Anh nông dân đam mê trồng rau thủy canh

Thứ ba, 28/09/2021 17:19

Với niềm đam mê làm Mô hình nông nghiệp đô thị sạch và mong muốn đem “bữa ăn sạch – an toàn” đến người tiêu dùng, anh Hồ Văn Liệu quyết tâm trồng rau thủy canh. Đây là nghề mà anh nung nấu, nuôi mộng từ lâu.

Mô hình Rau thủy canh của anh Hồ Như Liệu.

Anh Hồ Như Liệu (sinh năm 1984) quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng luyện kim Thái Nguyên, ra trường không tìm được việc làm nên năm 2014, anh Liệu đăng ký đi xuất khẩu lao động để sản xuất nông nghiệp sạch ở Malaysia. Qua 5 năm vừa tham gia sản xuất vừa học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng rau sạch thủy canh của nước bạn, năm 2019 anh Liệu về nước và chọn Tổ 34, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng để sinh sống và tìm kiếm mặt bằng để sản xuất rau thủy canh.

Sau những ngày giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất rau thủy canh của anh Liệu. Dù đã xế trưa vẫn thấy anh Liệu cặm cụi lo tu bổ giàn che đậy bên vườn rau thủy canh của mình. Anh Liệu chia sẻ, sau khi được chính quyền địa phương và Hội Nông dân phường Hòa Phát tạo điều kiện cho khai phá đất dự án chưa được sử dụng, với diện tích 1.200m2 để trồng rau, anh rất phấn khởi, bỏ công sức ra dọn dẹp, thu gom rác thải, đất đá, tạo mặt bằng để sản xuất. Bằng nguồn vốn của gia đình, anh Liệu đã đầu tư trên 500 triệu đồng để lắp đặt hệ thống dây chuyền, ống dẫn, khung sắt, màng lưới… bắt đầu trồng rau thủy canh. Nhờ những kinh nghiệm học được trong những năm tham gia xuất khẩu lao động ở Malaysia nên việc trồng rau thủy canh đối với anh Liệu khá đơn giản và đem lại kết quả.

Anh Liệu cho hay, muốn sản xuất nông nghiệp có lãi, trước hết bản thân, gia đình phải bỏ công sức xây dựng nhà màng với hệ thống giàn thủy canh, tưới nước tự động; các vật liệu xây dựng cần chọn những loại chắc bền mới chống chọi lại khí hậu khắc nghiệt của miền trung. Kỹ thuật trồng rau thủy canh cũng cần tỉ mỉ từ khâu thiết kế, chọn hướng đặt nhà màng lưới... Mặt bằng sản xuất cần phải được phân lô các loại, từ lúc ươm giống, dưỡng cây nhỏ, đến khi khi trưởng thành chuyển cây nhỏ vào khu chăm sóc để tạo ra thành phẩm.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn rau của gia đình, anh Liệu cho biết, so với phương pháp trồng rau thổ canh truyền thống thì phương pháp trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm vượt trội, thân thiện với môi trường và cả người sản xuất. Đặc biệt, cách trồng này cách ly được sản phẩm khỏi bề mặt của đất nên giúp cây tránh được các loại sâu bệnh gây hại thường gặp. Yêu cầu tạo ra một sản phẩm rau sạch và an toàn luôn được đưa lên hàng đầu nên anh Liệu tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng và chăm sóc. Phương pháp thủy canh còn giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít tốn công chăm sóc. Các loại rau xà lách, cải của Hà Lan tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, sau 28 ngày là đã cho thu hoạch, trọng lượng trung bình mỗi cây rau đạt từ 200 đến 250 gram. Với mô hình sản xuất rau thủy canh, anh Liệu đã giải quyết việc làm cho 5 lao động với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, vườn rau thủy canh của anh Liệu đã đem lại lãi ròng, thu nhập cho anh 20 triệu đồng/tháng. Hiện nay, vườn rau của anh Liệu cung cấp ra thị trường hơn 50kg rau sạch/ngày với giá bán trên 40.000 đồng/kg, được hệ thống siêu thị Co.op Mart bao tiêu toàn bộ đầu ra.

Từ thành công ban đầu, anh Liệu quyết định mở rộng thêm mặt bằng 800m2 để phát triển sản xuất, ngoài xà lách, anh sẽ đưa vào trồng nhiều loại rau xanh khác nhau như rau cải ngọt, bó xôi, cải cúc, rau muống và tiến tới trồng cả rau thơm các loại phục vụ đồng bộ cho chuỗi rau ăn sống, đảm bảo an toàn và chất lượng. Bên cạnh đó, anh sẽ tăng cường quảng bá để người dân địa phương tiếp cận sử dụng sản phẩm rau sạch nhiều hơn.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Phát Nguyễn Viết Tuấn, mô hình rau thủy canh của anh Liệu được đánh giá rất cao về năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế. Anh Liệu cũng đã nhiều lần giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cho bà con nông dân tại địa phương để cùng nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong thời gian tới, Hội Nông dân phường chọn mô hình sản xuất rau thủy canh của anh Liệu là điểm để chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân địa phương làm nông nghiệp trong điều kiện thiếu mặt bằng sản xuất như hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc sản xuất trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khá mới mẻ đối với nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay. Chi phí đầu tư xây dựng mô hình sản xuất ban đầu lớn, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như thị trường đầu ra sản phẩm ổn định. Vì vậy, rất cần sự quan tâm hỗ trợ về mặt bằng, về vốn của các cấp, các ngành, địa phương để nhân rộng phát triển rộng rãi mô hình này trong thời gian tới.

ĐĂNG BÌNH