Bạc mặt với “tín dụng đen”!

Thứ tư, 22/08/2018 11:22

Thời gian gần đây, “tín dụng đen”, “vay không cần thế chấp”, “Vay trả góp”... thực chất là cho vay nặng lãi trên địa bàn cả nước nói chung, miền Trung - Tây Nguyên nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Không chỉ ở các đô thị, các đường dây cho vay nặng lãi còn vươn vòi khắp hang cùng ngõ hẻm, len lỏi về tận bản làng vùng cao, miền núi. Thực trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, đẩy nhiều gia đình đã khó khăn lại càng lâm cảnh bi đát, tán gia bại sản khi trót “dính” vào món nợ “trả không hồi kết” này.

   Tang vật bị phát hiện khi đang thu nợ.

Từ “điểm nóng” Tây Trà 2017...

Trên mọi nẻo đường, trên những trụ điện, cột đèn báo tín hiệu giao thông, bờ tường... đâu đâu chúng ta cũng thấy dán những tờ quảng cáo với nội dung “cho vay không cần thế chấp”, “cho vay trả góp” kèm số điện thoại liên hệ. Đằng sau những dòng chữ đen trên giấy trắng đơn giản ấy là cả một “thế giới ngầm” liên minh ma quỷ của những đối tượng giang hồ, xã hội đen, đòi nợ thuê “kết nối” từ nhiều tỉnh, thành phố. Minh chứng rõ nhất cho thực trạng này là “điểm nóng” xã Trà Thọ, H. Tây Trà, Quảng Ngãi năm 2017. Ông H.V.T (60 tuổi, trú thôn Nước Tre, xã Trà Thọ) kể câu chuyện bi đát của gia đình: Tháng 9-2017, ông nhận được hơn 770 triệu đồng tiền đền bù từ Dự án hồ chứa nước Nước Trong. Ông dự tính chia cho 6 người con mỗi người một ít để lập nghiệp, còn lại gửi ngân hàng dưỡng già. Thế nhưng, vài ngày sau khi nhận tiền, một nhóm người lạ mặt đến gia đình ông đòi nợ. Hỏi chuyện, ông T. mới biết con trai út vay nóng của nhóm này hơn 100 triệu đồng, sau 4-5 tháng, lãi mẹ đẻ lãi con lên đến gần 300 triệu đồng. Những đối tượng này dọa giết, đốt nhà nên ông phải lấy tiền đền bù trả nợ cho con.

Trường hợp anh H.V.K (30 tuổi, trú thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ) trở thành con nợ của những kẻ cho vay nặng lãi là một điển hình về sự tinh vi của liên minh ma quỷ cho vay cắt cổ. Chuyện là, biết bố mẹ anh K. sẽ nhận được tiền đền bù hỗ trợ từ Dự án hồ chứa nước Nước Trong, các đối tượng tiếp cận, mời chào anh vay tiền với thủ tục đơn giản, vay bao nhiêu cũng được. Đang lúc cần tiền, lại nghĩ khi bố mẹ nhận tiền đền bù mình đương nhiên được chia nên anh K. yên tâm vay. Vậy là lúc 5 triệu đồng, lúc 10 triệu đồng, có khi vay 50 triệu đồng để mua xe máy, tivi... Một thời gian sau, anh K. được các đối tượng thông báo tổng số nợ cả gốc lẫn lãi là hơn 400 triệu đồng. Khi bố mẹ nhận được tiền đền bù dự án, cho 50 triệu đồng, anh K. phải đem trả bớt, số còn lại không biết xoay xở thế nào và cũng chẳng biết nó sẽ lên bao nhiêu với mức lãi cắt cổ.

Con số mà chính quyền xã Trà Thọ cung cấp đã nói đây là “điểm nóng” về cho vay nặng lãi: toàn xã có 158 hộ dân nhận tiền đền bù từ Dự án hồ chứa nước Nước Trong với tổng cộng 20 tỷ đồng thì hơn 2/3 số hộ từng vay nóng với lãi suất 50%, dẫn đến trắng tay. Điều đáng nói là khi đã trắng tay nhưng những khoản nợ ấy vẫn chưa thể trả hết.

Đỗ Đức Thắng                                                            Nguyễn Trung Hoàn

...Đến cao nguyên Lâm Đồng 2018

Từ đầu năm 2018 trên địa bàn TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) rộ lên tình trạng cho vay không cần thế chấp. Các đối tượng hoạt động tín dụng đen nhắm đến đối tượng để cho vay là người lao động phổ thông, bà con nông dân, buôn bán nhỏ không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn chính thống. Không những vậy, đối tượng còn về những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Tẻh, Đạ Huoai và chỉ cho vay với khoản tiền 5-20 triệu đồng nhưng lãi suất cắt cổ, trung bình 180 - 240%/năm. Đã không ít trường hợp chậm trả lãi bị các đối tượng “khủng bố”, ném mắm tôm pha xăng, nhớt vào nhà. Có trường hợp bị đối tượng khống chế ép phải sang tên nhà, đất, ô-tô.

Từ thông tin người dân, CATP Bảo Lộc khẩn trương điều tra và nắm được tài liệu về nhiều đối tượng đang hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn. Đây là những đối tượng từ Hà Nội đến địa bàn thuê nhà tạm trú và tổ chức hoạt động cho vay tiền tại Bảo Lộc và nhiều huyện lân cận. Sáng 8-8, CATP Bảo Lộc phát hiện Nguyễn Trung Hoàn (1997) và Đỗ Đức Thắng (1996, quê Vĩnh Xương Trung, xã Mỹ Thành, H. Mỹ Đức, TP Hà Nội, tạm trú nhà trọ 42-Ngô Thì Nhậm, P.1, TP Bảo Lộc) đang thu tiền lãi ngày của 2 người dân tại P.1 và xã Lộc Châu nên đã triệu tập làm việc. Tại nhà trọ 42-Ngô Thì Nhậm, P.1, TP Bảo Lộc còn vợ chồng Nguyễn Quốc Thành (1993, trú 95, Hàng Gai, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Trần Tuyết Minh (1992, trú H. Phú Quốc, Kiên Giang) đang thuê trọ và có biểu hiện hoạt động cho vay tiền, CATP Bảo Lộc tiếp tục triệu tập làm việc. Cùng thời điểm, CATP Bảo Lộc triệu tập Tạ Trí Trung (1993, trú số 6, ngách 51, ngõ Tô Hoàng, phố Bạch Mai, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội), Mai Nguyễn Hoài Việt (1988, trú 5/14-Thái Phiên, P.12, TP Đà Lạt) và Nguyễn Hoài Nam (1990, trú Hà Nội, đang tạm trú nhà 43B-Nguyễn Thái Bình, P.2, TP Bảo Lộc) đến làm việc. Tiến hành kiểm tra hành chính 2 ngôi nhà 42-Ngô Thì Nhậm và 43B-Nguyễn Thái Bình nơi 7 đối tượng tạm trú, CATP Bảo Lộc thu được nhiều tang vật gồm 104 triệu đồng, 370 giấy vay nợ tiền, gần 400 CMND, 250 sổ hộ khẩu bản chính, hàng trăm tờ rơi quảng cáo cho vay tiền, 3 thẻ ATM, nhiều sổ sách ghi chép việc cho vay và thu nợ của người dân. Ngoài ra, lực lượng CA còn phát hiện các đối tượng chuẩn bị 2 còng số 8, 2 can mắm tôm pha nhớt, xăng, 2 thùng sơn mà theo lời khai của những người này là dùng để “khủng bố” nếu người vay chậm trả lãi.

Tờ rơi vẫn thả, “cướp ngày” lộng hành?

Đồn CA Đông Tuy An (Phú Yên) vừa xử lý 2 trường hợp vi phạm về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Trước đó, ngày 11-8, lực lượng chức năng H. Tuy An theo dõi, phát hiện Trần Quang Hòa (1987, trú Q.6, TPHCM), Lê Quốc Minh (1995, trú TX Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc) sử dụng xe máy BKS 78G1-422.55 đến xã An Ninh Tây dán, thả tờ rơi và card visit có nội dung cho vay tiền không thế chấp tại các khu vực đông dân cư. Lực lượng chức năng còn thu giữ trong người 2 đối tượng này hơn 2.100 tờ rơi, card visit chưa kịp sử dụng. Đồn CA Đông Tuy An xử phạt hành chính mỗi đối tượng 1,5 triệu đồng.

Mới đây, 2 giờ 40 ngày 20-8, tại khu vực giao nhau đường Kỳ Đồng-Nguyễn Đức Trung, Tổ tuần tra 8394 P. Thanh Khê Đông, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng phát hiện Đỗ Duy Thành (2000, trú P. Dư Hàng Kênh, Q. Lê Chân, TP Hải Phòng) đang dán tờ rơi “cho vay trả góp theo ngày”. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong túi xách Thành có 100 tờ rơi quảng cáo “Cho vay tiền trả góp theo ngày” kèm số điện thoại 0934398836 để liên lạc. CAP Thanh Khê Đông đã lập hồ sơ để xử lý.

Có một thực tế là những tờ rơi, quảng cáo dán đầy, số điện thoại công khai nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng vẫn chưa mạnh, chưa đem lại hiệu quả. Những đối tượng dán tờ rơi bị phát hiện, xử phạt hành chính chỉ là một “mắt xích” nhỏ, thậm chí chỉ là những học sinh, sinh viên được liên minh ma quỷ cho vay nặng lãi thuê. Con số những băng nhóm, đối tượng cho vay nặng lãi bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý thời gian qua chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế. Tín dụng đen, cho vay nặng lãi đi liền sau đó là tội phạm hình sự nảy sinh như trộm cắp, cướp, giết người.

N.M