Áp lực làm báo thời 4.0
Công nghệ truyền thông bùng nổ giúp hoạt động tác nghiệp báo chí thuận tiện hơn song cũng tạo ra áp lực trong cạnh tranh thông tin đối với đội ngũ người làm báo. Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà báo TP Đà Nẵng Nguyễn Đức Nam đã có những chia sẻ xung quanh chủ đề này.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng Nguyễn Đức Nam |
P.V: Thưa ông, việc bùng nổ công nghệ truyền thông hiện nay đã tác động thế nào đến hoạt động tác nghiệp báo chí?
Ông Nguyễn Đức Nam: Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh trên tay với đầy đủ tính năng từ chụp ảnh, quay camera, ghi âm, truyền thông tin, hình ảnh..., phóng viên bây giờ đã có thể tác nghiệp mọi nơi, mọi lúc. Công nghệ truyền thông đã thay đổi căn bản phương thức tác nghiệp của người làm báo. Tâm thế của phóng viên hiện nay là sẵn sàng lao vào sự kiện, là chạy đua thông tin. Thông tin được truyền đến bạn đọc rất nhanh, cạnh tranh không phải từng giờ mà từng phút.
P.V: Yêu cầu đưa thông tin nhanh nhạy như vậy tạo ra áp lực như thế nào cho đội ngũ người làm báo, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Nam: Đà Nẵng là 1 trong 3 trung tâm báo chí lớn của cả nước với gần 1.000 người làm báo của hơn 100 cơ quan, văn phòng đại diện. Các tòa soạn đặt yêu cầu phóng viên phải tiếp cận, đưa thông tin nhanh nhạy nhất. Rõ ràng, áp lực về thời gian với phóng viên rất lớn, song yếu tố chính xác của thông tin còn quan trọng hơn. Yêu cầu thông tin vừa nhanh vừa chính xác đòi hỏi kỹ năng của người làm báo cần hết sức nhạy bén trong thẩm định ban đầu về nguồn tin. Người tiếp nhận thông tin phải đánh giá, tính toán cho được đưa mức độ nào phù hợp để vừa đảm bảo tính nhanh nhạy vừa chính xác. Tức là, những thông tin gì còn băn khoăn, ngờ vực, chưa có độ kiểm chứng, cảm nhận có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội thì chưa vội đưa.
P.V: Công nghệ thông tin phát triển, người làm báo còn chịu áp lực cạnh tranh về thời gian cả với thông tin đăng tải trên các mạng xã hội?
Ông Nguyễn Đức Nam: Thông tin đưa lên mạng xã hội rất nhanh, nhưng đó là quan điểm, trách nhiệm của cá nhân. Với người làm báo, yêu cầu cao hơn nhiều bởi thông tin của họ mang tính đại diện cho cơ quan báo chí, chịu trách nhiệm trước tòa soạn, trước công chúng và sự ràng buộc các quy định luật pháp về báo chí. Do đó áp lực đương nhiên cũng cao hơn, đòi hỏi phải được trang bị đầy đủ kỹ năng nghiệp vụ báo chí và kiến thức pháp luật trên lĩnh vực này.
Học viên tham dự Khóa bồi dưỡng sử dụng thiết bị di động trong tác nghiệp báo chí do Hội Nhà báo TP Đà Nẵng tổ chức đầu năm 2021. |
P.V: Trước áp lực cạnh tranh, thu hút độc giả, hiện có một vài tờ báo giật tít mang tính giật gân, “câu view”, ông nghĩ sao về việc này?
Ông Nguyễn Đức Nam: Qua theo dõi có nhiều bài viết rất nhân văn, thông tin tốt vẫn thu hút lượng lớn độc giả quan tâm. Độ bền vững, tính nghiêm túc, thương hiệu của tờ báo nằm ở chỗ là phải chọn lựa, xử lý thông tin. Việc giật tít không phù hợp để thu hút độc giả theo cách đó chẳng khác gì con dao hai lưỡi, có thể tăng nhất thời lượng truy cập nhưng về lâu dài sẽ tổn hại rất lớn đến uy tín, thương hiệu của tờ báo.
P.V: Trong thời đại thông tin bùng nổ trên mạng xã hội tạo ra các dòng chảy dư luận rất phức tạp, điều này khiến báo chí gặp khó khăn thế nào trong thực hiện chức năng giáo dục, thẩm mỹ, định hướng dư luận... thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Nam: Trước một cơn bão thông tin như thế, việc chọn lọc, đưa thông tin trên các báo hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào tâm - tầm của người làm báo. Cùng nguồn tin, nhưng qua cách tiếp cận, khai thác thông tin khác nhau thì sản phẩm báo chí sẽ khác nhau, tùy thuộc vào yếu tố chủ quan của người làm báo. Nếu chạy theo kiểu đưa tin giật gân, câu like thì sẽ có cách xử lý thông tin rất khác so với xử lý theo hướng vì cộng đồng, vì sự tốt đẹp. Theo tôi, làm báo thời 4.0 hiện nay áp lực rất lớn, đặt ra yêu cầu cao hơn với người làm báo về trình độ, kỹ năng báo chí, kiến thức... Đôi chân của nhà báo phải là pháp luật và đạo đức. Với quan điểm đó, thời gian qua Hội Nhà báo TP Đà Nẵng đã mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người làm báo như Khóa bồi dưỡng sử dụng các thiết bị điện thoại trong tác nghiệp báo chí; Hội thảo về đạo đức người làm báo... Chúng tôi mong muốn xây dựng Hội Nhà báo TP thực sự là mái nhà chung, là nơi gắn kết, chia sẻ nghiệp vụ, hướng tới mục đích góp phần cung cấp kịp thời thông tin đến bạn đọc, cổ vũ cho những điều tốt đẹp được lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
VĂN THUẤN