B1 - Hồng Phước - tri ân ngày gặp mặt

Thứ hai, 16/03/2015 12:00

(Cadn.com.vn) - Những cái bắt tay thật chặt, những vòng tay ôm run rẩy, luýnh quýnh, những giọt nước mắt ngập tràn hạnh phúc trong ngày gặp mặt của những người từng gắn bó với căn cứ cách mạng B1- Hồng Phước (P.Hòa Khánh Bắc- Liên Chiểu, Đà Nẵng) khiến  không khí buổi gặp mặt thêm ấm cúng, xúc động! Sau 40 năm thành phố giải phóng, đây là lần đầu tiên họ được gặp lại nhau đầy đủ nhất. Có thể nói, buổi gặp mặt “CBCS và nhân dân hoạt động tại địa bàn B1-Hồng Phước” sáng14-3 ngay trên mảnh đất Hồng Phước (giờ đã được xây dựng thành khu công nghiệp Hòa Khánh-Hòa Khánh mở rộng...) do UBND P. Hòa Khánh Bắc tổ chức là dịp để thế hệ hôm nay tri ân với đất và người dân Hồng Phước...

Niềm vui ngày gặp mặt trên mảnh đất Hồng Phước kiên trung. Ảnh: P.T

Trên lối vào khu vực lễ đài, tôi bắt gặp một hình ảnh rất xúc động: Cô Phan Thị Hòa (1953), quê Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam)- tham gia hoạt động cách mạng năm 1965, đến 1968 thì được biệt phái về làm giao liên tại B1-Hồng Phước- mừng rỡ ôm chầm lấy bà Lê Thị Nhi (77 tuổi)- nguyên Bí thư Chi bộ A2 Quận Nhì-rưng rưng: “40 năm rồi mới được gặp nhau đầy đủ thế này trên mảnh đất Hồng Phước. Xúc động quá, chị ơi!”. Ôm chặt người giao liên nhỏ nhắn, bà Lê Thị Nhi ân cần hỏi: “Huân, huy chương của em đâu, sao không đeo?”. Lật đật lấy chiếc huy chương trong túi xách, cô Hòa lúng túng đưa cho bà Nhi rồi giải thích: “Nhận thư mời, em vui quá,vội vàng đi nên chưa kịp đeo. Chị đeo cho em với!”. Hai người đang ôn lại kỷ niệm những năm tháng người làm giao liên, người hoạt động bán công khai với những gian nan, hiểm nguy không thể nào kể xiết thì một bà cụ già nua, khắc khổ xuất hiện, ôm lấy bà Nhi khóc: “Chui cha! Lâu quá...!”. Bà cụ tên là Dương Thị Buôn (77 tuổi), quê ở Trường Định, Hòa Liên (Hòa Vang)-nữ giao liên quận Nhì ngày nào. Bà Nhi quay sang nói với tôi: “Nhìn nhỏ con rứa thôi, chứ ngày xưa, bà ấy làm giao liên giỏi lắm nghe. Chỗ mô đi cũng được hết...”.

Trong không khí bồi hồi xúc động ấy, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND P.Hòa Khánh Bắc Đặng Ngọc Nhân ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng kiên trung của quân và dân Hồng Phước- B1. Theo đó, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ngay sát gọng kiềm kiểm soát của địch, nhân dân Hồng Phước (Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn kiên gan bám đất, bám làng, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong những căn hầm bí mật. Giữa vùng căn cứ lõm này, với mật danh B1-Hồng Phước trở thành nơi hoạt động của CBCS quận Nhì Đà Nẵng, là nơi trú quân, tập kết của các đơn vị bộ đội thuộc Tiểu đoàn 489, 487,471 Đặc công...Từ đây, các công văn, chỉ thị, truyền đơn, vũ khí được chuyển vào nội thành phục vụ cho các trận đánh... Hiện Hồng Phước có 3 Bà mẹ VNAH, 23 liệt sĩ, 129 đối tượng chính sách...“...người dân Hòa Khánh nói chung, người dân Hồng Phước nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; trong thời bình, với tinh thần cách mạng cao cả, vẫn sẵn sàng lao vào những công việc khó khăn nhất để xây dựng quê hương Hòa Khánh nói chung, quê hương Hồng Phước nói riêng ngày càng giàu đẹp...”-ông Đặng Ngọc Nhân tự hào khẳng định. 

Từng lăn lộn, gắn bó với nhân dân, với cơ sở Hồng Phước, ôn lại những kỷ niệm vui buồn, gian khổ ác liệt trong những năm tháng mà nhân dân nơi đây đã che chở, lo từng miếng ăn, canh từng bước đi trong đêm tối, ông Phan Văn Tải-nguyên Quận ủy viên, Quận đội phó Quận Nhì từ 1967, phụ trách công tác phong trào phía trước, người gắn bó với Hồng Phước từ năm 1962 cho đến ngày đất nước giải phóng- vừa phát biểu vừa khóc: “...Trong những năm tháng hoạt động tại địa bàn B1–Hồng Phước, chúng tôi đã được nhân dân, cơ sở cách mạng che chở, đùm bọc. Địa bàn Hồng Phước ngày ấy chỉ vỏn vẹn 65 hộ dân nhưng hơn 80% là cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Quận Nhì Đà Nẵng và các đơn vị khác. Mảnh đất dài hơn 1 cây số, rộng khoảng 1 ngàn mét nhưng lại có 46 hầm bí mật che chở cán bộ... Có thể nói rằng nhân dân B1-Hồng Phước đã đóng góp một phần xứng đáng cho công cuộc kháng chiến, cho sự nghiệp cách mạng...Hình ảnh các mẹ, các chị trong đêm đậy nắp hầm, các anh chị du kích bám địch để chúng tôi đi, hình ảnh những ngọn dầu thắp sáng khi không có địch báo hiệu cho chúng tôi vào làng..., sẽ không bao giờ xóa mờ trong ký ức chúng tôi...”. Có mặt tại buổi gặp mặt, AHLLVT Hồ Phúc Ngôn, cũng là người con Hồng Phước, gắn bó với vùng đất này cùng những chiến công vang dội năm nào, bùi ngùi, xúc động: “Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Hồng Phước trung kiên, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ CBCS... Tôi lấy làm xúc động về sáng kiến tổ chức cuộc gặp mặt này. Tuy có muộn nhưng tổ chức được như thế này cũng là quý lắm rồi...!”. AHLLVT Hồ Phúc Ngôn cho biết thêm, lẽ ra Hồng Phước phải được công nhận anh hùng, nhưng do vì chỉ là một thôn nên không được công nhận...

Ông Đặng Ngọc Nhân cho biết, năm 2014, Quận ủy, UBND Q.Liên Chiểu đã làm tờ trình xin chủ trương TP cho xây dựng tại khu vực này một khu tưởng niệm Di tích lịch sử cách mạng B1-Hồng Phước và công nhận khu căn cứ B1-Hồng Phước là khu di tích lịch sử cấp thành phố. Nghĩ về viễn cảnh tương lai, ông Đặng Ngọc Nhân nói: “Nếu trong chiến tranh, Hồng Phước đã có những ngọn đèn đứng gác góp phần làm nên những chiến công lẫy lừng của quê hương, đất nước thì Khu tưởng niệm di tích lịch sử cách mạng B1- Hồng Phước trong tương lai sẽ là ngọn đèn với ánh lửa tiếp tục rực cháy, không bao giờ tắt của các thế hệ mai sau”.

Khi ca sĩ, nhạc sĩ Phương Tài cất tiếng hát bài hát “Hồng Phước trong tôi” do chính ông sáng tác: “Ơi Hồng Phước/ đây mảnh đất kiên trung/ tự hào trong tôi nơi chiếc nôi cách mạng/cát trắng mênh mông xung quanh đồn giặc/truyền thống đấu tranh tấc đất không rời/mẹ đào hầm nuôi giấu chở che/thắp ngọn đèn dầu thâu đêm đứng gác/ báo hiệu hiểm nguy yêu thương đùm bọc/đời mẹ khát khao, khao khát hòa bình/bộ đội chúng con nhớ mãi ơn Người/.../Hồng Phước trong tôi mãi mãi tự hào...”, hội trường vỗ tay rào rào. Trong dòng cảm xúc bồi hồi ấy, tôi chợt nghĩ, không cần phải có huân huy chương, trong lòng nhân dân Hòa Khánh nói riêng, Liên Chiểu và Đà Nẵng nói chung, mảnh đất, con người Hồng Phước đã xứng danh anh hùng rồi...

Ghi chép: P.Thủy