Ánh điện an ninh

Thứ tư, 18/12/2019 10:54

Một xã có 17 thôn xóm thì có tới 13 thôn được lắp bóng điện thắp sáng khắp các ngả đường làng quê. Đó là kết quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu của các cấp chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân trong đảm bảo ANTT tại xã Võ Liệt, H. Thanh Chương (tỉnh Nghệ An).

Tổ tự quản đang phát quang đường dây điện tại thôn Khai Tiến.

  Là xã có địa bàn rộng, với 17 thôn và hơn 1.000 người dân, Võ Liệt được xem là địa bàn phức tạp thuộc diện nhất, nhì của huyện, số người nghiện đông,tình trạng nghiện hút, trộm cắp tài sản diễn ra nhiều. Bên cạnh đó, các loại tội phạm như đánh bạc, cố ý gây thương tích... gây bức xúc trong nhân dân.

Nắm bắt được thực trạng trên, đầu năm 2018, CAH. Thanh Chương đã  điều động Thiếu tá Lê Ngọc Hưng về đảm nhận chức danh Trưởng CAX Võ Liệt. Vài tháng sau, CAH Thanh Chương tiếp tục điều động 2 cán bộ về đảm nhiệm chức danh Phó Trưởng CAX và Công an viên.

Với những kinh nghiệm đúc rút trong quá trình công tác, lực lượng CA chính quy về xã đã phối hợp với lực lượng bán chuyên trách tại cơ sở tăng cường bám, nắm cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn tại các thôn, nắm bắt tình hình hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, lực lượng CA chính quy còn tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có những chỉ đạo hiệu quả công tác đảm bảo ANTT; kiện toàn đội ngũ Công an viên ở các thôn; tăng cường phối hợp lực lượng quân sự; duy trì nghiêm việc trực, tuần tra kiểm soát và vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ).

Ngoài ra, Ban CAX còn triển khai các phương án phòng ngừa, rà soát thống kê, quản lý, giáo dục răn đe các loại đối tượng, nắm thông tin quan trọng báo cáo với lãnh đạo CAH và phối hợp các Đội nghiệp vụ xác minh, xử lý làm rõ được hầu hết các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Nhiều vụ việc được xử lý ngay tại cơ sở nên tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật giảm rõ rệt.

Sau khi nắm bắt được tình hình  tại địa phương, lực lượng CAX Thanh Đồng đã tham mưu với các cấp chính quyền thành lập các tổ tự quản, xây dựng mô hình "ánh điện an ninh" để góp phần giảm thiểu những phức tạp về ANTT trên địa bàn. Trong số các thôn thành lập tổ tự quản, thôn Khai Tiến có 8 tổ tự quản thực hiện mô hình "ánh điện an ninh", trong đó có 5 tổ đăng ký tổ tự quản kiểu mẫu. Tổ tự quản được thành lập thông qua 10 tiêu chí gồm: Giúp nhau phát triển kinh tế, không còn hộ đói nghèo; không gây mất đoàn kết trong thôn, xóm; không có người vi phạm pháp luật và vi phạm chính sách dân số KHHGĐ; không còn hộ nợ các khoản nghĩa vụ thuế, quỹ của Nhà nước và của địa phương; không có trẻ em thất học, bỏ học, trẻ em suy dinh dưỡng; không có người mê tín dị đoan, không tuyên truyền đạo trái phép; không sản xuất buôn bán thực phẩm bẩn, không sản xuất vận chuyển, buôn bán pháo nổ; không phá rừng; có hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng ở các tuyến đường; có nhà vệ sinh, nhà tắm, khu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

"Việc thành lập tổ tự quản tại các thôn xóm đã giúp ích rất nhiều trong công tác quản lý tại địa bàn. Những phức tạp trong ANTT tại địa phương được giảm thiểu, nhiều mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở đã được giải quyết ngay, kịp thời. Năm 2019, CAX Võ Liệt đã điều tra 17 vụ, xử lý 11 vụ/27 đối tượng; xử phạt hành chính 8 vụ/22 đối tượng; chuyển CAH điều tra 20 vụ/17 đối tượng. Có được những thành quả này, một phần nhờ vào sự nỗ lực của chính quyền địa phương, lực lượng CAX và các tổ tự quản đóng tại các thôn", Thiếu tá Lê Ngọc Hưng chia sẻ.

Năm 2007, tổ tự quản số 1, thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt được thành lập. Ban đầu chỉ rải rác một số hộ tham gia. Sau 2 năm đi vào hoạt động, tổ tự quản đã đi vào hoạt động chuyên sâu, tổ chức sinh hoạt hàng tháng và mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện tại, tổ tự quản có 20 hộ dân tham gia.

Từ khi thành lập tổ tự quản, các mô hình khác cũng được cấp ủy chính quyền phối hợp thành lập và đi vào hoạt động. Từ phân tích cho người dân hiểu những ý nghĩa thiết thực của việc bắt đường dây điện trong thôn xóm, mô hình "ánh điện an ninh" cũng chính thức được ra đời. Theo đó, mỗi hộ dân được vận động đóng góp từ 300-500 nghìn đồng để đầu tư trụ, bóng đèn đặt trên các đường vào thôn. Cứ 2m sẽ được lắp đặt 1 cột và bóng đèn. Hiện tại đã có 13/17 thôn thuộc xã Võ Liệt đã được bắt đường dây điện. "Từ khi mô hình "ánh điện an ninh" ra đời, điện chiếu sáng được lắp đặt trong thôn, người dân đi lại vào ban đêm rất thuận tiện. Bên cạnh đó, tình hình trộm cắp, cướp giật tài sản giảm hẳn, không còn tồn tại những tụ điểm thanh niên tụ tập chích, hút... ANTT tại địa phương giảm thiểu rõ rệt", ông Nguyễn Hữu Thắng, tổ trưởng tổ tự quản số 1, thôn Khai Tiến cho biết.

Dương Hóa