Âu lo thực phẩm Tết
Bài 1: Ồ ạt xả hàng kém chất lượng
(Cadn.com.vn) - Những vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ, sử dụng hóa chất bảo quản trong hàng hóa và cả hàng hết đát, hàng nhái, kém chất lượng được phát hiện ngày càng nhiều, khiến người dân luôn trong tâm lý lo lắng. Dịp gần Tết, nỗi lo ấy càng tăng lên khi hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh tràn ra thị trường trước nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến.
CATP Đà Nẵng kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm. |
"Lên đời" hàng quá đát
Gần Tết là thời điểm mà nhu cầu sử dụng các mặt hàng thực phẩm đóng gói như như bánh kẹo, mứt, hạt dưa, hoa quả khô… tăng đột biến. Do đó, các loại hàng hết "đát", hàng nhái, kém chất lượng cũng ồ ạt tràn ra thị trường. Tại nhiều chợ, cửa hàng, các loại bánh mứt, hạt dưa, rau câu, hoa quả sấy khô… được đổ cả thùng ra bày bán mà không rõ nguồn gốc xuất xứ, tên cơ sở sản xuất nhưng vẫn được người dân mua về dùng.
Tuy nhiên, cũng có không ít người vì lo lắng cho sức khỏe nên đã tự mua nguyên liệu về chế biến, phục vụ cho gia đình dịp Tết. Chị Huyền Trân (33 tuổi, ở chung cư đường Duy Tân, Đà Nẵng) chia sẻ: "Tôi nghe nói có trường hợp hạt dưa phải dùng hóa chất để tạo màu, tạo bóng, chống bị mốc, nếu ăn vào sẽ tích tụ trong người, rất nguy hại cho sức khỏe. Còn mứt thì chế biến trong các khu vực mất vệ sinh rồi dùng hóa chất tẩy trắng muốt. Chúng được đổ cả thùng ra bày bán, ai mua thì cân lên, nói chung ăn vào sẽ rất lo lắng. Vì vậy, tôi tự đi mua nguyên liệu về làm mứt để Tết gia đình dùng cho yên tâm".
Lo ngại của chị Trân không phải thiếu cơ sở khi mà vào dịp cận Tết Nguyên đán, hàng nhái, kém chất lượng ở Đà Nẵng diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là thực phẩm đóng gói như bánh kẹo, đồ hộp. Chỉ tính riêng trong 25 ngày của tháng 1-2016, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng đã xử lý hơn 1.300 vụ/1.500 vụ kiểm tra, phạt hơn 3,4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Nho Hậu- Phó Chi cục trưởng QLTT Đà Nẵng cho biết, một thực trạng đang nổi lên hiện nay ở thị trường Đà Nẵng là các loại hàng hóa tồn kho, hết hạn sử dụng, được các cơ sở kinh doanh gian lận hạn dùng bằng cách đóng hạn dùng mới. Trong hơn 1.300 vụ bị QLTT Đà Nẵng xử lý thì 1.100 vụ liên quan tới nhãn mác. Cụ thể, sản phẩm không ghi nhãn mác hàng hóa, ghi thiếu tiêu chí trên nhãn như nơi sản xuất, địa chỉ doanh nghiệp, gian lận hạn sử dụng. "Việc gian lận như vậy rõ ràng không đảm bảo về chất lượng, độ an toàn. Bởi nếu là hàng hóa chất lượng thì ngại gì không để tên cơ sở sản xuất, địa chỉ, thời hạn sử dụng", ông Hậu nói.
Cơ sở giết mổ heo không hợp vệ sinh bị Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng xử lý. |
Thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường
Đã thành quy luật, khi lượng hàng kém chất lượng được xả ra thị trường nhiều thì số vụ bị ngành chức năng xử lý cũng tăng lên. Hàng loạt vụ kinh doanh, vận chuyển hàng kém chất lượng trong thời gian qua tại Đà Nẵng đã bị các ngành chức năng xử lý. Trong đó, nổi bật là các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết như rượu, sản phẩm động vật, phụ gia… Nổi bật như ngày 13-1, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Đà Nẵng đã kiểm tra, phát hiện 66 chai rượu ngoại chủ yếu mang nhãn hiệu Chivas không rõ nguồn gốc, dán tem giả tại cửa hành kinh doanh ở số 66-Hùng Vương. Trước đó, QLTT Đà Nẵng bắt 14 thùng đựng 252 chai rượu nhãn hiệu Ballantines không có hóa đơn chứng từ, tem nhập khẩu dán trên vỏ chai tại vỉa hè trước nhà số 118 đường 3/2.
Tuy nhiên, điều đáng lo hơn nằm ở các loại rượu chế biến thủ công, nhỏ lẻ theo hộ gia đình có giá siêu rẻ, tràn ngập thị trường hiện nay. Loại rượu này không xuất xứ, nhãn hiệu, không có cơ quan nào kiểm soát được chất lượng. Đà Nẵng hiện có 1.300 cơ sở nấu rượu thủ công, giá mỗi lít rượu chỉ khoảng 10 ngàn đồng, chỉ cần dựa vào giá bán siêu rẻ như thế cũng đủ biết chất lượng đến đâu. Ông Nguyễn Nho Hậu nói, các cơ sở nấu rượu thủ công này quy mô quá nhỏ, len lỏi trong các khu dân cư, không ai biết cụ thể chỗ nào để kiểm soát chất lượng. Chỉ khi nào dùng rượu này dẫn đến ngộ độc thực phẩm mới truy ra được nó sản xuất ở đâu. Đây là thực trạng rất lo ngại khi dịp Tết nhu cầu dùng rượu cao, trong khi không phải ai cũng có tiền để mua rượu ngoại, rượu có thương hiệu.
Bên cạnh đó, các sản phẩm động vật như chân trâu, bò, nội tạng hôi thối; phụ gia thực phẩm bẩn như tương ớt, tóp mỡ… cũng ồ ạt "tấn công" thị trường Đà Nẵng dịp Tết. Thượng tá Đặng Hữu Quế - Phó trưởng phòng CS Môi trường CATP Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa tiến hành xử lý một số vụ mất an toàn thực phẩm trong các mặt hàng chả cá, chả bò trên đường Trần Cao Vân; xử lý 2 cơ sở chế biến mỡ bẩn tại Liên Chiểu, xử lý 2 vụ kinh doanh nội tạng heo bẩn, một số vụ chân trâu, bò hôi thối… Đơn cử ngày 28-12-2015, lực lượng CS Môi trường đã tịch thu 13 thùng chở hơn 300kg nội tạng heo bốc mùi hôi thối do Nguyễn Quốc Huy (1984) điều khiển ô-tô BKS 43S - 7422 đưa vào Quảng Nam tiêu thụ; tịch thu 400kg chân trâu, bò bốc mùi hôi thối trên ô-tô BKS 43X - 5315 do tài xế Võ Đình Tân điều khiển. Toàn bộ số thực phẩm bẩn này đã được đem tiêu hủy. Trước đó không lâu, CS Môi trường đã phát hiện 600kg tương ớt chế biến để ngoài trời bốc mùi ẩm mốc tại cơ sở tương ớt của bà Đoàn Thị Hồng (1977, trú tổ 142, P.Hòa Minh, Q. Liên Chiểu). Cùng thời điểm trên, CS Môi trường đã kiểm tra cơ sở chế biến mỡ heo của ông Phạm Viết Huy (1953) tại tổ 16, P. Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ, thu giữ một lượng lớn mỡ bẩn đem tiêu hủy.
Theo Chi cục chăn nuôi và thú y Đà Nẵng, trong đợt kiểm soát chất lượng thực phẩm dịp Tết, Chi cục kiểm tra 17 lượt, xử phạt vi phạm 33 trường hợp, tổng số 52 triệu đồng. Trong đó, lỗi chủ yếu là vận chuyển động vật không có giấy kiểm dịch từ Quảng Nam ra, giết mổ động vật trái phép, kinh doanh sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát, tem vệ sinh thú y.
Có thể thấy, liên tiếp các vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng được phanh phui tại Đà Nẵng dịp Tết đã khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi, trong thực tế còn không ít vụ sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng vẫn lén lút tuồn ra thị trường mà chưa bị xử lý.
Hải Hậu
(Còn nữa)