Áp dụng Nghị định 171, nhiều mức phạt mới có lợi cho người dân
(Cadn.com.vn) - Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ- đường sắt (GTĐB-ĐS) đã đi vào cuộc sống. Về quy định mức xử lý, hình thức xử phạt, Nghị định 171 có nhiều thay đổi so với trước đây. Phóng viên (P.V) Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi nhanh với Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT CATP Đà Nẵng.
Đại tá Nguyễn Đến |
P.V: Thưa Đại tá, người dân đang rất quan tâm việc điều chỉnh mức phạt tiền một số nhóm hành vi VPHC trên lĩnh vực giao thông mà Nghị định 171 quy định. Đại tá có thể cho biết sự điều chỉnh này?
Đại tá Nguyễn Đến: Nghị định 171 ra đời thay thế cho các Nghị định 34, 71 và 156, chính thức được áp dụng thực hiện kể từ ngày 1-1-2014. Nghị định này quy định về hành vi VPHC; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi VPHC; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực GTĐB-ĐS. Việc người dân quan tâm nhất hiện nay là khâu chế tài xử phạt, bởi Nghị định 171 đã có nhiều điều chỉnh về mức phạt tiền tại một số nhóm hành vi vi phạm cho phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi khi thực hiện.
Theo đó, điều chỉnh mức phạt tiền của 39 nhóm hành vi vi phạm trên tổng số 144 nhóm hành vi vi phạm. Trong đó, điều chỉnh tăng mức phạt tiền từ 1,1 lần đến 2,7 lần đối với 24 nhóm hành vi; điều chỉnh giảm mức phạt tiền từ 1,1 đến 6,7 lần đối với 15 nhóm hành vi. Hành vi được điều chỉnh giảm mức xử phạt nhiều nhất là hành vi vi phạm của chủ xe mô-tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.
P.V: Đại tá có thể nói rõ hơn một số mức xử phạt cụ thể về những hành vi vi phạm được điều chỉnh mà người điều khiển phương tiện thường hay vi phạm?
Đại tá Nguyễn Đến: Phải khẳng định rằng, việc Nghị định 171 đi vào cuộc sống, có rất nhiều mức phạt mới có lợi cho người dân. Ví dụ: điều chỉnh giảm mức phạt của hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước của người điều khiển phương tiện, Nghị định 171 quy định phạt từ 300-400 nghìn đồng, trong khi Nghị định 71 trước đây phạt từ 300-500 nghìn đồng; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, điều khiển xe trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt 50- 80 miligam/100 mililít máu bị phạt từ 7 đến 8 triệu đồng (Nghị định 71 trước đây phạt 8-10 triệu đồng).
Nghị định 171 cũng không quy định về mức phạt thí điểm (cao gấp đôi) đối với một số hành vi vi phạm giao thông trong nội thành, nội ô của các thành phố trực thuộc T.Ư như Nghị định cũ quy định. Ví dụ, trước đây người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ ở khu vực nội thành có treo bảng phạt thí điểm bị phạt 600.000 đồng, tăng gấp đôi số với ngoại thành, thì hiện tại Nghị định 171 không áp dụng mức phạt này nữa. Hiện lực lượng CSGT Đà Nẵng cũng đã tiến hành tháo những biển báo phạt thí điểm trong nội thành.
Với hình phạt tước GPLX đối với người điều khiển ô-tô các hạng bằng, Nghị định 171 cũng đã có thay đổi. Cụ thể, trước đây những trường hợp lái xe bị tước bằng lái vĩnh viễn khi vi phạm các lỗi nghiêm trọng như: Lái xe điều khiển phương tiện có sử dụng ma túy hoặc gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng... Tuy nhiên, Nghị định 171 quy định rõ, không áp dụng tước GPLX vĩnh viễn mà chỉ áp dụng mức thời gian tước GPLX cao nhất là 24 tháng, sau đó phục hồi lại GPLX cho lái xe. Ngoài ra, còn có nhiều lỗi vi phạm khác nếu Nghị định 171 quy định mức phạt cao hơn so với các Nghị định trước đây thì sẽ áp dụng mức xử phạt thấp nhất như các Nghị định trước.
Về điều chỉnh mức xử phạt tăng cũng được áp dụng đối với nhiều hành vi, ví dụ như người điều khiển xe đứng tên tổ chức, cơ quan nếu vi phạm bất kỳ lỗi gì sẽ bị phạt gấp đôi so với xe đứng tên cá nhân (trước đây mức xử phạt như nhau)... Nghị định 171 cũng quy định thêm một số hành vi mới sẽ bị xử phạt như: Không dừng lại cấp cứu người bị nạn khi gây TNGT sẽ bị xử phạt nặng nếu không chứng minh được hành vi bỏ trốn của mình là do bị uy hiếp; xe mô-tô lắp đèn trắng chiếu ngược phía sau xe, ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện đi sau mình khi phanh xe, bởi đây là hành vi rất nguy hiểm đang khiến dư luận bức xúc.
P.V: Người dân đang rất quan tâm đến việc xử phạt chủ phương tiện “không sang tên đổi chủ”. Hình thức xử lý, mức xử phạt quy định tại Nghị định 171 có gì thay đổi so với các Nghị định trước đây, thưa Đại tá?
Đại tá Nguyễn Đến: Trên thực tế, việc quy định xử phạt lỗi “không sang tên đổi chủ” đã có hiệu lực từ rất lâu nhưng ít người để ý. Đến cuối năm 2012, khi Nghị định 71 có hiệu lực với mức xử phạt lỗi này tăng lên nhiều lần đã khiến dư luận “nóng lên”. Sau đó, để giải quyết vấn đề “xe chưa sang tên”, các Bộ ngành có liên quan đã ra nhiều văn bản hướng dẫn về cách xử phạt, thủ tục sang tên. Về thay đổi, Nghị định 171 nêu rõ, lộ trình xử phạt đối với chủ xe mô-tô sẽ lùi thời điểm áp dụng xử lý tới ngày 1-1-2017 và xe ô-tô là ngày 1-1-2015. Với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng CSGT, Nghị định 171 cũng quy định giới hạn việc kiểm tra xử phạt.
Cụ thể, chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ TNGT nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe, chứ không được dừng xe kiểm tra khi người điều khiển phương tiện đang lưu thông. Về xử lý vi phạm, mức phạt tiền lỗi này theo Nghị định 71 phạt 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với xe máy, 6-10 triệu đồng đối với ô-tô, nhưng theo Nghị định 171, giảm mức phạt xuống từ 100-200 ngàn đồng đối với xe máy và 1-2 triệu đồng đối với ô-tô (tức giảm 6-8 lần so với quy định trước đây). Dù thời gian xử lý lỗi “không sang tên đổi chủ” đã lui lại nhiều năm nữa, nhưng các lực lượng chức năng vẫn nhắc nhở, khuyến khích người dân nên chủ động làm thủ tục sang tên đổi chủ để đảm bảo quyền lợi cho mỗi người.
P.V: Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi này!
Công Hạnh
(thực hiện)