ASEAN với chiến dịch “không ma túy”
(Cadn.com.vn) - Giới phân tích đang ngày càng tỏ ra lo ngại khi cho rằng, cuộc chiến chống ma túy trong khu vực ASEAN đã thất bại.
Đã nhiều lần các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tuyên bố xây dựng một ASEAN không ma túy vào năm 2015, qua đó mở ra kỷ nguyên mới, khu vực duy nhất trên thế giới có ma túy bị loại bỏ hoàn toàn. Bằng cách đưa ra hạn chót cho việc loại bỏ ma túy vào năm 2015, các nhà lãnh đạo ASEAN dường như tin rằng “cuộc chiến chống ma túy” ở khu vực có thể thắng lợi.
“Một ASEAN không ma túy vào năm 2015” đã không thành công. Ảnh: Diplomat |
Nhưng hiện giờ đã là năm 2015. Thực tế cho thấy, nhà tù ở Thái Lan đang bùng nổ phạm nhân bởi mức án mạnh tay đối với tội phạm ma túy nhỏ. Trong khi đó, Indonesia thực hiện loạt các vụ tử hình, nhưng dòng chảy methamphetamine trong khu vực gần như tăng gấp 4 lần kể từ năm 2008. Hơn 70% trong số 330.000 tù nhân Thái Lan đang bị giam giữ là tội phạm ma túy, và khoảng 82% các tù nhân nữ của Thái Lan là các bà mẹ, nhiều người bị giam là tội phạm ma túy nhỏ. Trong khi đó, Jakarta đang thực hiện cuộc chiến chống ma túy bằng hàng loạt các vụ tử hình. Tổng thống Jokowi Wododo từ chối xem xét khoan hồng nhân đạo đối với tội phạm này.
Theo báo cáo của Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC), trong 7 năm qua, việc mua bán số lượng methamphetamine trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương gần như tăng gấp 4 lần: từ 11 tấn năm 2008 lên hơn 40 tấn trong năm 2013. “Cuộc chiến ma túy tại Châu Á đã thất bại trong việc làm giảm nguồn cung cấp hoặc nhu cầu về ma túy, và tham vọng trở thành một khu vực “không ma túy” ngày càng khó khăn hơn qua từng năm”, Ann Fordham, Giám đốc điều hành Tổ chức Chính sách Ma túy Quốc tế (IDPC), nhận định.
Trong cuộc hội thảo hôm 6-7 tại Bangkok với sự tham dự của các thẩm phán, công tố viên, các ủy viên cảnh sát cao cấp, và các quan chức y tế công cộng, Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan, tướng Paiboon Khumchaya, thẳng thừng tuyên bố: “Cuộc chiến chống ma túy của Thái Lan đã thất bại”. Theo ông Paiboon, diệt trừ ma túy bất hợp pháp là một mục tiêu phản tác dụng, và không nên tiếp tục theo đuổi. Ông thừa nhận, chiến lược thực thi pháp luật nặng tay như vậy đã dẫn đến tình trạng tham nhũng có hệ thống của cảnh sát, và các nhà tù quá tải tội phạm phi bạo lực.
Tại Myanmar, chính phủ đơn phương gia hạn thời điểm diệt trừ hoàn toàn việc trồng thuốc phiện và sản xuất các chất kích thích cho đến năm 2019. Ngay cả tại quốc gia sản xuất thuốc phiện lớn thứ hai trên thế giới này, các quan chức chống ma túy cấp cao cũng bắt đầu lắng nghe ý kiến của các nhà xã hội dân sự.
Theo ông Tom Kramer chuyên gia của Viện Chuyển tiếp Quốc gia (TNI), điều hành chương trình chống ma túy và phát triển ở Đông Nam Á và ở Mỹ Latinh, “Nông dân nghèo từ tiểu bang Shan của Myanmar nói với các quan chức ma túy rằng, nghèo đói là nguyên nhân khiến họ phải trồng thuốc phiện. Do đó, chúng ta không thể nào xóa bỏ thuốc phiện nếu không cung cấp giải pháp kinh tế thay thế, chẳng hạn như chuyển đổi cây trồng”.
Dự án thay thế cây trồng do LHQ tài trợ đã không thành công. Một dự án ở bang Wa đã đứt gánh giữa chừng, 3 dự án mới đang được tiến hành ở thị trấn Hopong, bang Shan. Tuy nhiên, UNODC thừa nhận, để tiến đến một sự khác biệt thực sự, họ cần nguồn tài trợ rất lớn trong nhiều năm, để trồng những loại cây thay thế thuốc phiện.
An Bình (Theo Diplomat)