Anh có thêm 3 tháng để “khăn gói ra đi”

Thứ ba, 29/10/2019 09:41

Đây là kết quả đã được dự báo, sau các nỗ lực liên lạc và đàm phán giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và các lãnh đạo EU cũng như các quốc gia thành viên.

Nhà đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, nói: “Tôi rất vui vì quyết định đã được đưa ra”.  Ảnh: AFP

Đúng 3 ngày trước khi đến thời hạn chót cho Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn   gọi là Brexit, các nước trong liên minh này đã nhất trí trì hoãn cho đến ngày 31-1-2020.

Thời hạn chót mới

Trong tuyên bố vào chiều 28-10, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk thông báo, EU đã thông qua đề xuất của Anh gia hạn Brexit đến ngày 31-1-2020.

Trên trang mạng Twitter, ông Tusk thông báo: “EU đã nhất trí sẽ chấp thuận đề nghị của Anh hoãn Brexit đến ngày 31-1-2020”. Trong khi đó, khi rời khỏi cuộc họp, nhà đàm phán của EU Michel Barnier nói rằng, đây là “cuộc họp ngắn, hiệu quả và mang tính xây dựng”, đồng thời nhấn mạnh thêm: “Tôi rất vui vì quyết định đã được đưa ra”. Quyết định này được đưa ra sau khi đại sứ 27 nước thành viên EU nhóm họp tại Brussels. Trước đó, Đại sứ 27 nước thành viên EU đã đến Brussels để nhóm họp vào lúc 16 giờ (giờ Việt Nam), trong đó các nhà ngoại giao và các quan chức đều nắm chắc việc sẽ đạt được quyết định về thời gian trì hoãn Brexit một cách suôn sẻ.

EU dự kiến sẽ sớm công bố văn bản chính thức về thời hạn chót mới này. Giới phân tích cho rằng, khoảng thời gian gia hạn kéo dài 3 tháng này được cho là đủ để Thủ tướng Johnson xử lý các vấn đề nội bộ nhằm thông qua tiến trình phê chuẩn thỏa thuận Brexit tại Quốc hội Anh. Theo AFP, nếu Thủ tướng Boris Johnson thuyết phục Quốc hội Anh phê chuẩn một thỏa thuận “ly hôn” trước năm 2020, Brexit có thể diễn ra vào ngày 30-11 hoặc 31-12. Nhưng trong thời gian đó, London phải cử một quan chức cấp cao đến tham gia làm việc trong Ủy ban Châu Âu nhiệm kỳ tiếp theo và phải nhất trí, thỏa thuận “ly hôn” đã được ký trong tháng 10, sẽ không được đàm phán lại.

“Nhiệm vụ còn lại là của Thủ tướng Anh”

Đây là kết quả đã được dự báo, sau các nỗ lực liên lạc và đàm phán giữa Thủ tướng Johnson và các lãnh đạo EU cũng như các quốc gia thành viên. Và theo các chuyên gia, EU đã làm xong việc và nhiệm vụ còn lại là của Thủ tướng Anh. 

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là ông Johnson vẫn chưa thể thuyết phục được các nghị sĩ Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận đã đạt được với EU, làm dấy lên nỗi ám ảnh về một Brexit không thỏa thuận (Brexit cứng) trong hỗn loạn và sự gián đoạn kinh tế nghiêm trọng ở vương quốc Anh. Thủ tướng Johnson cần sự hỗ trợ của 2/3 trong số 650 nghị sĩ Quốc hội Anh để thông qua thỏa thuận bước ngoặt về Brexit với EU. Nhưng thực tế cho thấy, ông thậm chí không có được con số thiểu số. Công đảng chỉ trích thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Johnson và nói rằng họ sẽ không ủng hộ một cuộc bầu cử cho đến khi mối đe dọa rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào được xóa bỏ.

Hiện nhà lãnh đạo Anh đang nỗ lực phá vỡ thế bế tắc - và tăng cường sự kìm kẹp trên sân khấu địa chính trị bằng cách yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào ngày 12-12 tới để đảm bảo thế đa số ở Quốc hội. Tuy nhiên, ông lại tiếp tục đối mặt với thất bại, giống như với hai lần kêu gọi tổ chức bầu cử trước đó. Chính trường Anh tiếp tục bị chia rẽ với những nỗ lực của Thủ tướng Johnson. Trong khi Bộ trưởng Văn hóa Nicky Morgan kêu gọi Quốc hội ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Johnson tổ chức một cuộc bầu cửa vào ngày 12-12, cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại nỗ lực của Thủ tướng Johnson đồng thời cho biết Quốc hội nên tập trung cố gắng đảm bảo một thỏa thuận để rời khỏi EU.

Nhưng việc EU đồng ý gia hạn Brexit dường như đã mở đường cho Anh tiến gần hơn tới khả năng tổ chức bầu cử sớm vào tháng 12 tới.

KHẢ ANH