Bạc mặt vì dịch

Thứ ba, 06/07/2021 10:32

Từ đầu năm 2020 đến nay, liên tiếp xuất hiện những đợt dịch COVID-19 khiến cuộc sống mưu sinh của người lao động chất chồng những khó khăn, vất vả. Mất việc, không có thu nhập, nhiều người lao động không ngại "lao" vào những ngành nghề khác nhau để kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng rồi khó khăn vẫn cứ bủa vây.

 

Các ban ngành, đoàn thể đã có nhiều hoạt động hướng đến người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng nếu dịch không sớm qua, dự báo khó khăn vẫn còn kéo dài.

Khó khăn chất chồng

11 giờ trưa, nắng như đổ lửa, chị Hồ Thị Thu Sương (trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) lao xe thẳng từ dưới đường nhựa nóng hầm hập lên hiên nhà sau khi ship xong một đơn hàng cho khách. Chưa kịp cởi bộ đồ "ninja" đồng hành cùng chị từ đầu mùa hè đến giờ, chị Sương cất giọng: "Khổ, cày bạc mặt vậy nhưng chưa đủ ăn chứ đừng nói là có của dư của để dành ốm đau, bệnh tật. Dịch bệnh kéo dài mãi có nước chết đói cả nhà".

Chị Sương vốn làm việc cho một công ty du lịch đóng tại địa bàn Đà Nẵng. Đang có thu nhập ổn định thì đùng cái dịch bệnh xuất hiện. Thế là, 2 năm qua, chị mất việc, mất luôn thu nhập. Để có tiền sống qua ngày chị phải tìm đến công việc bán hàng online. "Chẳng biết làm gì nên mình bán hàng online. Cứ ai mua gì mình bán nấy. Từ năm ngoái đến giờ nhà mình như siêu thị mini vậy. Mình bán nào là trái cây, mực khô, rau củ quả, kể cả áo quần. May là có nhiều bạn bè giúp đỡ về nguồn hàng nên công việc cũng trơn tru. Có điều, vì là nghề tay trái nên thu nhập cũng rất bấp bênh", chị Sương nói.

Cũng theo chị Sương, chị có hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Từ ngày dịch bệnh, trường lớp đóng cửa, chị lại phải vừa buôn bán vừa vào vai bảo mẫu nên nhiều lúc chị gần như kiệt sức. Chồng chị vốn là bảo vệ cho một khách sạn tại Đà Nẵng, dịch bệnh cũng khiến người đàn ông này mất việc. Để phụ chị Sương, anh đi phụ hồ, công việc rất cực nhưng may vẫn có đồng ra đồng vào.

Không riêng gì chị Sương, hàng ngàn lao động trên địa bàn Đà Nẵng cũng chịu chung số phận. Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp tạm đóng cửa, thậm chí tuyên bố phá sản đã kéo theo hệ lụy là người lao động mất việc làm. Vợ chồng chị Trương Thị Hòa, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng là ví dụ. Cả hai đều là công nhân của một công ty may mặc trên địa bàn Đà Nẵng. Từ ngày có dịch, công ty cắt giảm nhân sự, vợ chồng chị Hòa lại lao đao. Tiền nhà thuê, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền mặc, tiền con cái… cứ đổ dồn lên đầu vợ chồng chị Hòa. Hiện, để có tiền trang trải một phần, chị Hòa mở quán nhỏ bán bánh mỳ còn chồng chị đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền.

"Cái gì mà rơi vào trạng thái cầm cự thì khó trăm bề. Kéo đầu này thì hụt đầu kia. Tuy nhiên, không cam chịu thì biết sao giờ. Có kêu trời trời cũng không thấu, chỉ có vợ chồng thuận hòa bảo ban nhau cùng vượt qua", chị Hòa bộc bạch.

Dù tìm đủ nghề để mưu sinh nhưng dịch bệnh kéo dài khiến cho cuộc sống người lao động chất chồng khó khăn. 

Mong dịch chóng qua

Theo những người lao động mất việc, điều họ mong muốn nhất lúc này là dịch chóng đi qua để cuộc sống trở lại bình thường. Chỉ khi có công việc ổn định, thu nhập đều đều hằng tháng thì cuộc sống của họ mới vơi đi những nhọc nhằn, thiếu thốn.

Anh Trần Văn Thảo, chủ một homestay trên địa bàn quận Sơn Trà, Đà Nẵng cho hay, từ ngày dịch ập đến, khách hủy tour, homestay đóng cửa, anh đành cho 5 nhân viên nghỉ làm. Dù anh rất xót khi nhìn họ lao ra đường kiếm kế mưu sinh nhưng chẳng còn cách nào khác. Anh cứu họ thì ai cứu anh? "Mình thuê nhà để kinh doanh homestay. Dù chủ đã hỗ trợ tối đa khi giảm tiền thuê nhưng tình hình dịch cứ kéo dài có khi mình phá sản. Tiền vay ngân hàng để đầu tư, giờ vốn chưa thu lại, lãi chưa có, trong khi hằng tháng phải trả nợ khiến mình thấp thỏm, lo lắng. Vài tháng tới, nếu dịch không đi qua thì coi như mình thất bại hoàn toàn", anh Thảo bộc bạch.

Trước những khó khăn của người lao động, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện các hoạt động chăm lo quyền lợi thiết thực cho đoàn viên, công nhân lao động, đặc biệt công nhân viên chức lao động bị mất việc; kịp thời quan tâm, động viên bằng tinh thần lẫn vật chất để người lao động vững tin, cố gắng đồng hành cùng thành phố đi qua đại dịch.

Thực tế, ở mỗi lĩnh vực, các cơ quan ban ngành cũng đã chủ động triển khai. Kể đến như Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng thường xuyên thăm hỏi, tổ chức trao quà cho công nhân lao động nghèo mất việc. Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng đã mở nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đã có những đề xuất hỗ trợ thiết thực hướng đến người lao động trong lĩnh vực du lịch, tiêu biểu là chính sách cho vay vốn ưu đãi theo phương thức tín chấp. Đề xuất này hiện đã được lãnh đạo thành phố đồng ý và triển khai thực hiện.

Được biết, hiện Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng đã trình UBND thành phố về chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn vì dịch, dự kiến khoản hỗ trợ này lên tới 100 tỷ đồng. Nếu chính sách sớm được thông qua, người lao động sẽ được tiếp thêm nguồn sức mạnh to lớn để cùng nhau chiến đấu, vượt qua đại dịch.

THÀNH DANH