Ầu ơi tiếng Việt

Thứ ba, 02/11/2021 16:54

Tiếng Việt. Tiếng nước tôi. Tiếng mẹ ru. Tiếng lòng tôi… Tiếng nói mà mỗi người con dân Việt nặng lòng với hồn dân tộc đều muốn tin rằng, nó là thứ tiếng đẹp nhất, trong sáng nhất, phong phú nhất, thiêng liêng nhất không những luôn thức gợi mà còn biết nở sáng trong âm nhạc của nhạc sĩ Đình Nghĩ. Ca khúc Ầu ơi tiếng Việt có nỗi dùng dằng, lay thức rất riêng về tiếng mẹ đẻ, cũng là nguồn cội dân tộc.

Nhạc sĩ Đình Nghĩ (bên trái) và tác giả bài viết.

 Ầu ơi tiếng Việt được Đình Nghĩ viết theo hình thức hai đoạn đơn cộng thêm phần coda ở đoạn kết mang tính chất phức điệu hai bè cách quãng dâng cao rồi kết thúc mạnh mẽ. Giai điệu của ca khúc Ầu ơi tiếng Việt hoàn toàn dựa trên nền âm nhạc ngũ cung. Cụ thể ở đây là bài Nước non ngàn dặm ra đi điệu Nam Ai - Nam Bằng trong Nhã nhạc Cung đình Huế.

Mở đầu Ầu ơi tiếng Việt là cái nhìn nghệ thuật của thi ca và âm nhạc: "Yêu câu ca dao thương tiếng nước tôi dập dồi mơ đêm xanh mờ". Sự khởi đó chính là cái cớ, cái giăng mắc, cái ru rín yêu thương để hình bóng người mẹ trở về đậm rõ trong nỗi nhớ người con, cho thấy nỗi thương khó bời bời của mẹ: "Đời mẹ nhọc nhằn giữa dòng sông trắng thuyền ngược xuôi chở buồn vui".

Thăm thẳm hồi tìm hình bóng mẹ, âm nhạc vì thế giàu nỗi yêu thương, nặng chất hồi cố, xa cũ, bâng khuâng: "Yêu câu ca dao thương tiếng nước tôi mùa nổi trôi long đong chờ/ Lời mẹ ngọt mềm đợi hoàng hôn tím ngược chiều say đàn cò bay".

Tìm vọng bóng hình mẹ, với nhiều thổn thức yêu thương, nhưng nhạc sĩ Đình Nghĩ không muốn dừng lại trong niềm hoài cổ. Vì thế, khi chuyển sang đoạn nhạc hai, biên độ xúc cảm được mở rộng, nét nhạc sáng rõ hơn, ánh xạ một bức tranh quê hương nhiều cung điệu về làng xưa, biển sóng, nương đồi, chân đê, gió bấc, câu ca cổ: "Tiếng Việt rung rinh con tim mặt trời soi nghiêng chớp vắng chắn sóng cùng về/ Tiếng Việt rêu phong Nam Ai - Nam Bằng thanh âm ríu rít quấn quýt đưa nôi/ Tiếng Việt sao Hôm - sao Mai bên trời trăng rơi suối mát ngút ngát nương đồi/ Tiếng Việt trên hai vai sương vơi đầy heo may gió bấc lất phất chân đê".

Phải là người yêu quý tiếng mẹ đẻ, trách nhiệm với tiếng nói dân tộc, Đình Nghĩ mới viết được những câu nhạc đẹp như thế, mới đưa tiếng Việt thoát khỏi phạm trù ngôn ngữ học thông thường, nghĩa là phương tiện dùng trong việc giao tiếp, để trở thành linh hồn dân tộc như học giả Phạm Quỳnh đã đúc kết: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn". Một xác tín mang tầm phổ quát đã nói lên tầm vóc trí tuệ của học giả Phạm Quỳnh từ cảm quan triết học về mối quan hệ giữa kiệt tác nghệ thuật ngôn từ với tiếng nói dân tộc và văn hóa dân tộc. Ở ca khúc Ầu ơi tiếng Việt, một lần nữa nhạc sĩ Đình Nghĩ khẳng định lại, tiếng nước tôi chính là linh hồn dân tộc tôi: "Thiêng liêng thiêng liêng tiếng nước tôi mẹ ầu ơi linh hồn người Việt/ Thiêng liêng thiêng liêng tiếng nước tôi linh hồn người Việt/ Thiêng liêng thiêng liêng tiếng nước tôi linh hồn người Việt".

Mẹ, tiếng nói quê xứ, không chỉ dưỡng nuôi, chở che những đứa con sở tại, còn là nơi sẻ chia, cầm níu, neo đậu nỗi nhớ quắt quay của những người con xa xứ: "Đi muôn phương mang bao thứ tiếng quê hương/ Thiêng liêng thiêng liêng tiếng nước tôi linh hồn người Việt".    

 Vọng nhớ nguồn cội, gốc rễ mình qua tiếng nói dân tộc, Ầu ơi tiếng Việt đã và sẽ còn gợi thức trong ta một nỗi bâng khuâng, nhẹ nhõm, xen lẫn đắng đẫm trách nhiệm.

TRỊNH CHU