Áp lực đè nặng Tổng thống đắc cử Donald Trump
(Cadn.com.vn) - Hơn 48 giờ sau thời điểm tất cả các phòng phiếu đóng cửa, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lên tiếng trên trang mạng Twitter, gọi các cuộc biểu tình đang lan rộng khắp cả nước chống lại chiến thắng của ông là “rất không công bằng”.
Dù chưa chính thức tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump trên thực tế đã đối mặt với vô vàn khó khăn ngay trước mắt, đặc biệt là phải nỗ lực làm dịu làn sóng biểu tình có nguy cơ bùng nổ thành bạo động.
Các cuộc biểu tình phản đối chiến thắng của tỷ phú Trump trong cuộc đối đầu với bà Hillary Clinton tiếp tục bước sang ngày thứ 3 và chưa hề có dấu hiệu lắng dịu. Trong đêm 10-11 (sáng 11-11, giờ Việt Nam), hàng chục ngàn người biểu tình không thể chấp nhận ông Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ, tiếp tục đổ xuống đường phố tại ít nhất 25 thành phố trên khắp nước. Họ chủ yếu là những người trẻ tuổi, những người cho rằng, một nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ tạo sự chia rẽ sâu dọc theo dòng chủng tộc và giới tính khắp nước Mỹ.
Tại Portland, thành phố lớn nhất bang Oregon, cảnh sát buộc phải can thiệp vào cuộc biểu tình ban đầu diễn ra ôn hòa nhưng đã trở thành cuộc gây rối trật tự công cộng của khoảng 4.000 người. Những người biểu tình đã ném đá và dùng gậy để đập phá ô-tô. Trong khi đó, đoạn băng của hãng tin KATU cho thấy, cửa sổ của những chiếc ô-tô trong một đại lý phân phối đã bị đập vỡ. Ít nhất 29 người đã bị bắt.
Cảnh sát Mỹ bắt giữ một người biểu tình quá khích ở Portland, bang Oregon vào đêm 10-11 (sáng 11-11, giờ Việt Nam). Ảnh: Reuters |
Làm dịu làn sóng biểu tình
Tổng thống đắc cử Trump có tuyên bố đầu tiên về làn sóng biểu tình này, cho rằng, các cuộc biểu tình là “rất không công bằng” và bị giới truyền thông xúi giục. “Vừa diễn ra cuộc bầu cử rất cởi mở và thành công. Giờ đây, những người biểu tình chuyên nghiệp đang bị giới truyền thông xúi giục. Rất không công bằng!”.
* Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 11-11 tuyên bố sẽ hối thúc Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khẳng định có thể yêu cầu Tổng thống đắc cử Donald Trump, người kiên quyết phản đối TPP, thông qua hiệp định này khi cả hai gặp nhau tại New York vào tuần tới. (Kyodo) * Điện Kremlin cho rằng, cách tiếp cận chính sách ngoại giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump “giống đến kinh ngạc” cách tiếp cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, qua đó cho Moscow hy vọng rằng quan hệ Mỹ-Nga có thể dần được cải thiện. (Reuters) * Chính phủ Mexico ngày 11-11 tuyên bố sẵn sàng thảo luận về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, song kiên quyết không đàm phán lại. (BBC) * Giới phân tích cho rằng, chiến thắng của ông Trump không phải là “thảm họa” đối với sự tan băng trong quan hệ Mỹ-Cuba hiện nay. (THX) * Đối mặt với chỉ trích rằng, những thông tin giả mạo trên Facebook đã góp phần giúp tỷ phú Donald Trump chiến thắng, người sáng lập Mark Zuckerberg mạnh mẽ bảo vệ mạng lưới của mình, cho rằng, những cáo buộc trên là “hoàn toàn điên rồ”. (BBC) * Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao ngày 11-11 kêu gọi Mỹ duy trì sự can dự vào các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh chính quyền ông Trump có thể sẽ dừng chính sách “xoay trục Châu Á- Thái Bình Dương”. (Kyodo) |
Tuyên bố này được đưa ra sau khi New York Times đưa tin về việc các trợ lý của ông Trump điều hành kiểm soát tài khoản Twitter và Facebook của ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống với hy vọng chế ngự sức mạnh của giới truyền thông chính thống vốn ủng hộ bà Clinton. Tuyên bố này cũng đi kèm theo sau ông Trump tung ra giai điệu hòa giải trong cả hai bài phát biểu chiến thắng và có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tổng thống Barack Obama để bàn về tiến trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp kéo dài 90 phút tại Nhà Trắng, cả hai chưa giải quyết được những bất đồng. Phát biểu họp báo tại Washington hôm 11-11, Thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ, ông Josh Ernest cho biết, tổng thống đương nhiệm và tổng thống đắc cử vẫn tồn tại khác biệt sâu sắc. Tuy nhiên, theo ông Ernest, trọng tâm cuộc gặp không phải để giải quyết bất đồng như những gì Tổng thống Obama từng nhắc đến trong quá trình diễn ra chiến dịch tranh cử mà để thảo luận việc chuyển giao quyền lực.
Y tế, an ninh biên giới, việc làm
Trong suốt chiến dịch tranh cử, trọng tâm mà ông Trump đề ra là hủy bỏ chương trình chăm sóc y tế Obamacare của Tổng thống đương nhiệm Obama, xây dựng bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico và mang “hàng triệu việc làm về cho người Mỹ”.
Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh nước Mỹ đối mặt với làn sóng di cư ồ ạt làm dấy lên mối đe dọa khủng bố từ “những con sói đơn độc” cũng như một nền kinh tế trì trệ, có thể chính những vấn đề cần quan tâm này đã giúp ông Trump giành chiến thắng. Vì vậy, trong chuyến thăm Quốc hội hôm 11-11, tổng thống đắc cử một lần nữa khẳng định, 3 ưu tiên chính sách hàng đầu khi ông nhậm chức người đứng đầu Nhà Trắng vào tháng 1-2017 “sẽ không nằm ngoài” vấn đề chăm sóc y tế, an ninh biên giới và việc làm. “Chúng ta có nhiều việc phải làm... chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng vấn đề di cư, chăm sóc y tế, việc làm”, Tổng thống đắc cử Mỹ khẳng định sau cuộc gặp Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell.
Khả Anh