Bác Hồ trong lòng người Cơ Tu
Trên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, nơi đại ngàn xanh thẳm trải dài bất tận, người Cơ Tu vẫn luôn gìn giữ cho mình một tình cảm đặc biệt thiêng liêng: Lòng biết ơn vô hạn và sự tôn kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một nghi thức tâm linh và văn hóa cao nhất
Trong tâm thức của bà con các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Cơ Tu nói riêng, Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là người Cha già nhân ái, là già làng lớn của bản làng Việt Nam. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Bru - Vân Kiều, và cả một số cộng đồng Mường, Thái ở vùng Nghệ An, Thanh Hóa còn tự nguyện lấy họ Hồ (Hồ Chí Minh là bí danh cách mạng từ năm 1941, có nghĩa là: "Người họ Hồ mang chí sáng”) để làm họ của chính mình.
Việc mang họ Hồ không đơn thuần là sự đổi họ, mà là lời thề son sắt đời đời nhớ ơn Bác, khắc ghi công lao Người đã mang lại độc lập, ấm no, ánh sáng tri thức và quyền làm chủ cho đồng bào vùng cao.
Trong nếp nhà Gươl được dựng giữa làng, ông Hồ Văn Lênh, trú xã TrHy, Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, trong văn hóa Cơ Tu, họ tộc là cội nguồn linh thiêng nhất, là đại diện cho gốc gác, tổ tiên, dòng giống của một người. Việc đổi họ hay thêm họ mới là một quyết định cực kỳ hệ trọng, không bao giờ làm qua loa nếu không có lý do thực sự thiêng liêng. Người Cơ Tu coi Bác Hồ như người cha, người già làng lớn nhất của cả dân tộc. Bác không chỉ mang lại độc lập cho đất nước mà còn mang đến cái chữ, cái ăn, cái mặc, con đường đi tới cuộc sống no đủ cho đồng bào vùng cao vốn bao đời nghèo khó, cách biệt với xuôi. Xuất phát từ lòng biết ơn sâu sắc và sự kính trọng tuyệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, hàng nghìn hộ dân Cơ Tu ở trên dãy Trường Sơn đã tự nguyện lấy họ Hồ của Bác làm họ của mình.
Bằng việc lấy họ Hồ, họ coi Bác như một bậc tổ tiên tinh thần, nhận Bác vào trong chính họ tộc của mình, để đời đời nhắc nhớ công lao, như một lời thề: “Dù thế nào đi nữa, con cháu người dân Cơ Tu cũng không bao giờ được quên ơn Bác Hồ”. Và cứ mỗi dịp lễ hội, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, người Cơ Tu lại quây quần dưới mái nhà Gươl, dâng hoa, dâng hương trước ảnh Bác, kể lại cho con cháu nghe về công lao của Người. Đó là cách đồng bào nhắc nhở nhau sống tốt, làm ăn giỏi, xây dựng bản làng vững mạnh để xứng đáng với Bác Hồ. Mâm lễ cúng tuy đơn sơ nhưng đậm đà bản sắc: nải chuối rừng chín vàng, đĩa xôi nếp nương, vài bông hoa rừng tươi thắm. Cả nhà ngồi quây quần, kể cho con cháu nghe chuyện Bác Hồ, nhắc nhớ về những ngày gian khó mà Bác cùng cách mạng đã giúp đồng bào vùng cao đứng dậy làm chủ quê hương.
Hiện tại, chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng người dân tộc Cơ Tu tại Quảng Nam mang họ Hồ. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, việc người Cơ Tu và các dân tộc thiểu số khác ở Quảng Nam mang họ Hồ là một truyền thống thể hiện lòng kính trọng và biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Truyền thống ấy đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam. Hay nói một cách khác hơn, mang họ Hồ là một nghi thức tâm linh và văn hóa cao nhất để bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng.
Bác Hồ trong trái tim đồng bào Cơ Tu
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, già làng Alăng Đàn, trú thôn A Rớt, xã A Nông, huyện Tây Giang (năm nay đã hơn tám mươi tuổi - P.V), cẩn trọng lau chùi khung ảnh Bác như lau một báu vật. Giọng già trầm ấm, chậm rãi cho biết, ngay từ những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người Cơ Tu ở Quảng Nam đã sớm nghe danh và đi theo cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Bác Hồ. Khi nghe tin Bác mất bà con tự nguyện lập bàn thờ, treo ảnh Bác trong nhà. “Người Cơ Tu mình thờ Bác không phải chỉ để ngắm đâu con ạ. Thờ Bác là để đời đời nhớ công ơn Bác. Nhờ có Bác, người Cơ Tu mới biết chữ, mới biết làm ăn, mới có đường sá, trường học như bây giờ” - già làng Alăng Đàn bộc bạch.

Không chỉ thờ Bác hay mang họ Bác, người Cơ Tu còn noi gương Bác trong cách sống giản dị, đoàn kết và chăm chỉ làm ăn, là ngọn lửa soi đường cho hiện tại và tương lai. Tại các bản làng, phong trào xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc đang lan rộng. Những mô hình như trồng rừng gỗ lớn, làm du lịch cộng đồng, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm… ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống. Đồng thời, bà con luôn sát cánh cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tình quân dân gắn bó keo sơn, góp phần giữ gìn sự bình yên cho từng thôn bản, từng cột mốc nơi biên cương của Tổ quốc.
Với người Cơ Tu, Bác Hồ mãi là người Cha già kính yêu, là ánh sáng soi đường để mỗi bản làng tiếp tục vững bước trên hành trình đổi mới hôm nay.
Anh Minh
Dòng sự kiện:KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC
Doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia xúc tiến thương mại tại Lào
Thiêng liêng Lễ Chào cờ và bay Đại Kỳ Tổ quốc nhân kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác
Đà Nẵng đầu tư hơn 164 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp và mở rộng 3 trường học
Lan tỏa mạnh mẽ việc học tập và làm theo Bác Hồ
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam vinh dự đón nhận Huân chương chiến công hạng Nhì