“Bạc mặt” với chiêu lừa vay tiền qua sổ đỏ

Thứ tư, 02/05/2018 15:46

Đưa mức lãi suất cao để nhờ người quen đứng ra thế chấp sổ đỏ vay tiền rồi sau đó bỏ trốn do không có khả năng trả nợ là hình thức lừa đảo không mới, nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương và có nhiều nạn nhân mới sập bẫy.

Đã 2 tháng nay, bà T.T.K.D. (trú xã Cư Suê, H. Cư Mgar, Đắc Lắc) đang mất ăn mất ngủ khi hay tin Trần Thị Vân (trú thôn 2, xã Cư Suê) cùng gia đình đã bỏ đi đâu không ai hay. Theo trình bày của bà D., do quen biết với mẹ của Vân (cùng buôn bán tại chợ xã Cư Suê) nên tháng 9-2017, Vân đến nhà bà D. để vay tiền. Theo lời giới thiệu của mẹ Vân thì Vân là người quen biết rộng rãi, nhất là cán bộ ngân hàng nên có khả năng vay tiền cao hơn giá trị tài sản được cầm cố. Sau nhiều lần gặp gỡ, trò truyện, Vân ngỏ ý mượn bà D. 500 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng và hứa sẽ trả lãi suất 3.000 - 4.000 đồng/triệu/ngày nên bà D. đồng ý. Những lần đầu, Vân trả tiền cho bà D. rất đúng hẹn, có lần tới nhà còn mua quà tặng bà để tạo niềm tin. Sau đó, Vân lại thủ thỉ với bà D. rằng mình cần số tiền lớn để đáo hạn ngân hàng nên ngoài số tiền sẵn có, bà D. còn mượn sổ đỏ của người thân, họ hàng để đứng ra vay tiền cho Vân. Tổng số tiền mà bà D. đưa lên đến hơn 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi “hốt” cú đậm này thì Vân cùng gia đình âm thầm bỏ đi, liên lạc thì điện thoại luôn “ngoài vùng phủ sóng”.

“Mấy tháng gần đây Vân không trả tiền lãi cho tôi, khi tôi hỏi thì cô ta cứ hẹn lần hẹn lữa, gọi điện thoại thì không liên lạc được. Nghi ngờ, tôi đến nhà mẹ ruột của Vân tại thôn 2, xã Cư Suê và nhà riêng của Vân ở đường Trần Phú, TP Buôn Ma Thuột) thì thấy cửa khóa kín không có ai ở, 2 căn nhà trên cũng đều đã được thế chấp ngân hàng. Từ khi biết tin Vân bỏ đi, chủ nợ kéo đến nhà tôi xiết nợ. Các tài sản có giá trị như xe tải, ô-tô, xe máy… đều bị họ lấy hết. Tôi chỉ mong sao cơ quan chức năng sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ. Nếu không bắt được Vân tôi e rằng sẽ còn nhiều người lại tiếp tục dính bẫy giống như tôi” - bà D. bức xúc.

Gia đình ông L.V.S (trú xã Ea Mnang, H. Cư Mgar) cũng đang rơi vào đường cùng khi vay người thân 6,47 tỷ đồng rồi cho Vân mượn mong kiếm tiền lãi. Ông S. kể, tháng 9-2017, Vân mượn gia đình ông 500 triệu đồng với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày và hứa 10 ngày sau sẽ trả. Đúng hẹn, 10 ngày sau Vân đem tiền trả cả gốc lẫn lãi. Sau đó, Vân tiếp tục đến mượn thêm 4 lần với tổng số tiền lên đến 6,47 tỷ đồng, cũng với lãi suất như lần đầu. Tuy nhiên, đến nay tiền lãi cũng như tiền gốc, gia đình ông S. không được nhận vì Vân đã “lặn mất tăm”.

Theo thông tin ban đầu, hầu hết nạn nhân đều là người lao động, không có số tiền lớn cho vay nên Vân hướng dẫn họ thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng với giá trị cao hơn nhiều lần. Mọi việc vay tiền ở ngân hàng đều do Vân thực hiện, người dân chỉ đứng ra ký nhận. Sau khi tiền được giải ngân, Vân yêu cầu người dân đưa lại cho mình từ 16 triệu đến 100 triệu đồng tiền “hoa hồng” cho cán bộ ngân hàng, số còn lại cho Vân vay lại. Vì thấy Vân cùng cán bộ ngân hàng giải quyết các hồ sơ vay rất đơn giản và thuận lợi nên người dân hết sức tin tưởng và truyền tai nhau cho Vân mượn tiền mong kiếm chút tiền lãi. Cụ thể như trường hợp của ông T.Đ (trú xã Cư Suê). Ông Đ. cho biết, qua cháu mình là T.T.K.D, ông đã đưa sổ đỏ cho Vân đến ngân hàng vay 500 triệu đồng để “kiếm lãi” và trả phí “hoa hồng” cho cán bộ ngân hàng hơn 20 triệu đồng theo lời Vân nói. Thực tế tài sản của gia đình ông chỉ vay được 200-300 triệu đồng, nhưng không biết bằng cách nào Vân có thể vay gần gấp đôi số tiền, thủ tục rất nhanh gọn. Sau khi phát hiện Vân rời khỏi địa phương và người dân làm đơn trình báo cơ quan chức năng thì cán bộ ngân hàng S. có đến hỏi thăm tình hình và động viên gia đình ông bình tĩnh làm ăn trả nợ. “Chừng nào chưa tìm thấy Vân để làm rõ sự việc thì chừng đó tôi vẫn không thể ăn ngon ngủ yên được” - ông Đ. bức xúc.

Thống kê từ các hộ dân đã trình báo cơ quan chức năng về việc bị lừa thì tổng số tiền hiện lên đến hơn 50 tỷ đồng, trong đó người bị Vân nợ nhiều nhất là bà N.T.B (trú xã Ea Mnang) với tổng số 22 tỷ đồng. Từ khi Vân mất tích, gia đình bà B. luôn bị chủ nợ vây đòi nợ khiến bà cũng không dám ở nhà mà phải tạm rời đi nơi khác vì không chịu được sức ép. Trước việc Vân đi khỏi địa phương, người dân đã thông qua nhiều phương tiện thông tin để truy tìm và treo thưởng cho ai tìm được. Thậm chí, họ còn nhờ một Cty đòi nợ để thu nợ giúp mình.

Theo lãnh đạo UBND xã Cư Suê, xã cho CAX kiểm tra nơi ở và xác định Vân đã đi khỏi địa phương. Xã cũng đã tiếp nhận thông tin người dân vay mượn, cầm cố tài sản đưa cho Vân để hưởng lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, trong thời gian sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ người dân nâng cao cảnh giác, tránh trường hợp bị kẻ gian lợi dụng lừa thu hồi nợ giùm, hoặc giả mạo các cơ quan chức năng để trục lợi. Cũng theo thông tin nắm được thì không chỉ người dân ở Cư Mgar mà đã có một số người trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đang truy tìm Vân để đòi nợ.

C.G