Anh - quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca

Thứ năm, 31/12/2020 15:58

Vương quốc Anh đã chấp thuận sử dụng một loại vaccine ngừa Covid-19 khác, vài tuần sau khi nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm chủng đại trà cho công dân.

Thủ tướng Anh Boris Johnason cầm lọ vaccine của Đại học Oxford/AstraZeneca.  Ảnh: Getty Images 

Theo CNN, trong một tuyên bố, chính phủ Anh cho biết, Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) đã cấp phép cho Đại học Oxford/AstraZeneca sử dụng vaccine Covid-19 sau “các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt và phân tích kỹ lưỡng dữ liệu của các chuyên gia tại MHRA”. Với động thái này, Anh là quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine của Đại học Oxford/AstraZeneca. Tuyên bố cho biết thêm, vaccine đã đáp ứng “các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn, chất lượng và hiệu quả”.

Đánh dấu bước ngoặt lớn 

Điều này đánh dấu bước ngoặt lớn và sẽ dẫn đến sự triển khai rộng rãi hơn trong chiến dịch tiêm chủng đại trà ở Anh, nhằm giúp cuộc sống người dân trở lại bình thường. Vương quốc Anh đã đặt hàng trăm triệu liều từ nhà sản xuất AstraZeneca - đủ để tiêm chủng cho 50 triệu người. Sự chấp thuận của cơ quan quản lý dược phẩm có nghĩa là vaccine vừa an toàn lại hiệu quả.

Vaccine Oxford-AstraZeneca được điều chế vào những tháng đầu năm 2020, được thử nghiệm trên tình nguyện viên đầu tiên hồi tháng 4, và kể từ đó đã trải qua các bước thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn với sự tham gia của hàng ngàn người. Vaccine này đã được phát triển với một tốc độ không thể tưởng tượng được trước khi xảy ra đại dịch. Đây là loại vaccine thứ hai được phê duyệt ở Anh, sau khi vaccine Pfizer-BioNTech được đưa vào sử dụng vào tháng 12. Hơn 600.000 người ở Anh đã được tiêm vaccine kể từ khi cụ bà Margaret Keenan trở thành người đầu tiên trên thế giới tiêm loại vaccine này ngoài quá trình thử nghiệm lâm sàng. 

Việc phê duyệt vaccine lần này diễn ra sau khi Bộ Y tế Công cộng Anh Quốc cho biết, nước này đang phải đối mặt với mức độ lây nhiễm “chưa từng có” và các quan chức y tế ở các vùng của Wales, Scotland và miền nam nước Anh bày tỏ lo ngại về áp lực ngày càng tăng lên với Cơ quan Y tế quốc gia (NHS).

Cơ hội cho các quốc gia có thu nhập thấp?

AstraZeneca đã hứa cung cấp hàng trăm triệu liều cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời cung cấp vĩnh viễn vaccine trên cơ sở phi lợi nhuận cho các quốc gia đó. Theo các chuyên gia, việc AstraZeneca được cấp phép thật sự mở ra cơ hội tiếp cận vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp. 

Vaccine Oxford-AstraZeneca rẻ và dễ sản xuất hàng loạt. Theo các chuyên gia, điều quan trọng là vaccine này có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường - không giống như vaccine của Pfizer-BioNTech cần bảo quản cực lạnh ở -70C - vì vậy, việc vận chuyển vaccine Oxford đến các nhà chăm sóc dưỡng lão và bệnh viện sẽ dễ dàng hơn nhiều. Các nhóm được ưu tiên tiêm chủng - gồm người cao tuổi, cư dân tại các khu chăm sóc, viện dưỡng lão và nhân viên y tế. 

Azra Ghani, chủ nhiệm bộ môn dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London, nói với CNN: “Tôi nghĩ đó là loại vaccine duy nhất có thể được sử dụng ở những nơi đó vào thời điểm hiện tại”. “Pfizer và Moderna yêu cầu lưu trữ trong tủ đông và điều đó rất khó trong nhiều trường hợp”, ông Ghani nói thêm. Làm lạnh “dây chuyền lạnh” là kho lưu trữ tiêu chuẩn được sử dụng trên toàn cầu để cung cấp vaccine từ các địa điểm trung tâm đến các phòng khám y tế địa phương. Ông Ghani cho biết thêm, vaccine của AstraZeneca cho đến nay là “loại duy nhất chắc chắn có thể được cung cấp cho các hệ thống này”.

Các loại vaccine dựa trên công nghệ khác nhau. Sản phẩm của AstraZeneca - như vaccine của Johnson&Johnson và Sputnik V của Nga - sử dụng một loại virus adenovirus để mang các đoạn gen coronavirus vào cơ thể.      

KHẢ ANH

Venezuela ký hợp đồng mua vaccine Sputnik V của Nga

Ngày 30-12, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez thông báo chính phủ đã ký hợp đồng mua vaccine Sputnik V do Nga sản xuất để có thể sớm triển khai chương trình tiêm chủng cho người dân sau khi đã kết thúc giai đoạn thử nghiệm thứ 3 tại quốc gia Nam Mỹ này.
Bà Rodriguez cho biết, trong giai đoạn đầu tiên Venezuela sẽ nhận được số vaccine đủ tiêm phòng Covid-19 cho khoảng 10 triệu người. Phó Tổng thống Venezuela khẳng định, vaccine Sputnik V của Nga đã chứng minh được tính hiệu quả và an toàn sau các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Caracas Serguei Melik-Bagdasaro nhấn mạnh việc ký hợp đồng này là một phần trong kết quả làm việc hết sức quan trọng của các chuyên gia y tế Venezuela trong thời gian giai đoạn thử nghiệm lâm sàng được thực hiện tại nước này với sự tham gia của hơn 2.000 tình nguyện viên. Chính phủ Venezuela dự kiến sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà ngừa Covid-19 vào tháng 4-2021.

T.L