Anwar al-Awlaki - từ giáo sĩ Hồi giáo đến trùm khủng bố

Thứ hai, 03/10/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Việc thủ lĩnh khủng bố khét tiếng sinh ra ở Mỹ Anwar al-Awlaki bị tiêu diệt hôm 30-9 được coi là một chiến công lớn thứ hai của Mỹ sau vụ tiêu diệt Osama bin Laden. Nhưng vẫn còn đó những nỗi lo.

Anwar al-Awlaki bị tiêu diệt - chiến công lớn hay mối lo lớn?

Trong một văn bản gửi cho báo giới, Bộ Quốc phòng Yemen tuyên bố, giáo sĩ Hồi giáo cực đoan sinh ra ở Mỹ Anwar al-Awlaki thuộc chi nhánh của Al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) đã bị tiêu diệt trong cuộc giao tranh với lực lượng Yemen.

Tuy nhiên, một số nguồn tin khác lại cho biết, Awlaki bị giết trong một cuộc không kích nhắm vào hai chiếc xe ở tỉnh Marib, một thành trì của Al-Qaeda ở phía đông Yemen. Ngày 2-10, giới chức Mỹ nói với hãng tin AP, Awlaki đã bị giết chết bởi máy bay không người lái của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)  và rằng, các máy bay của Mỹ  đã quần thảo trên bầu trời Marib vài ngày qua khi biết Awlaki đến đây trong những ngày gần đây. Cùng bị tiêu diệt trong cuộc không kích này còn có Samir Khan, một công dân Mỹ gốc Pakistan, người phụ trách tạp chí tiếng Anh của Al-Qaeda có tên là “Inspire”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, đây là cú đòn mạnh tiếp theo giáng vào Al-Qaeda, sau cái chết của trùm khủng bố Osamar bin Laden. Phát biểu khi chủ trì lễ nhậm chức Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ của tướng Lục quân Martin Dempsey tại căn cứ Fort Myer, bang Virginia cùng ngày 30-9, ông Obama mô tả việc tiêu diệt được Awlaki, thủ lĩnh Al-Qaeda tại Yemen là “thắng lợi của cộng đồng tình báo Mỹ cùng với các nỗ lực hợp tác của lực lượng an ninh Yemen trong nhiều năm qua”. “Vụ này chứng tỏ tổ chức khủng bố Al-Qaeda không tìm thấy bất kỳ chỗ ẩn náu an toàn nào trên thế giới”, ông Obama nói. Tuy nhiên, khác với lần trước, ông chủ Nhà Trắng từ chối trả lời câu hỏi liệu ông có phải là người trực tiếp ra lệnh vụ tấn công này hay không.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, việc tiêu diệt Awlaki chỉ khiến Al-Qaeda càng trỗi dậy với những kế hoạch trả thù táo bạo hơn nhằm vào nước Mỹ. Ngày 1-10, Mỹ đã ra cảnh báo đi lại toàn cầu đối với các công dân về khả năng xảy ra các hành động trả đũa sau việc Awlaki bị tiêu diệt.

Anwar al-Awlaki kêu gọi thánh chiến trong một đoạn băng trên mạng Hồi giáo. Ảnh: AP 

Giáo sĩ Hồi giáo...

Awlaki sinh ngày 22-4-1971 trong một gia đình trí thức người Yemen sống tại Las Cruces, bang New Mexico, Mỹ.

Cha ông Nasser Al-Awlaki là một tiến sĩ kinh tế có tiếng tại Đại học Nebraska và sau đó giảng dạy tại Đại học Minnesota. Tuy nhiên, khi Awlaki được 7 tuổi, cả gia đình chuyển về Yemen sinh sống. Và đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Awlaki. Tại quê nhà, Awlaki được truyền bá tư tưởng đạo Hồi và trở thành một kẻ mộ đạo trong khi sự nghiệp của cha lên như diều gặp gió. Ông Nasser giữ đến chức Bộ trưởng Nông nghiệp Yemen kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Sanaa – trường lớn nhất nước này.

Năm 2001, Awlaki học tiến sĩ chuyên ngành phát triển nguồn nhân lực tại Đại học George Washington, Mỹ. Mặc dù mang quốc tịch Mỹ, song Awlaki chỉ thích sử dụng visa học sinh ngoại quốc và hộ chiếu Yemen mỗi khi nhập cảnh vào Mỹ. Sau này, Cơ quan an ninh Mỹ cho rằng, Awlaki làm như vậy là để chứng minh bản thân là người Yemen. Mới 20 tuổi, Awlaki đã là một giáo sĩ Hồi giáo được ngưỡng mộ tại Mỹ. Awlaki từng trụ trì một số nhà thờ Hồi giáo, trong đó có một nhà thờ ở thành phố San Diego, bang California, nơi thường lui tới của 2 trong số 19 tên không tặc tham gia vụ khủng bố ngày 11-9-2001, và khu vực ngoại ô thủ đô Washington. Với giọng nói truyền cảm, khả năng thuyết giáo, Awlaki đã thu hút và tuyển mộ được rất nhiều tín đồ trên thế giới.

Tuy nhiên, tháng 3-2002, ông ta bất ngờ trở về Yemen mặc dù chưa tốt nghiệp và sống ở Anh trong 2 năm để tuyên truyền tư tưởng cấp tiến. Năm 2004, Awlaki trở về Yemen tham gia giảng dạy tại một trường đại học nổi tiếng về tư tưởng cấp tiến và dành nhiều thời gian để nghiên cứu về đạo Hồi.

Tháng 8-2006, Awlaki bị chính quyền Yemen bắt giam 18 tháng vì nghi ngờ tiến hành các hoạt động khủng bố. Awlaki cho rằng, chính phủ Yemen làm việc này dưới áp lực của Mỹ. Vì vậy, y ngày càng căm hận nước Mỹ.

... hay “Osama bin Laden trên mạng”

Indonesia bắt giữ phiến quân Hồi giáo nguy hiểm
AP ngày 2-10 đưa tin: Đội chống khủng bố Densus 88 của cảnh sát Indonesia đã bắt giữ được Beni Asri - một trong những thành viên phiến quân Hồi giáo bị truy nã gắt gao nhất vì chủ mưu nhiều cuộc tấn công liều chết. Cảnh sát trưởng khu vực Solok thuộc tỉnh Tây Sumatra, Trung tá Lufti Martadian cho hay, Beni Asri đã bị bắt giữ mà không có sự kháng cự nào ở gần nhà cha mẹ y hôm 30-9 ở Solok. Beni Asri, 26 tuổi, là nghi can trong vụ đánh bom một nhà thờ Thiên chúa giáo tại thị trấn Solo ở Trung Java ngày 25-9, khiến 22 tín đồ bị thương. Beni cũng là một trong 5 người bị truy nã vì liên quan đến vụ đánh bom liều chết khiến 30 cảnh sát bị thương khi đang cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo hồi tháng 4 ở thị trấn Cirebon thuộc Tây Java. Y hiện đã bị dẫn giải về thủ đô Jarkata.

T.Ngọc

Với khả năng tuyển mộ những kẻ thánh chiến cùng những lời tuyên bố sặc mùi khủng bố trên các trang mạng Hồi giáo, Mỹ hồi tháng 2 thậm chí đã liệt Awlaki vào danh sách kẻ thù nguy hiểm nhất với nước Mỹ” (chứ không phải Osama bin Laden). Tất cả tài sản của ông ta tại Mỹ bị phong tỏa và những ai có dính líu tới Awlaki đều bị điều tra nghiêm ngặt. Tổng thống Barack Obama ủy quyền cho CIA tìm và tiêu diệt Awlaki mà không cần thông qua  bất kỳ phiên tòa xét xử nào.

Theo tình báo Mỹ, Awlaki đứng đằng sau vụ xả súng giết chết 13 người tại căn cứ quân đội ở Fort Hood, Texas năm 2010 và âm mưu đánh bom bất thành một chiếc máy bay hướng đến Detroit vào ngày 25-9-2009. Năm 2010, Awlaki thậm chí đưa ra một mạng tiếng Anh và xuất bản một tạp chí tiếng Anh mang tên “Inspire” để tuyển mộ tân binh ủng hộ thánh chiến. Cơ quan điều tra Mỹ cho biết, các nghi phạm gây ra hơn 10 vụ khủng bố tại Mỹ, Anh và Canada những năm gần đây đều là những kẻ mộ đạo của Awlaki mà y tuyển dụng thông qua những tuyên bố thuyết phục trên mạng. Vậy là hình ảnh một Awlaki “ôn hòa có thể dung hòa phương Đông và phương Tây” theo nhận định trước đó của Mỹ đã tan theo mây khói. Theo giới tình báo Mỹ, Awlaki là gián điệp mà Al-Qaeda đã cài vào nước Mỹ trước vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Tại Yemen, hồi tháng 1 vừa qua, giới chức nước này đã tuyên án vắng mặt Awlaki 10 năm tù giam vì những cáo buộc có liên quan đến nhiều cuộc tấn công vũ lực với người nước ngoài và gây ra cái chết của một nhân viên bảo vệ người Pháp ở một Cty khai thác dầu.

Từng được mệnh danh là “Osama bin Laden trên mạng” hay “người thừa kế số 1” của trùm khủng bố Osama bin Laden sau khi tên này bị biệt kích Mỹ tiêu diệt tại Pakistan, song giờ đây cái tên Awlaki cũng chỉ còn là dĩ vãng.

Thanh Văn