách mạng trăm mến ngàn thương của quê hương Quảng Nam, quê hương Duy Xuyên và của anh em trong ngành PT-TH Quảng Nam và Đà Nẵng chúng tôi…" - nhà báo Mai Văn Tư viết.

Ông Nguyễn Quỳnh (ngồi, đeo kính) trong buổi họp mặt lớp phóng viên, biên tập phát thanh của QN-ĐN.

Người "giữ lửa" Tuồng

Theo nhà báo Mai Văn Tư, nghỉ hưu nhưng ông Nguyễn Quỳnh vẫn thường xuyên gắn bó, động viên, đóng góp cho anh em Đài PT-TH Đà Nẵng và Đài PT-TH Quảng Nam ngay từ những ngày đầu chia tách tỉnh, xây dựng cơ ngơi mới và cho đến bây giờ. Trong các lần gặp mặt đội ngũ những người làm công tác phát thanh, truyền thanh toàn tỉnh, ông thực sự vui mừng khi thấy anh, chị em ở cả 2 đài đều trưởng thành và sự nghiệp PT-TH ở cả 2 địa phương đều có những bước phát triển bền vững. "Những lần có dịp về với ngôi nhà PT-TH Quảng Nam, có một điều ông thường ưu tư là việc hiện nay các đài PT-TH trong cả nước phải cùng một lúc làm 2 chức năng của một tờ báo nói, một tờ báo hình. Ông tâm sự, truyền hình và phát thanh có những điểm tương đồng nhưng viết cho phát thanh khác viết cho truyền hình, vì viết cho phát thanh là viết để nói. Ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp bổ ích, cụ thể cho đài" - nhà báo Mai Văn Tư chia sẻ.

Nặng nợ với quê hương, ông Nguyễn Quỳnh tham gia hoạt động sôi nổi và có nhiều đóng góp trong vai trò Chủ tịch Hội khuyến học, Chủ tịch Hội bảo trợ nghệ thuật Tuồng huyện Duy Xuyên. Với tâm huyết và đam mê nghệ thuật Tuồng truyền thống, ông là "người giữ lửa" của nghệ thuật Tuồng của huyện nhà. Trong thời gian dài là Chủ tịch Hội đồng Chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu (Duy Xuyên), ông có nhiều đóng góp lớn vào công cuộc bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian địa phương.

Những năm ông Nguyễn Quỳnh còn khỏe thì tiếng trống đất Tuồng Duy Xuyên vẫn rộn ràng để phục vụ bà con, với những trích đoạn tuồng cổ như: Đổng Kim Lân biệt mẹ, Trưng Vương đề cờ, Trần Quốc Toản ra quân… làm mê đắm những người cao tuổi, bởi như được sống lại trong không khí của nhiều năm về trước, khi nghệ thuật Tuồng còn thịnh. Không những chủ công trong việc phục dựng, duy trì, phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng ở Quảng Nam và miền Trung, ông Nguyễn Quỳnh còn dành tâm huyết, sức lực, chủ công thực hiện chương trình "Sân khấu học đường" đưa Tuồng vào trường học ở Duy Xuyên. Dự án "Đưa Tuồng vào trường học" của huyện Duy Xuyên được triển khai từ năm 2010, đến nay đã có nhiều thành công với hàng trăm học sinh được tập huấn hát tuồng; nhiều em đã trở thành nghệ sĩ biểu diễn…

Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Quỳnh được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Ngày 8-3-2019, ông vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Ngày 14-11 vừa qua, chương trình "Mai vàng tri ân" của báo Người Lao động đã vinh danh, ghi nhận lớn lao đối với cuộc đời cống hiến của Nghệ nhân dân gian Nguyễn Quỳnh.

Thạch Hà