Australia “lao đao” sau lệnh cấm của facebook
Facebook vừa thông báo người dùng tại Australia không thể xem và chia sẻ tin tức của các hãng thông tấn địa phương lẫn quốc tế trên mạng xã hội này. Động thái này khiến một số dịch vụ khẩn cấp của Australia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Facebook tự chặn trang của mình tại Australia. Ảnh: Guardian |
Chỉ trong một đêm, Facebook đã xóa toàn bộ nguồn cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Australia, động thái được xem là phản ứng với kế hoạch của Chính phủ Australia dự kiến thông qua dự luật buộc các nền tảng số phải trả phí cho các hãng tin tức để hiển thị và liên kết nội dung từ họ.
Cụ thể, các nhà xuất bản tin tức của Australia sẽ bị hạn chế đăng tin tức của họ lên Facebook. Trong khi đó, người dùng Facebook ở Australia cũng sẽ không xem được tin bài từ các nhà xuất bản quốc tế. Người dùng Australia cũng không thể xem các bài báo mà người dùng Facebook trên toàn thế giới chia sẻ. Người dùng trên toàn cầu cũng không thể chia sẻ các tin bài của các nhà xuất bản Australia.
Quyết định cấm của Facebook trái ngược hoàn toàn với những gì mà Google đang làm. Trong một thông báo ngày 17-2, Google cho biết họ đã đạt được thỏa thuận chia sẻ doanh thu với News Corp để tiếp tục hiển thị các liên kết tin bài từ công ty này trên các dịch vụ của mình. Google cho biết, họ sẽ tiếp tục cung cấp cho người dùng Australia thông tin chính xác từ danh sách các hãng tin ngày càng tăng của mình. Công ty cũng sẽ hợp tác với hãng tin AFP và AP của Australia nhằm tìm kiếm những thỏa thuận chia sẻ doanh thu tương tự.
Dịch vụ khẩn cấp bị ảnh hưởng
Các trang chia sẻ nội dung về dịch vụ cứu hỏa, y tế và khí tượng của Australia trên nền tảng Facebook bị cản trở truy cập sau khi Facebook ban hành lệnh cấm về chia sẻ nội dung tin tức. Một số dịch vụ khẩn cấp của Australia đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt các trang đưa thông tin về đại dịch Covid-19, cháy rừng hay lốc xoáy. Trong thông báo, Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley khẳng định trang thông tin của Cơ quan khí tượng thủy văn đã bị ảnh hưởng từ quy định này. Tuy nhiên, thay vì vào Facebook, ông Ley kêu gọi người dân truy cập trang chủ.
Trong hoàn cảnh Australia đang chuẩn bị phân phối vaccine Covid-19, các cơ quan y tế tiểu bang cũng gặp bất tiện khi không đăng được bài. Tổ chức y tế St Vincent’s Health ở Melbourne cho biết họ đặc biệt lo ngại khi trang Facebook của mình bị khóa trong khi dịch bệnh đang diễn ra và chuẩn bị phân phối vaccine, vì người dân sẽ cần nguồn thông tin chính thống.
Giáo sư Julie Leask, chuyên gia đến từ Khoa Y học và Sức khỏe Đại học Sydney, nhận định tác động của việc cấm đoán này còn kinh khủng hơn xét tới tình hình Covid-19 hiện nay. “Thời điểm không thể tồi tệ hơn. Facebook kiểm duyệt nội dung vào thời điểm này đồng nghĩa với cấm người dùng tiếp cận tin tức địa phương trước đợt tiêm vaccine. Ba ngày trước khi tiến hành tiêm vaccine Covid-19, người dân Australia sử dụng Facebook làm nguồn tin chính đã không còn được tiếp cận thông tin đáng tin cậy về vaccine từ các tổ chức tin tức, cơ quan chính phủ, y tế. Đây phải là lúc người dùng được tiếp cận thông tin vaccine một cách dễ dàng”, ông Leask cho biết.
Bộ trưởng y tế Australia Greg Hunt nói ông “sốc” khi các tổ chức y tế, bao gồm các tổ chức về ung thư như Bowel Cancer Australia và Kids Cancer Project cũng bị ảnh hưởng. “Facebook nên sửa chữa điều này ngay”, ông nói. Ông Mark Butler, một quan chức y tế khác, cho rằng đây là hành động “hoàn toàn vô trách nhiệm” của Facebook.
Kêu gọi tẩy chay
Động thái của Facebook khiến nhiều người kêu gọi tẩy chay công ty của Mark Zuckerberg. Họ chỉ trích quyết định này không khác gì hành vi bắt nạt, được thiết kế để trừng phạt người dùng Australia. Ngay sau khi Facebook công bố quyết định, các trang tin tức, phóng viên, tổ chức và độc giả Australia… bày tỏ sự phẫn nộ của mình.
Cùng ngày, Chính phủ Australia tuyên bố Facebook đã xử lý “quá mạnh tay” và “không cần thiết”. Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg đã chỉ trích rằng Facebook “sai lầm” khi ngăn chặn chia sẻ tin tức trên các trang thông tin. Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết, Facebook không hề báo trước với chính phủ về quyết định của mình. Trả lời trước báo chí, ông tỏ ra giận dữ và khẳng định: “Facebook đã sai. Hành động của Facebook không cần thiết. Họ sẽ làm tổn hại uy tín của mình tại Australia”.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 18-2 tuyên bố lệnh cấm chia sẻ tin tức của Facebook thể hiện sự “kiêu ngạo” và ông sẽ không bị đe dọa bởi “sự bắt nạt” của nền tảng truyền thông xã hội này. Trong một tuyên bố, ông Morrison cho rằng: “Hành động hủy kết bạn với Australia của Facebook ngày hôm nay, cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp, là một sự ngạo mạn và đáng thất vọng”.
Ông nhấn mạnh Australia sẽ không bị đe dọa bởi sự bắt nạt của gã khổng lồ công nghệ truyền thông và đây là hành động gây áp lực với Quốc hội khi các nghị sĩ bỏ phiếu về Bộ luật truyền thông quan trọng. Thủ tướng Morrison cho hay ông thường xuyên liên lạc với các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác về những vấn đề liên quan và khẳng định các quốc gia sẽ không bị đe dọa. Ông kêu gọi Facebook làm việc một cách tích cực với Chính phủ Australia, giống như Google gần đây đã thể hiện một cách thiện chí.
Phản ứng trước tình hình trên, Mỹ kêu gọi Chính phủ Australia hủy bỏ dự luật. Trong thông báo mới nhất, trợ lý đại diện thương mại Mỹ Daniel Bahar và Karl Ehlers đã kêu gọi Australia nghiên cứu thêm về thị trường công nghệ số và phát triển các quy tắc tự nguyện. Thông báo nhấn mạnh Mỹ “lo ngại” những nỗ lực cạnh tranh giữa các công ty công nghệ được luật pháp Australia thông qua có thể dẫn đến những hệ quả tiêu cực.
AN BÌNH