"Bạc mặt" vì tín dụng đen

Thứ ba, 09/10/2018 22:00

Vừa qua, Báo Công an TP Đà Nẵng có nhiều bài viết về thực trạng và hệ lụy của hoạt động tín dụng đen đối với người vay, cũng như những tác động xấu đến tình hình ANTT. Không chỉ ở thành phố, hiện hoạt động của những đối tượng cho vay nặng lãi đã xâm nhập đời sống người dân ở nhiều vùng quê.  Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, các đối tượng cho vay nặng lãi đã tạo ra những hợp đồng lãi suất cao nằm ngoài quy định pháp luật.

Tín dụng đen tràn về vùng nông thôn khiến nhiều gia đình điêu đứng.

Sở dĩ tín dụng đen vẫn hoành hành và ngày càng mở rộng địa bàn hoạt động là nhờ vào “chiêu”: thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, giải ngân nhanh. Chính vì vậy, những người đang cần tiền giải quyết khó khăn trong cuộc sống luôn nghĩ đến tín dụng đen, dù phải chịu lãi suất “cắt cổ”. Đơn cử như trường hợp của chị P. (trú thị trấn Nam Phước, H. Duy Xuyên, Quảng Nam), mấy tháng nay cả nhà chị “mất ăn mất ngủ” vì trót đi vay nặng lãi. Chị P. kể, do cuộc sống vất vả, bản thân chị làm công nhân, chồng làm thợ hồ không đủ chi phí lo cho 3 con đang tuổi ăn học nên cuối năm 2017, qua giới thiệu của người quen, chị có vay 50 triệu đồng từ dịch vụ “hỗ trợ vốn”.

“Khi cho vay, họ nói giống như mua hàng trả góp, khi nào trả đủ tiền gốc là được. Lúc đầu, số tiền vay 50 triệu đồng của tôi với mức lãi 100.000 đồng/ngày. Một thời gian sau, thấy lãi cao quá tôi gom đủ 50 triệu đồng trả tiền gốc thì nhân viên thu tiền tìm mọi cách trì hoãn, kéo dài thời gian trả lãi. Lúc này, họ thông báo là tôi nợ quá hạn nên bị tăng tiền lãi lên 200.000 đồng/ngày. Tính ra tôi chỉ vay 50 triệu mà sau 5 tháng phải trả cả gốc và lãi hơn 80 triệu đồng”, chị P. nói.

Bây giờ, gia đình chị P. không chỉ túng thiếu mà còn phải gánh một khoản nợ không hề nhỏ khiến vợ chồng lục đục, gia đình sống trong cảnh bất an vì thường xuyên bị đòi nợ. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp lỡ vay tiền tín dụng đen không trả được phải bỏ trốn, để người thân trong gia đình phải chịu cảnh bị đe dọa, uy hiếp, siết nợ.

Thượng tá Nguyễn Viết Trung- Phó trưởng CAH Duy Xuyên, cho biết: Tình trạng trên đã diễn ra nhiều nơi nhưng người dân không dám lên tiếng vì lo sợ đối tượng cho vay và muốn giữ an toàn cho gia đình. Đặc biệt, nhiều đối tượng đã đến trực tiếp gia đình người đi vay để dọa nạt, đập phá, uy hiếp gây mất trật tự tại địa phương. Thời gian qua, CAH Duy Xuyên đã tiếp nhận nhiều vụ việc liên quan đến tín dụng đen, tuy nhiên khi làm việc với những bị hại, họ cho rằng đây là việc cá nhân sẽ tự dàn xếp, không muốn dính dáng đến pháp luật.

Vật chứng và các hung khí để đòi nợ cho vay nặng lãi do đối tượng Huỳnh Quốc Việt cầm đầu.

Tháng 9 vừa qua, CA tỉnh Quảng Nam đã triệt phá đường dây cá độ bóng đá qua mạng, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, siết nợ quy mô lớn tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... Đối tượng cầm đầu đường dây  này là Huỳnh Quốc Việt (37 tuổi, trú xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Tại Quảng Nam, cơ quan CA bắt giữ 4 đối tượng, gồm: Huỳnh Quốc Việt (37 tuổi), Huỳnh Văn Trường (30 tuổi), Hạ Ngọc Vi (30 tuổi) và Nguyễn Công Huy (33 tuổi, cùng trú H. Đại Lộc). Thủ đoạn của các đối tượng này là tổ chức đánh bạc, con bạc nào thua sẽ cho vay nặng lãi dẫn đến mất khả năng thanh toán. Khi đó các đối tượng đòi nợ, siết nợ, cưỡng đoạt tài sản của con bạc khi không trả được lãi vay.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi - Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam, cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật có dấu hiệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Cơ quan CSĐT CA tỉnh và một số địa phương đã khởi tố nhiều vụ án, khởi tố bị can về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”, “Cưỡng đoạt tài sản”. “Thời gian qua, CA tỉnh tiếp nhận nhiều đơn thư của quần chúng nhân dân có nội dung cầu cứu và tố giác hành vi vi phạm của các đối tượng như sử dụng vũ khí nóng, hung khí nguy hiểm khủng bố tinh thần, uy hiếp, đe dọa giết người, bắt giữ người trái pháp luật, gây thương tích... để buộc nạn nhân và gia đình phải trả nợ. Các đối tượng tổ chức phát, dán tờ rơi quảng cáo với nội dung chào mời hấp dẫn như “Cho vay tiền nhanh gọn, không thế chấp”, “Cho vay nhanh, có tiền liền”... trên khắp các tuyến đường, nơi công cộng, khu vực dân cư để tiếp cận người vay có nhu cầu”, đại diện Công an tỉnh cho biết.

Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, CA tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này.  Để tránh trở thành nạn nhân của cho vay nặng lãi, người dân nên hết sức cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn tín dụng đen và cho vay nặng lãi. Đặc biệt, không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên tờ rơi, cột điện... nếu có thỏa thuận giao dịch dân sự phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

ĐỒNG DAO