(Cadn.com.vn) - Sau hơn một thập kỷ sống trong hòa bình, ổn định chính trị và phát triển thịnh vượng, giờ đây, vùng đất Bắc Ireland đang dậy sóng khi phải đương đầu với những thách thức, những cuộc tấn công khủng bố mới, quy mô lớn hơn kể từ năm 1998.
Bạo lực bùng phát
Ngày 7-3 vừa qua, người dân Bắc Ireland bàng hoàng và lo sợ khi nghe tin về vụ bắn giết kinh hoàng nhất trong một thập kỷ qua xảy ra tại doanh trại quân đội Massereene, thuộc Hạt Antrim, miền bắc Belfast khiến 2 binh sĩ Anh thiệt mạng, 4 người khác bị thương nặng. Đối với họ, vụ bắn giết này dường như đã mở đường cho bọn tội phạm khủng bố quay trở lại hoành hành sau nhiều năm vắng bóng. CNN dẫn lời cảnh sát cho biết, các tay súng đã nã súng vào cổng chính của doanh trại quân đội Massereene khi một nhóm binh sĩ và nhân viên trong doanh trại đang nhận bánh pizza chuyển đến. Những kẻ tấn công đã đi theo xe của người đưa bánh, bắn vào các binh sĩ từ một chiếc xe chạy ngang qua doanh trại, rồi bỏ đi. Theo CNN, bọn khủng bố đã quyết giết cho bằng được các binh sĩ. Chúng đã nã súng liên tiếp vào họ. Song, dường như chưa an tâm, chúng lại tiếp tục bắn thêm một loạt đạn khác và tiến đến gần nạn nhân khi đó đã ngã gục xuống đất, và lạnh lùng xả súng tiếp. Đây là vụ gây thương vong lớn nhất cho quân đội Anh ở Bắc Ireland kể từ sau vụ một lính Anh bị bắn chết hồi năm 1997.
Lực lượng Quân đội Cộng hòa Ireland đích thực (Real IRA) đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công này. Theo AFP, một người đàn ông tự nhận là thành viên Real IRA đã gọi điện tới tòa soạn Báo Sunday Tribune của Ireland nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, bọn chúng vẫn tuyên bố không xin lỗi vì đã tấn công vào các binh sĩ. Tổ chức Real IRA nhóm tách ra từ tổ chức bán quân sự Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) hồi năm 1997 để phản đối vai trò của Sinn Fein, cánh chính trị của IRA, trong tiến trình khôi phục hòa bình ở Bắc Ireland. Nhóm này từng gây ra vụ tấn công đẫm máu nhất tại thị trấn Omagh thuộc hạt Tyrone ở Bắc Ireland vào năm 1998 làm 29 người thiệt mạng. Real IRA cũng đã đứng ra nhận trách nhiệm đối với nhiều vụ tấn công khác tại các thành phố lớn của Anh là London và Birmingham.
Trong khi cảnh sát đang khẩn trương truy lùng 3 kẻ tình nghi liên quan đến vụ tấn công này, bao gồm 2 tay súng, một tài xế, đêm 9-3, một sĩ quan cảnh sát Bắc Ireland cũng đã bị những kẻ tấn công thuộc Real IRA bắn chết khi đang làm nhiệm vụ tại Hạt Armagh, thuộc Craigavon, một trị trấn miền tây nam Belfast. Nạn nhân là sĩ quan Stephen Paul Carroll (48 tuổi) đã có gia đình và 2 con, sống tại Banbridge, hạt Down, với thâm niên 23 năm trong ngành. Anh là một trong số 4 cảnh sát đi trên 2 chiếc xe tuần tra đến giải quyết vụ việc theo điện thoại cầu cứu của một phụ nữ qua đường. Tuy nhiên, ngay khi bước ra khỏi xe, họ đã bị các tay súng bắn liên tiếp vào người. Pall Carroll đã trúng đạn và chết ngay lập tức. Hiện, cảnh sát vẫn đang tích cực truy lùng 2 tay súng, 17 tuổi và 37 tuổi, đã thực hiện vụ tấn công này.
 |
Cảnh sát kiểm tra hiện trường vụ sĩ quan cảnh sát bị bắn chết. Ảnh: AFP |
Thỏa thuận Belfast
Bắc Ireland thường xuyên phải gánh chịu những cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo đẫm máu giữa những người theo đạo Tin Lành Thiên Chúa o trong hơn 30 năm qua. Họ thường xuyên lăng mạ và tấn công lẫn nhau nhằm phân định ranh giới và sự tôn quý giữa 2 dòng tôn giáo này. Trong khi những người Tin Lành dòng Orange thường tổ chức tuần hành để kỷ niệm việc thủ lĩnh William của họ đánh bại Nhà vua James II của người Thiên Chúa giáo trong một trận chiến vào thế kỷ thứ XVII thì người Thiên Chúa giáo coi các cuộc tuần hành này là một sự sỉ nhục. Từ hàng chục năm nay, những người Thiên Chúa giáo theo đường lối cứng rắn, đứng đầu là IRA, kịch liệt phản đối các cuộc tuần hành đi qua lãnh địa của người Thiên Chúa giáo. Những người theo đạo Tin LÀNH tỏ ý ủng hộ Bắc Ireland sáp nhập Anh, trong khi những người Thiên Chúa giáo muốn Bắc Ireland hợp nhất với nước Cộng hòa Ireland. Những cuộc xung đột này khiến cho tình hình chính trị ở Bắc Ireland tiếp tục căng thẳng và đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.500 người cho đến khi cả hai ký kết Thỏa thuận Belfast, hay còn gọi là Thỏa thuận "Ngày thứ sáu tốt lành" vào năm 1998.
Từ khi Thỏa thuận Belfast được ký kết, tình hình chính trị Bắc Ireland đã có những bước phát triển. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, quốc gia nhỏ bé này lại bắt đầu nổi lên những quan điểm bất đồng chính trị nguy hiểm. Chỉ một tuần trước vụ tấn công, Cơ quan TÌNH báo Anh (MI5) đã gia tăng cảnh báo về mối bất hòa giữa chính quyền và phe Cộng hòa. Đỉnh điểm của những bất hòa này được cho là 2 cuộc tấn công chết người vừa qua. Nhiều người lo ngại 2 vụ tấn công mới này có thể châm ngòi cho làn sóng bạo động mới, làm dấy lên những lo ngại nguy cơ bạo lực có thể bùng phát trở lại ở Bắc Ireland, đe dọa tiến trình hòa bình ở nước này. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị Bắc Ireland tuyên bố: bất chấp những mưu toan của bọn khủng bố với những cuộc tấn công vừa qua, tiến trình hòa bình tại nước này cũng không thể đổ vỡ, các nhóm chủng tộc và tôn giáo đối lập cũng sẽ tránh được việc quay trở lại với "những ngày đen tối" của 10 năm trước.
Thủ tướng Anh Gordon Brown đã lên án các vụ tấn công vừa qua và cho rằng, "những kẻ giết người đang nỗ lực xuyên tạc, phá hủy tiến trình chính trị mà người dân Bắc Ireland đã bao năm vun đắp". Song, ông cũng khẳng định: "Không có kẻ giết người nào có thể phá vỡ tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland". Trong khi đó, các bộ trưởng Anh và Bắc Ireland đã tổ chức một cuộc họp nội các khẩn cấp nhằm bàn về tình hình xung đột gia tăng với cam kết, những kẻ bất đồng quan điểm sẽ "không có quyền phá hoại tiến trình hòa bình theo thỏa thuận Belfast tại nước này".
Thanh Văn