Bắc miền Trung lại oằn mình vì mưa lũ
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong 2 ngày qua tại các tỉnh Bắc Trung bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, đỉnh điểm như ở H.Hương Khê (Hà Tĩnh) có lúc lên đến trên 400mm. Mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ tại nhiều địa phương trên các tỉnh TT-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất là rất lớn tại các địa phương này.
Lực lượng CSGT TP Vinh (Nghệ An) đang phân luồng, hướng dẫn người tham gia giao thông. |
Nghệ An: Ngập nặng nhiều khu vực
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 1-9 đến ngày 3-9 đã có mưa to và rất to, lượng mưa phổ biến từ 50 đến 280mm. Lượng mưa lớn nhất đo được ở Hưng Nguyên 288mm, Vinh 282mm, Cửa Hội 247mm. Mưa lũ khiến TP Vinh bị ngập cục bộ, một số tuyến đường trong nội thành như Đinh Công Tráng, Nguyễn Thị Minh Khai, Phong Định Cảng, Lê Hồng Phong... bị ngập nước. Có nhiều nơi ngập từ 0,3-0,5cm và có nơi ngập nửa bánh xe.
Tính đến 3-9, 625 hồ đập lớn nhỏ của tỉnh Nghệ An đã có 38 hồ đầy nước, các hồ còn lại đạt 40-70% dung tích thiết kế. Hiện Hồ Vực Mấu đang xả cửa tràn số 2,3 với lưu lượng xả 62,1m3/s và Hồ Sông Sào đang xả cửa tràn số 2 với lưu lượng xả 25.0m3/s. Ngoài ra có 17 hồ chứa đang nâng cấp, sửa chữa.
Về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tính đến ngày 3-9 diện tích lúa thu hoạch được 53.000/62.472ha gieo cấy, đạt 85%.
Do mưa lớn đã ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng và giao thông trên địa bàn. Trong đó QL16 sạt lở taluy dương với khối lượng ước tính 822m3; QL48E có 2 vị trí tràn ngập nước đã đóng đường cấm người và phương tiện qua lại, cắt cử người trực gác phân luồng để đảm bảo giao thông đó là Tràn tại xã Quỳnh Thắng, H. Quỳnh Lưu và Tràn thuộc xã Nghĩa Bình, H. Nghĩa Đàn.
Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ ở lưu lượng 1.460m3/s. |
Hà Tĩnh: Chủ động sơ tán dân
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ trên địa bàn H.Hương Khê vào sáng 3- 9. Theo đó, H.Hương Khê và các đơn vị thi công theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; thông báo kịp thời cho người dân, đặc biệt là vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Chuẩn bị và triển khai các phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất ở vùng núi; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các xã dọc bờ sông Ngàn Sâu và vùng hạ du công trình thủy điện Hố Hô, các lán trại có công nhân thi công các công trình ven sườn núi, vùng ven sông, suối.
Kiểm tra công tác xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô, theo báo cáo của lãnh đạo Nhà máy, mực nước thượng lưu lúc 8 giờ sáng đạt 68,55m, hạ lưu 25m; lưu lượng nước về hồ 1.280m3/s. Do lượng mưa đầu nguồn đổ về khá lớn, nên sáng cùng ngày thủy điện Hố Hô đã xả lũ với cường độ tăng dần, đỉnh điểm lưu lượng lên đến 1.460m3/s. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng yêu cầu cán bộ, nhân viên Nhà máy Thủy điện Hố Hô phân công trực đầy đủ 100% quân số, theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, thực hiện quy trình vận hành, xả lũ theo quy định; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình đầu mối, chủ động đề phòng mọi bất trắc; không để mực nước hồ Hố Hô vượt mức kiểm soát. Đặc biệt, phải thường xuyên cập nhật và thông báo cho chính quyền, nhân dân vùng hạ du về tình hình an toàn của hồ, kế hoạch, lưu lượng xả lũ theo quy định.
Theo ghi nhận của P.V chiều cùng ngày, do mưa lớn cộng với việc Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ, trên địa bàn H.Hương Khê đã có 10 xã bị ngập cục bộ, giao thông bị chia cắt, gồm: Phúc Trạch, Hương Trạch, Lộc Yên, Phương Điền, Phương Mỹ, Hòa Hải, Hà Linh, Hương Giang, Hương Thủy và Hương Lâm. Đến chiều cùng ngày, người dân ở các xã nói trên đã khẩn trương sơ tán đồ đạc, trâu bò, lợn, gà... đưa lên cao để tránh lũ. Mưa lũ cũng đã khiến khoảng 1.000 ha lúa vụ hè thu của người dân bị ngập sâu và hơn 1.000 ha bưởi Phúc Trạch có nguy cơ bị rụng quả do ngập úng.
CBCS ĐBP Thuận giúp nhân dân di chuyển tài sản cũng như hướng dẫn qua điểm giao thông bị ngập nặng trên tuyến Lìa (H.Hướng Hóa, Quảng Trị). |
Cùng vợ và đứa con gái đang dọn dẹp đồ đạc để “chạy lũ”, ông Phan Văn Tuấn (53 tuổi, thôn 1, xã Phúc Đồng, H. Hương Khê) thở dốc: “Mưa lớn từ tối hôm qua đến giờ và thủy điện Hố Hô xả lũ nên thôn chúng tôi nước đã ngấp nghé nhà. Để đề phòng nước lũ dâng ngập nhà, gia đình tôi phải nhanh chóng bắt gà, vịt và dọn dẹp đồ đạc đưa lên vị trí cao”. Theo anh Tuấn, nếu mưa cứ tiếp tục và thủy điện cứ xả lũ thì có khả năng trong đêm 3-9 lũ sẽ dâng vào nhà.
Cạnh nhà anh Tuấn, nhà anh Dương Công Hiệp (37 tuổi) cũng đang khẩn trương ứng phó với lũ. Vợ chồng anh Hiệp đã phải nhờ thêm hàng xóm qua hỗ trợ di chuyển 50 con heo rừng lên khu vực cao tránh lũ. “Nước dâng nhanh lắm. Mới sáng nay còn ở dưới thấp nhưng đến chiều đã gây ngập đường. Chuồng nuôi heo của gia đình nguy cơ bị nước lũ dâng tới nơi nên tôi phải di chuyển đàn lợn đến chuồng cao hơn để tránh bị thiệt hại”, anh Hiệp nói.
Ông Phan Văn Tuấn (53 tuổi, thôn 1, xã Phúc Đồng, H. Hương Khê, Hà Tĩnh) di chuyển đàn lợn rừng lên cao hơn. |
Quảng Bình: Hàng ngàn hộ dân bị cô lập, một người mất tích
Mưa lớn kéo dài, kèm với lũ trên các sông dâng nhanh khiến nhiều thôn, bản ở huyện miền núi Minh Hóa bị cô lập. Theo ông Hồ Phin- Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, địa phương đang có mưa rất to khiến 8 bản với hơn 1.000 nhân khẩu bị chia cắt hoàn toàn. Mưa lũ cũng đã làm 1 người dân ở bản Pa Choong bị mất tích, đó là chị Hồ Thị Chăn (1989, trú ở bản Pa Choong, xã Trọng Hóa). Chiều tối ngày 2- 9, chị Chăn ra sông xúc cá nhưng mãi không thấy về. Gia đình và người dân địa phương nghi ngờ chị bị nước lũ cuốn trôi. Hiện, các lực lượng chức năng và người dân địa phương đang tổ chức tìm kiếm.
Trong khi đó tại xã Minh Hóa, ông Cao Đình An- Chủ tịch UBND xã cũng cho biết: Do mưa lớn kéo dài từ chiều tối ngày 2- 9 và nước lũ trên các sông dâng nhanh khiến cầu tràn qua thôn Tân Lý bị ngập, chia cắt hoàn toàn 5 thôn với hơn 2.000 nhân khẩu.
Lũ chia cắt tại H.Minh Hóa (Quảng Bình). |
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn H.Tuyên Hóa, tổng lượng mưa đo được trên địa bàn trong ngày là hơn 110 mm. Mực nước sông Gianh tại Trạm Thủy văn Đồng Tâm là 10,38m, trên mức báo động I là 3,38m; tại Trạm Mai Hóa là 3,52m, trên báo động I là 0,52m. Ghi nhận của P.V, trong chiều 3-9, mực nước sông Gianh đang tiếp tục lên cao, một số tuyến giao thông trên địa bàn H.Tuyên Hóa bị nước lũ chia cắt cục bộ như cầu Khe Nèng trên QL15B qua xã Kim Hóa, cầu Khe Trợ trên đường về xã Thuận Hóa, cầu Khe Nâm tại xã Đức Hóa… Cầu Thanh Thạch bắc qua sông Gianh đã bị ngập sâu 1,5m, làm chia cắt gần 400 hộ dân tại thôn 2 và thôn 3 xã Thanh Thạch. Ngoài ra, nước lũ cũng đã gây ngập và chia cắt tuyến đường giao thông từ xã Thanh Thạch đi Hướng Hóa tại Cầu Bốn. Tại các địa phương vùng hạ lưu sông Gianh thường bị ngập nặng trong các đợt lũ như Văn Hóa, Châu Hóa, chính quyền địa phương đang gấp rút kêu gọi người dân đưa gia súc lớn lên núi tránh lũ.
Dự báo mưa lớn vẫn tiếp tục trong những ngày tới nên nguy cơ xảy ra lũ lớn gây ngập trên diện rộng là rất cao, H.Tuyên Hóa đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Cứu hộ kịp thời người dân bị sóng lớn bủa vây khi cách bờ 300m tại kè biển Cửa Việt (Quảng Trị). |
Quảng Trị: Miền núi bị ảnh hưởng nặng nề
Đến chiều 3–9, mưa lớn tiếp tục kéo dài trên diện rộng toàn địa bàn Quảng Trị do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới. Trước đó, lốc xoáy cũng đã càn qua một số nơi khiến một số nhà dân tại xã Triệu Trạch, H.Triệu Phong bị tốc mái. Đặc biệt, trong đêm 2 – 9 tại TP Đông Hà, mưa lớn kèm giông sét đã gây thiệt hại, gián đoạn đến hệ thống thông tin liên lạc của viễn thông và hệ thống truyền dẫn phát sóng tại Đài PTTH Quảng Trị. Cụ thể, giông sét đánh trực tiếp vào hệ thống mạng phát sóng của máy phát sóng Kênh 26, làm cháy, gián đoạn khiến khán giả không thể xem được một số kênh. Trước sự cố này, Trung tâm Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài THVN tại Đà Nẵng cùng với Đài PTTH Quảng Trị khẩn trương khắc phục, đảm bảo phát sóng trở lại thông suốt. Giông lốc cũng đã làm đứt tuyến cáp quang tại Đakrông; liên lạc của 10 trạm BTS trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Ngành viễn thông Quảng Trị đã huy động lực lượng kịp thời khắc phục sự cố này.
Do mưa lớn kèm giông lốc, nhiều diện tích lúa chưa kịp thu hoạch đã ngả rạp, thiệt hại nặng nề cho nông dân tại huyện Cam Lộ, Gio Linh, Đông Hà... Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, mưa lớn đặc biệt gây ảnh hưởng nặng nề tại các huyện Đakrông và Hướng Hóa. Ghi nhận thực tế cho thấy nước sông suối dâng cao đã làm giao thông nhiều nơi bị gián đoạn, gây ngập lụt vùng thấp trũng, một số địa bàn bị chia cắt, cô lập. Chỉ riêng tại tuyến Lìa đoạn qua xã Thuận (H.Hướng Hóa) đã có đến 3 điểm bị chia cắt; địa bàn xã Tân Long có nơi ngập 2 đến 3m. Trước tình hình này, ĐBP Thuận cùng với chính quyền địa phương, lực lượng CA tổ chức di dời gần 100 người dân đến nơi an toàn; giúp người dân di chuyển tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Nước sông Sê Pôn dâng cao cũng đe dọa trực tiếp đến nhiều khóm phố tại TT Lao Bảo. Đến gần trưa 3 – 9, hơn 100 người dân tại thị trấn biên viễn này cũng đã được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong khi đó, tại địa bàn H.Đakrông, nhiều điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, cầu bị hư hại, giao thông trở nên khó khăn. ĐBP Pa Nang cũng đã kịp thời ứng cứu, di dời hộ dân bị ngập lũ tại xã Tà Long cùng nhiều tài sản lên chỗ cao an toàn.
Tại 2 cảng Cửa Việt và Cửa Tùng, ngoài tàu thuyền địa phương, còn có gần 100 tàu ngoại tỉnh đến neo đậu, trú tránh. Các tàu thuyền đều được lực lượng BĐBP, CA hỗ trợ, giúp đỡ cũng như tuyên truyền nhằm đảm bảo an toàn, ANTT tại đây. Được biết, ĐBP Triệu Vân cũng đã phối hợp với kíp tàu ĐBP Cồn Cỏ (đều thuộc BĐBP Quảng Trị) và Hải đội 202 (Vùng Cảnh sát biển 2) kịp thời cứu hộ kịp thời 1 trường hợp đi câu cá bị mắc kẹt ở kè biển Cửa Việt, cách bờ 300m trong điều kiện sóng lớn bủa vây. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các đơn vị Biên phòng, CA tiếp tục bám địa bàn giúp dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng các phương án di dời các hộ ra khỏi vùng nguy hiểm.
NHÓM P.V