Bắc Kinh vừa gây hấn vừa rêu rao về hòa bình

Chủ nhật, 22/06/2014 23:25

(Cadn.com.vn) - Bất chấp sự thật là đang gây hấn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, khiến cả thế giới lo ngại, giới cầm quyền Bắc Kinh tiếp tục đưa ra những tuyên bố không hề ăn khớp với thực tế, rêu rao về hòa bình ngay trong lúc triển khai lực lượng nhằm thực hiện âm mưu bành trướng. 

Tại Diễn đàn hòa bình thế giới với sự tham dự của 500 đại biểu gồm đại sứ các nước tại Bắc Kinh và chuyên gia an ninh các nước, ngày 21-6 ở Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, người vừa có chuyến công du đến Việt Nam trở về, khẳng định: “Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và lãnh thổ. Tuyệt đối không có chuyện mặc cả bằng lợi ích cốt lõi”. Theo hãng tin Kyodo, đó là ám chỉ của ông Dương Khiết Trì về thái độ “không thỏa hiệp” của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Việt Nam và Nhật Bản trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tiếp nối hai cuộc tuần hành tại Genève và Zurich vào tháng trước, chiều 21-6, hàng trăm
bạn bè quốc tế cùng đông đảo sinh viên, Việt kiều đã tuần hành trên các tuyến phố
thủ đô Bern của Thụy Sĩ và tập trung tại Helvetiaplatz để thể hiện tinh thần đoàn kết
và phản đối những hành động leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, ngày 20-6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố nước này cam kết giải quyết tranh chấp trên biển thông qua đối thoại và đàm phán trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế. Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Hàng hải Trung Quốc - Hy Lạp, ông Lý Khắc Cường cam kết xây dựng “biển hòa bình” với các nước khác và kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình và kiên quyết phản đối bất cứ hành động nào thể hiện quyền bá chủ trong các vụ việc trên biển.

Thủ tướng Trung Quốc khẳng định nước này cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, điều giúp ích cho việc duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực (!?).

Ngay tại thời điểm ông Dương Khiết Trì phát biểu ở Diễn đàn hòa bình thế giới,  ông Lý Khắc Cường nêu ra quan điểm về “biển hòa bình” thì tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc vẫn duy trì hàng trăm tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự, nhiều loại máy bay tại khu vực. Các tàu Trung Quốc vẫn hung hăng, chủ động đâm va, sẵn sàng phun vòi rồng tấn công tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin, ngoài giàn khoa Hải Dương 981 đang hoạt động trái phép tại vùng biển Việt Nam, nước này sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều giàn khoan nữa đến Biển Đông. Trong đó, các giàn khoan Nam Hải 2 và Nam Hải 5 sẽ được triển khai tại khu vực giữa miền Nam Trung Quốc với quần đảo Đông Sa (Pratas) - khu vực do Đài Loan kiểm soát; giàn khoan Nam Hải 4 được thả gần bờ biển của Trung Quốc; giàn khoan Nam Hải 9 được đặt ở ngay bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong ngày 20-6.

Trong một động thái liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Mỹ,  ngày 20-6, nữ Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết ở thời điểm hiện tại, Mỹ chưa có đủ thông tin về vị trí các giàn khoan mới của Trung Quốc nhưng nếu các giàn khoan đó được hạ đặt trong vùng biển tranh chấp thì đó sẽ là điều đáng lo ngại. Bà Jen Psaki cho biết, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và “lúc này chúng tôi chưa có đủ thông tin về vị trí hạ đặt các giàn khoan (của Trung Quốc), do vậy chúng tôi chưa đưa ra đánh giá. Tuy nhiên, nếu các giàn khoan đó được hạ đặt trong vùng biển tranh chấp, đó sẽ là điều đáng lo ngại”.

Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng New Zealand John Key đều lên tiếng hối thúc Trung Quốc và các nước láng giềng giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, tránh leo thang căng thẳng.

Nguyên An
(tổng hợp)

Tờ "The Star" của Malaysia ra ngày 22-6 đăng bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư David Arase, chuyên gia ngành chính trị quốc tế, cho rằng Malaysia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm căng thẳng ở khu vực. Giáo sư Arase nói: Không ai muốn chiến tranh nhưng mối đe dọa của một cuộc chiến tranh gây ra bởi tranh chấp lãnh thổ đang xảy ra giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines là không khó hình dung.

Để giảm thiểu nguy cơ này, các nước ASEAN, mà Malaysia sẽ giữ chức Chủ tịch vào năm tới, nên thương lượng về thỏa thuận liên quan tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Với COC, các quốc gia có thể có những nguyên tắc để giải quyết khi cuộc xung đột xảy ra và những nước tham gia có thể tuân theo các thủ tục thương lượng và hòa giải.

Yêu cầu bất khả thi của Lu Yang

Ngày 22-6, viết trên tờ “Nhân dân nhật báo”, Lu Yang, chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh cảnh báo Trung Quốc cần phải “đặc biệt cảnh giác” đối với cái gọi là “chiêu trò” của Việt Nam trong việc biến mình thành “nạn nhân” trong tranh cãi trên Biển Đông.

Học giả Lu Yang trơ tráo cho rằng Việt Nam có ý định tiến hành một kịch bản tự làm cho mình bị thương để vu cáo Trung Quốc nhằm khai thác sức mạnh dân tộc mạnh mẽ hơn và giành tình cảm, sự ủng hộ trước thực trạng “kẻ yếu bị hiếp đáp”.

Ông này khuyến nghị Trung Quốc nên tránh các vụ đụng độ trực tiếp với các tàu Việt Nam và thu thập, công bố bằng chứng về những hành động khiêu khích của Việt Nam.

Mặc dù đưa ra những nhận định sai lầm và trơ tráo, nhưng đáng chú ý, khuyến cáo của Lu Yang chẳng khác nào đặt ra một yêu cầu bất khả thi với nhà cầm quyền Trung Quốc. Bởi lẽ, ngay từ đầu đến giờ, Trung Quốc không thể nào có được bằng chứng như ông ta nói đến. Ngay cả khi được các cơ quan truyền thông quốc tế yêu cầu đưa ra bằng chứng để củng cố cho lời nói (thực chất là vu khống Việt Nam), thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tắc tị.