Anh tiếp tục đòi hoãn ngày “ly hôn”
Theo một dự thảo quyết định của các nhà lãnh đạo EU, khối này sẽ cho phép Anh trì hoãn Brexit với những điều kiện nhất định, trong đó có việc London phải tổ chức bầu cử Nghị viện Châu Âu.
Một người chống Brexit đứng dưới mưa biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở London. Ảnh: AP |
Thủ tướng Theresa May ngày 10-4 đến Brussels, Bỉ để tham dự hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo các nước Liên minh Châu Âu (EU), với mục đích yêu cầu tiếp tục trì hoãn Brexit (Anh rời khỏi EU) cho đến ngày 30-6.
Chuyến đi của bà May diễn ra sau khi Quốc hội Anh thông qua kế hoạch trì hoãn Brexit. Với 420 phiếu thuận và 110 phiếu chống, các nghị sĩ Anh cuối cùng thông qua kế hoạch của Thủ tướng May, theo đó sẽ trì hoãn Brexit đến ngày 30-6 tới. Chính phủ Anh buộc phải tổ chức cuộc bỏ phiếu này, sau khi Quốc hội thông qua một luật cho phép các nghị sĩ có quyền nghiên cứu cẩn thận và thậm chí thay đổi đề nghị của Thủ tướng May về việc EU đồng ý cho trì hoãn thời hạn Brexit.
EU ra điều kiện
Bà May đang nỗ lực kéo dài thời gian trì hoãn Brexit. Nhưng EU dường như quan tâm nhiều hơn đến “độ cong” của vấn đề Brexit kéo dài trong khoảng hơn 1 năm qua.
Vì vậy, khối này đã ra điều kiện cho bà May. Theo một dự thảo quyết định của các nhà lãnh đạo EU, khối này sẽ cho phép Anh trì hoãn Brexit với những điều kiện nhất định, trong đó có việc London phải tổ chức bầu cử Nghị viện Châu Âu. Nếu không đáp ứng điều kiện này, EU sẽ “cắt đứt” với Anh vào ngày 1-6 tới. Cụ thể, EU sẽ nhất trí về việc trì hoãn Brexit để cho phép phê chuẩn một thỏa thuận rút lui. Việc trì hoãn có thể bị rút ngắn, nếu cả EU và Anh thông qua một thỏa thuận Brexit trước thời hạn này. EU sẽ yêu cầu việc Anh tiếp tục ở lại khối này không được gây tổn hại đến những cơ quan chủ chốt của khối. Dự thảo có đoạn: “Nếu Anh vẫn là một thành viên EU vào thời điểm từ ngày 23 và 26-5 tới và London chưa thông qua một thỏa thuận rút lui vào ngày 22-5, họ sẽ phải tổ chức bầu cử Nghị viện Châu Âu để phù hợp với luật pháp EU. Nếu Anh không đáp ứng nghĩa vụ này, Brexit sẽ diễn ra vào ngày 1-6 tới”.
Tuy nhiên, dự thảo này hiện để trống thời hạn chót để Anh chấm dứt trì hoãn Brexit. Dự kiến, các nhà ngoại giao EU sẽ thảo luận về vấn đề này vào tối 10-4 (sáng 11-4, giờ Việt Nam). Một số nhà ngoại giao EU cho rằng, việc hoãn Brexit kéo dài lên tới 12 tháng theo đề xuất của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk, người sẽ chủ trì cuộc họp thượng đỉnh tối 10-4, là khó được chấp nhận, và một số nước thành viên cũng đồng tình với Pháp rằng, thời hạn này là quá dài, thay vào đó, họ mong muốn Brexit sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Cơ hội nào cho thỏa thuận Brexit của bà May?
Sau 3 lần thất bại tại Quốc hội Anh trong việc thông qua thỏa thuận Brexit của mình, Thủ tướng May hiện đang bị khóa trong các cuộc đàm phán với đảng Lao động đối lập - vốn ủng hộ giữ mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU - để cố gắng phá vỡ sự bế tắc.
Đảng Lao động vẫn đang đòi hỏi Anh vẫn ở trong một liên minh hải quan với EU. Nhưng EU đã loại trừ bất kỳ thay đổi nào đối với Brexit dù cho biết họ có thể nhanh chóng viết lại tuyên bố chính trị - một tài liệu đi kèm về quan hệ thương mại trong tương lai. Trong canh bạc tuyệt vọng để đạt được thỏa thuận, bà May thậm chí còn nói với các nghị sĩ rằng, bà sẽ từ chức trước khi bắt đầu đàm phán thương mại toàn diện với EU nếu họ ủng hộ, nhưng vẫn thất bại.
Bởi nếu Anh rời EU mà không đạt được một thỏa thuận, thách thức là rất lớn, nhất là với nền kinh tế nước này. Trong tuyên bố mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, kinh tế Anh có nguy cơ gặp cú sốc nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo xảy ra đình trệ thương mại nghiêm trọng và tăng trưởng kinh tế chậm hơn. IMF nhận định, trong trường hợp tồi tệ nhất, cuộc “ly hôn” không êm ả giữa Anh và đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ mang đến tình trạng đình trệ ở khu vực biên giới, chi phí nhập khẩu tăng đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Anh. IMF dự đoán, sự đình trệ thương mại trong viễn cảnh đó sẽ làm GDP của Anh giảm 1,4% trong năm đầu tiên này và 0,8% trong năm tiếp theo. EU cũng sẽ không tránh khỏi sự ảnh hưởng này, mặc dù khối này sẽ bị nặng nề ít hơn, theo đó GDP của khối sẽ giảm 0,2% và sau đó là 0,1%. IMF còn cho rằng tính theo tổng thiệt hại, GDP của Anh sẽ giảm 3,5% trong giai đoạn từ nay đến năm 2021, trong khi con số này bên phía EU sẽ là 0,5%.
KHẢ ANH