Ba mẹ giao xe cho con dưới 18 tuổi điều khiển bị xử lý như thế nào?
*Bạn đọc hỏi: Anh Nguyễn Văn V., trú tại TP Đà Nẵng hỏi: Tôi giao xe máy Sh 125i của tôi cho con gái tôi 17 tuổi sử dụng. Trong quá trình di chuyển, con gái tôi gây tai nạn cho người đi bộ, thương tích được giám định là 65%. Tôi muốn hỏi, trong trường hợp này, con gái tôi sẽ bị xử lý như thế nào theo pháp luật? Ngoài ra, tôi có phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến việc giao xe cho con khi không đủ điều kiện không?
* Luật sư Trương Đức Trung - Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư Phong & Partners tại Quảng Nam, trả lời:
Hiện nay, không ít bậc phụ huynh do thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật hoặc vì sự tin tưởng thái quá vào khả năng của con cái, đã giao phương tiện giao thông cho con chưa đủ điều kiện điều khiển, như chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe. Hành động này không chỉ vi phạm các quy định về an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tai nạn nghiêm trọng và kéo theo những hậu quả pháp lý mà nhiều gia đình không lường trước được, giống như trong trường hợp anh V. giao xe SH 125i cho con gái chưa đủ điều kiện điều khiển. Vụ việc anh Nguyễn Văn V. giao xe máy SH 125i cho con gái 17 tuổi điều khiển gây tai nạn với tỷ lệ thương tích của nạn nhân là 65% đặt ra nhiều vấn đề pháp lý nghiêm trọng.
Thứ nhất, lỗi trong việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định về việc giao xe cho người dưới 18 tuổi điều khiển như sau:
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật;
7. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.
Điều 34. Phân loại phương tiện giao thông đường bộ
Xe cơ giới bao gồm:
g) Xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h; nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50 cm3; nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 4 kW; xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy;
Điều 59. Tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
Như vậy, pháp luật cho phép người từ đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy với dung tích xi-lanh không lớn hơn 50 cm3. Tuy nhiên, anh V. lại giao cho con gái điều khiển xe máy SH 125i, theo công bố của hãng, loại xe máy này có động cơ xi-lanh dung tích 124,8 phân khối. Theo quy định tại Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 phải có giấy phép lái xe hạng A1. Do đó, việc con gái anh V. mới chỉ 17 tuổi, không đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe hạng A1 để điều khiển xe máy Sh 125i theo quy định pháp luật.
Điều khiển xe khi không đủ điều kiện và giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển là những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1, 7 Điều 9 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024. Tùy vào mức độ hậu quả của hành vi này mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, chịu trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Thứ hai, hậu quả pháp lý đối với người gây tai nạn
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm, trừ một số tội có quy định ngoại lệ đối với trường hợp người phạm tội từ đủ 18 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc người dưới 16 tuổi vi phạm một trong các tội được quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015. Đối với hành vi tham gia giao thông gây tai nạn với thương tích 65%, con gái anh V. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức xử phạt quy định tại khoản này có thể là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm.
Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, pháp luật hình sự hiện nay quy định mức tối đa phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ là không quá 1/2 so với mức phạt mà điều luật quy định; đối với hình phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt tối đa không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội. Đồng thời, trong quá trình lượng hình, Hội đồng xét xử cũng sẽ cân nhắc, đánh giá tính chất của hành vi phạm tội, nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt tương xứng đối người phạm tội.
Thứ ba, trách nhiệm pháp lý của cha mẹ
Khoản 1, Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Theo điểm a, khoản 1, Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, chủ sở hữu phương tiện mà giao phương tiện cho người không có giấy phép lái xe hoặc không đủ điều kiện điều khiển sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Cụ thể, anh V., chủ sở hữu xe SH 125i - đã giao xe cho con gái khi cô chưa đủ điều kiện điều khiển, dẫn đến tai nạn khiến nạn nhân bị thương tích 65%. Vì vậy, anh V. có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm a, khoản 1 Điều 264 Bộ luật Hình sư 2015 với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Ngoài ra, trường hợp hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển của anh V. nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, thì anh V. sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính theo khoản 10, Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ với mức phạt từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, trong trường hợp này, anh V. và vợ còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn. Căn cứ vào khoản 2, Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”. Nếu con gái anh V. gây thiệt hại mà không có khả năng bồi thường thì anh V. và vợ sẽ có trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại đó cho nạn nhân. Việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường cũng được xem là một trong những căn cứ để xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong tình huống này, anh V. có thể mời Luật sư tham gia bào chữa để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình. Luật sư sẽ giúp con gái anh V., anh V. có được sự hỗ trợ pháp lý chuyên sâu trong quá trình làm việc với cơ quan có thẩm quyền và các cá nhân, tổ chức liên quan. Đồng thời, vụ việc của gia đình anh V. cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu lơ là, buông lỏng trong việc quản lý con em khi tham gia giao thông. Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là nền tảng để xây dựng một môi trường sống an toàn, văn minh cho tất cả mọi người.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425