Âu lo thực phẩm Tết (2)

Thứ ba, 02/02/2016 09:07

Bài cuối:  Ngành chức năng: cứ bình tĩnh

(Cadn.com.vn) - Thừa nhận không kiểm soát hết được chất lượng hàng hóa, nhưng các ngành chức năng vẫn "tự tin" cho rằng thực phẩm ở Đà Nẵng vẫn an toàn.

Vẫn an toàn?

Ông Lê Văn Chánh - Phó trưởng phòng (phụ trách) Thanh tra - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đà Nẵng cho biết, thời gian qua Đà Nẵng không có những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, chỉ vài vụ nhỏ lẻ, thế nên thực phẩm vẫn rất an toàn. Ông Chánh nói: "Đà Nẵng có 8 lò mổ tập trung, trong đó nguồn cung thịt heo, bò cho thị trường tới 80% ở lò mổ Đà Sơn. Mỗi ngày, lò mổ này cung cấp ra thị trường khoảng 1,2 ngàn con heo (khoảng 84 tấn), 60 con bò, 800 con gà, vào dịp Tết có thể tăng từ 1,5 - 2 lần. Số động vật đưa vào lò giết mổ có nguồn gốc từ Bình Định, Quảng Ngãi, khi vận chuyển về Đà Nẵng đều được kiểm dịch tại trạm Hòa Phước. Khi vào tới lò mổ, tiếp tục được kiểm tra một lần nữa để loại bỏ những động vật bị bệnh, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Sau khi mổ, sản phẩm động vật được đóng dấu kiểm định của ngành thú y trước khi phân phối ra thị trường.

Tương tự như thế, số lượng gia cầm (gà, vịt) cũng nhập về khoảng 70% tại 2 địa phương nói trên. Tại Đà Nẵng chỉ có 5 cơ sở chăn nuôi gia cầm, chủ yếu để lấy trứng. Còn việc chăn nuôi heo, bò, gia cầm để lấy thịt cung cấp cho thị trường chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 5%. Với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ này, ngành thú y cũng thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xem có đảm bảo ATTP không. "Năm 2015, Chi cục lấy 24 mẫu thực phẩm (tại các lò mổ, quầy bán thực phẩm) để kiểm tra có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất độc hại trong thực phẩm. Kết quả đều không phát hiện chất cấm, kim loại nặng, duy chỉ có một mẫu nhiễm vi khuẩn ecoli vượt ngưỡng thấp, nhưng cái này nấu chín sẽ chết hết", ông Chánh cho hay.

Cùng quan điểm rất an toàn, ông Nguyễn Tứ- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản nói, nguồn rau củ quả do Đà Nẵng sản xuất quy mô nhỏ khoảng 40ha ở 5 vùng trồng rau, trong số đó có 3 vùng đạt chuẩn Vietgap, tức là đảm bảo chất lượng. "Nguồn rau sản xuất tại Đà Nẵng luôn được chúng tôi kiểm tra bằng cách giám sát các cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật, không bán cho các hộ trồng rau các loại thuốc trong danh mục cấm. Vì thế, chất lượng rau Đà Nẵng sản xuất kiểm soát được, rất an toàn. Tuy nhiên, đáng tiếc là lượng rau của Đà Nẵng sản xuất chỉ khoảng 12 ngàn tấn/năm, chiếm khoảng 10% thị trường Đà Nẵng", ông Tứ cho hay.

Cũng theo ông Tứ, mỗi năm có khoảng 130 ngàn tấn rau củ quả nhập về chợ đầu mối Hòa Cường, trong đó khoảng 56 ngàn tấn rau nhập từ 6 tỉnh, 76 ngàn tấn củ quả nhập từ 9 tỉnh và 2 nước Thái Lan, Trung Quốc (2 nước chiếm 24%). Để kiểm soát chất lượng rau củ quả này, chi cục đã lập một Phòng lấy mẫu kiểm tra nhanh tại chợ đầu mối Hòa Cường. Năm 2015 lấy 950 mẫu, trong đó chỉ có 3 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vẫn trong ngưỡng cho phép.

Tóm lại theo ông Tứ, chất lượng rau củ quả tại thị trường Đà Nẵng vẫn an toàn. Về chất lượng thủy sản, ông Tứ nói không đáng ngại, năm qua lấy hơn 100 mẫu trên tổng số 145 ngàn tấn hải sản nhập về Đà Nẵng, nhưng không phát hiện mẫu nào vi phạm, tức là rất an toàn.

Lượng rau củ quả về chợ đầu mối hàng trăm tấn mỗi đêm không thể nào kiểm soát hết được chất lượng.

Nhưng không kiểm soát 100%

Mặc dù đại diện ngành chức năng nói thực phẩm ở Đà Nẵng kiểm soát tốt, rất an toàn, nhưng người dân vẫn rất lo lắng. Thực tế chính các ngành chức năng cũng thừa nhận không thể kiểm soát hết được chất lượng thực phẩm và việc đấu tranh với thực phẩm bẩn rất khó khăn, tồn tại nhiều lỗ hổng.

Ông Lê Văn Chánh nói, với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ nhỏ lẻ để bán ra thị trường thì không thể kiểm tra được: "Họ nuôi vài con heo, vài con gà rồi tự động giết mổ đem ra chợ bán, cái này trong nhiều gia đình nhỏ lẻ, làm sao mình kiểm tra được chất lượng của nó".

Để kiểm soát được chất lượng rau củ quả, theo ông Chánh phải biết nguồn gốc sản xuất ở đâu, nhưng hiện tại chủ cơ sở khai ở đâu thì mình biết ở đó chứ làm gì có hồ sơ gì chứng minh. Nếu không điều tra nguồn gốc nơi sản xuất, họ dùng loại thuốc gì phun vào rau củ quả mình chỉ có bó tay. Việc lấy mẫu xét nghiệm chỉ là phần ngọn, rất hạn chế, bởi xét nghiệm nhiều thì kinh phí ở đâu? Đặc thù của Đà Nẵng là việc sản xuất tại chỗ từ rau củ quả, thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng rất ít, phần lớn vẫn phải nhập khẩu, vì thế khi hàng hóa đã tràn vào thì họ cho gì mình ăn nấy, việc kiểm soát chất lượng của ngành chức năng chỉ là phần ngọn, như muối bỏ bể. Tức là, nguy cơ "sống chung" với thực phẩm bẩn, kém chất lượng là hiện hữu.

Thượng tá Đặng Hữu Quế - Phó trưởng phòng CS Môi trường (CATP Đà Nẵng), nói: Mức phạt với các hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng hiện rất thấp, như lỗi chế biến thực phẩm bẩn chỉ phạt tối đa vài triệu đồng thì không đủ sức răn đe. Trong khi đó, để xử lý được một vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn không hề dễ. Các đối tượng thường chọn khu dân cư vắng vẻ, cổng kín tường cao để bí mật sản xuất vào ban đêm, hoặc việc vận chuyển thực phẩm bẩn thường qua xe khách chất lượng cao, khi bắt được hàng thì không biết chủ là ai để xử lý. Bên cạnh đó, mỗi mẫu xét nghiệm 2 triệu đồng, để kết luận được cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn có vi phạm không ít nhất phải 2 lần lấy mẫu. Lần đầu, mình bí mật lấy mẫu, nếu có vi phạm thì mới tới kiểm tra, lúc đó lấy mẫu lần nữa xét nghiệm để có cơ sở xử lý. Nhưng mỗi lần chờ kết quả mẫu phân tích mất hơn 1 tuần. Nhiều khi lấy mẫu lần 1 xong thì thực phẩm bẩn đã vào bụng người tiêu dùng, lần thứ 2 đến lấy mẫu thì vẫn an toàn. Thậm chí ngay cả việc tiêu hủy thực phẩm bẩn cũng bất cập. Hiện nay mình đem lên bãi rác Khánh Sơn đào hố, rắc chế phẩm sinh học lên, lấp lại, nhưng thực phẩm chưa kịp phân hủy thì một số đối tượng lại lén lút đào lên đem bán.

Còn theo ông Nguyễn Nho Hậu- Phó chi cục QLTT Đà Nẵng, sở dĩ hàng kém chất lượng vẫn tràn ra thị trường vì đang kiểm soát "phần ngọn", vì hàng hóa không được cơ quan đo lường chất lượng kiểm soát để cảnh báo chất lượng cho người dùng, và vì việc tiếp cận nguồn tin, cụ thể là nguồn tin báo về hàng kém chất lượng bán cho QLTT hiện rất hạn chế.

Hải Hậu