ASEAN đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động và sáng kiến của Việt Nam
Đây là đánh giá của các thành viên ASEAN và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại phiên bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM Retreat) lần thứ 26 diễn ra ngày 11-3. Theo ông Anh, Việt Nam đã thể hiện vai trò rất chủ động, tích cực từ công tác chuẩn bị đến đưa ra các sáng kiến ưu tiên về kinh tế ASEAN 2020.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm. |
Các đại biểu tham dự Hội nghị nhìn nhận: Trong bối cảnh thế giới và ASEAN, trong đó có Việt Nam đang đối mặt với muôn vàn khó khăn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19, nhưng trong khoảng thời gian rất ngắn, Việt Nam đã chủ động cùng các nước trong ASEAN cũng như Ban thư ký ASEAN hoàn tất công tác chuẩn bị đảm bảo an toàn, đảm bảo biện pháp phòng chống dịch cũng như đảm bảo môi trường an toàn chung cho tất cả các nước ASEAN tham gia Hội nghị. Không chỉ làm tốt công tác chuẩn bị, Việt Nam đã đưa ra 13 sáng kiến ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế của ASEAN năm 2020 tại phiên họp trù bị sau đó Hội nghị chính thức diễn ra ngày 10-3 có 12 sáng kiến đã được Hội nghị thông qua, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, năng lượng, nông nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính, thuận lợi hóa thương mại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)...
“Tôi xin nhấn mạnh rằng, những sáng kiến Việt Nam đưa ra và các nội dung của Hội nghị AEM lần này đi đúng vào thực chất, giúp cho ASEAN đạt được 3 mục tiêu quan trọng, quan trọng nhất là đảm bảo được khả năng thích ứng và ứng phó của ASEAN trong bối cảnh diễn biến rất mới và rất nhanh của toàn cầu ở tất cả các khía cạnh từ thương mại, kinh tế cho đến dịch bệnh. Những sáng kiến ấy sẽ giúp ASEAN không chỉ có khả năng ứng phó và có những biện pháp hành động tập thể để đạt được mục tiêu của mỗi nước, mục tiêu chung của ASEAN, mà còn góp phần duy trì ASEAN như là một trung tâm kết nối, tạo dựng những khung phù hợp, hiệu quả trong khung khổ hợp tác của ASEAN của các nước trong khu vực với các đối tác khác trên thế giới. Đặc biệt là các đối tác lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, New Zeland, Australia, Canada”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Trao đổi với báo giới, ông Suresh Kaliyana Sundram- Đại biểu quan chức Kinh tế Malaysia khẳng định: Công tác chuẩn bị hội nghị lần này của Việt Nam rất tốt. “Tôi thấy rõ, từ hệ thống kiểm tra an ninh, đo thân nhiệt và các hướng dẫn phòng dịch rất hữu ích, giúp kiểm soát và đảm bảo an toàn cho các đại biểu. Bản thân tôi cảm thấy an toàn và thoải mái khi ở đây”. Cùng ý kiến, ông Maspiyono- thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), nhìn nhận: Ngay khi đến sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), ông và mọi du khách đều đã được kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, và được cung cấp lịch trình di chuyển rất chi tiết. Rồi khi tới Đà Nẵng tham dự hội nghị, hình ảnh ấy tiếp tục lặp lại. Điều đó rất cần thiết và để lại sự ấn tượng, khiến quan khách tham dự hội nghị yên tâm. Trong khi đó, bà Nor Zelina Momin- Bộ Tài chính và Kinh tế Brunei đánh giá rất cao những sáng kiến của đoàn Việt Nam, cụ thể và việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu xây dựng cộng đồng kinh tế chung ASEAN đến năm 2025, đặc biệt là thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, tạo nền tảng để các nước ASEAN gắn kết chặt chẽ với nhau hơn, ứng phó tốt hơn với các tác động bên ngoài.
Trong tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 kết thúc cuối ngày 11-3, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ra tuyên bố về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế để đối phó với Covid - 19. Các bộ trưởng quan ngại sâu sắc về sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như các nền kinh tế trên thế giới, đồng thời nhắc lại Tuyên bố của nước Chủ tịch về một ASEAN chủ động thích ứng với sự bùng phát của dịch bệnh do chủng virus corona mới gây ra. Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết trong ASEAN và tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của Cộng đồng ASEAN, trong việc đối mặt với sự bùng nổ của Covid-19. Đồng thời, nhận thấy các tác động bất lợi của sự bùng phát dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, bao gồm đối với các ngành du lịch, sản xuất, bán lẻ và các dịch vụ khác... cũng như là sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và thị trường tài chính.
Các đại biểu thảo luận bên lề hội nghị. |
Cũng nội dung tuyên bố chung, các bộ trưởng kinh tế ASEAN nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các nỗ lực phối hợp để tránh các tác động bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu do sự bùng phát của COVID-19; các biện pháp hạn chế di chuyển qua biên giới phải dựa trên các cân nhắc về sức khỏe cộng đồng và không nên hạn chế thương mại trong khu vực một cách không cần thiết; thực hiện các hành động chọn lọc để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19; tăng cường chia sẻ thông tin trong khu vực và phối hợp để đối phó với các thách thức kinh tế do sự bùng phát của Covid-19; cam kết tiếp tục duy trì mở cửa thương mại và đầu tư trong ASEAN...
Các bộ trưởng kinh tế ASEAN cũng cho rằng, cần tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các DN, đặc biệt là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tiếp tục hoạt động; tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của chuỗi cung ứng, thông qua sự minh bạch, kịp thời; củng cố hợp tác kinh tế ASEAN với các đối tác ngoại khối để tổng hợp các sáng kiến nhằm tăng cường chuỗi cung ứng khu vực để làm ổn định và giảm rủi ro trước những cú sốc bên trong và bên ngoài; xây dựng các nền tảng để tạo thuận lợi thương mại hiện có trong ASEAN, như cơ chế một cửa ASEAN (ASW), để thúc đẩy và hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng; Bên cạnh đó, kiềm chế các hành động để không tạo ra áp lực lạm phát không cần thiết hoặc không ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực trong khu vực, nỗ lực để đảm bảo nguồn cung hàng hóa và nhu yếu phẩm; tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là các hàng rào cản trở dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng, tránh áp dụng các biện pháp phi thuế quan mới và không cần thiết.
Công Hạnh