ASEAN có thể giải quyết bài toán "thuyền nhân"?
(Cadn.com.vn) - Các nước ASEAN rõ ràng đang nỗ lực hơn rất nhiều trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư trong khu vực. Nhưng vấn đề đặt ra là nên bắt đầu ở đâu và như thế nào?
Chỉ trong vài tháng qua, nhiều nước ASEAN đối mặt với vấn nạn bùng phát khủng hoảng di cư. Cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra trong khu vực liên quan đến người Hồi giáo thiểu số Rohingya, việc phát hiện những ngôi mộ tập thể ở Malaysia và Thái Lan, và những cáo buộc về tình trạng lao động nô lệ trong ngành thủy sản của Thái Lan.
Đối với các nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm trong khu vực, những vấn đề này không có gì mới. Câu hỏi quan trọng là chính phủ các nước và "những diễn viên khác" (chẳng hạn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…) có thể có những nỗ lực mạnh bạo hơn để giải quyết vấn đề này nhằm đạt nhiều tiến triển hơn nữa hay không.
Tuần trước, Keith Luse, người từng là trợ lý thân cận của cựu Thượng nghị sĩ Richard Lugar - cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và một trong số ít các nhà lập pháp Mỹ hiểu rõ về Đông Nam Á - đã nói về vấn đề này tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tổ chức. Trong bài phát biểu ngắn gọn kéo dài khoảng 10 phút, ông nói đến vai trò của "các diễn viên khác" và những gì họ có thể làm để giúp giải quyết các vấn đề buôn người đang hoành hành Đông Nam Á.
Ông Luse bắt đầu bằng việc thừa nhận những nỗ lực của các bên về vấn đề này mặc dù còn nhiều thách thức đang chờ đợi. Chẳng hạn như Malaysia, đã làm việc với Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) về việc tái định cư của các thuyền nhân. Thái Lan, về phần mình, phục vụ như một nơi trú ẩn an toàn cho người tị nạn từ các nước láng giềng Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ.
Thực tế cho thấy, vấn đề buôn người ở Đông Nam Á là biểu tượng của một thực tế khó khăn hơn, nơi những người di cư, người tị nạn và những người khác - bị mua, bán, giao dịch hoặc ngược đãi. Giới phân tích mô tả, nạn buôn người ở Đông Nam Á như một "cơn lốc kinh tế của lực lượng trọng yếu" bắt nguồn từ sự nghèo đói cùng cực, cùng với những cơ hội mới cho kinh tế mở toàn cầu hóa. Đây cũng là vấn nạn của tình trạng tham nhũng.
Nếu ASEAN có thể nghiêm túc giải quyết vấn đề buôn người, họ sẽ cần phải giải quyết tất cả các khía cạnh quan trọng của vấn đề. Để bắt đầu, chính phủ các nước trong khu vực phải chú trọng đấu tranh chống tham nhũng. Chính phủ các nước trong khu vực cũng phải làm việc nhiều hơn với các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các nhóm xã hội dân sự chứ không chỉ xem họ như là một phần của vấn đề.
Tất nhiên, không có việc gì là dễ dàng, nhất là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay ở Đông Nam Á. Tất cả cần sự chung tay thiết thực của toàn thế giới.
Thanh Văn