Bắc nhịp cầu đưa học sinh vùng cao đến với văn hóa đọc

Thứ tư, 24/01/2018 06:10

Bao nhiêu năm gắn bó với công tác thư viện trường học là bấy nhiêu thời gian cô trăn trở, đau đáu nỗi niềm làm sao để thư viện là điểm sinh hoạt văn hóa, không gian đọc lý tưởng của con em học sinh, nhất là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Tấm lòng yêu nghề, tận tụy với công việc của cô giáo Lê Thị Quỳnh Ly –  nhân viên thư viện Trường TH Ia Nhin (xã Ia Nhin, H. Chư Păh, tỉnh Gia Lai) được đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục H. Chư Păh khâm phục, nêu gương; người dân, phụ huynh học sinh hết sức quý trọng, yêu mến.

Cô giáo Quỳnh Ly ân cần hướng dẫn học sinh.

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh

Đến với Trường TH Ia Nhin (xã Ia Nhin, H. Chư Păh, tỉnh Gia Lai), chúng tôi thật sự bất ngờ trước không gian căn phòng đọc sách của các em học sinh. Càng xúc động hơn khi biết rằng, để có được không gian đọc sách này, cô giáo Lê Thị Quỳnh Ly đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và cả tiền túi của riêng mình. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về không gian phòng đọc sách được liên thông với khu vực thư viện trường học, học sinh có thể lựa chọn cho mình những cuốn sách ưa thích nhất, thuận lợi nhất mà không phải mất nhiều thời gian. Ngoài khối lượng, đầu sách phong phú tại thư viện, ngay trong không gian phòng đọc sách, cô Ly còn bố trí thêm các giá sách, tủ sách, giúp học sinh có thể lựa chọn thoải mái, thuận tiện hơn. Đến với phòng đọc sách, các em học sinh có thể thoải mái ngồi đọc sách. Những bức tường trong không gian phòng đọc sách đẹp như những bức tranh, đầy màu sắc tươi mới, sinh động với cỏ cây, hoa lá, mây trời... tựa như một khung cảnh thiên nhiên.

Chính sự hấp dẫn từ không gian phòng đọc sách, tạo dựng môi trường đọc sách thoải mái, thuận tiện nên lúc nào phòng đọc sách của Trường TH Ia Nhin cũng có rất đông học sinh đến đọc. Thư viện, phòng đọc sách luôn là điểm lựa chọn, thu hút của các em học sinh. Bởi vậy khi nói về hoạt động thư viện của nhà trường, cô giáo Hoàng Thị Thu – Hiệu trưởng Trường TH Ia Nhin không giấu được niềm vui: “Chúng tôi vui mừng, phấn khởi không chỉ vì thư viện nhà trường hoạt động hiệu quả, các em học sinh ngày càng siêng năng đến thư viện, có thêm nhiều em học sinh ham mê đọc sách, yêu sách; mà còn vui mừng, phấn khởi vì có một người nhân viên thư viện luôn tận tụy, say mê với công việc”. Cô giáo Hoàng Thị Thu chia sẻ thêm: “Mong ước có một không gian phòng đọc sách cho các em học sinh là nỗi khát khao không chỉ của cán bộ, giáo viên nhà trường, mà còn là niềm mong mỏi của người dân, phụ huynh học sinh. Bởi vì, với điều kiện của một trường học vùng miền núi, con em học sinh không chỉ có điều kiện học tập thiếu thốn, mà còn thiếu không gian, môi trường đọc sách, giải trí lành mạnh... chính vì vậy khi phòng đọc sách dành cho học sinh ra đời, đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh tỏ ra vô cùng phấn khởi. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Trường TH Ia Nhin là nơi học tập của con em người dân lao động có điều kiện khó khăn, với hơn 50% là con em đồng bào dân tộc thiểu số Gia Rai.

Một lòng gắn bó với nghề

Cô Hoàng Thị Thu cho hay: Phòng đọc sách dành riêng cho các em học sinh được hình thành từ ý tưởng của cô giáo Lê Thị Quỳnh Ly không chỉ đúng với chủ trương của ngành GD-ĐT và nhà trường, mà còn đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ huynh, con em học sinh. Cho nên, mặc dù với điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn nhưng nhà trường vẫn sắp xếp, bố trí lại phòng lớp học để cải tạo lại một phòng học thành phòng đọc sách cho học sinh. “Cán bộ, giáo viên thực sự rất bất ngờ là chỉ sau một thời gian ngắn, cô giáo Quỳnh Ly đã biến một phòng học đơn điệu thành một không gian đọc sách hết sức thân thiện. Ngoài sự hỗ trợ của các giáo viên trong trường, cô còn tự mình huy động được bạn bè, người thân chung tay giúp sức nên phòng đọc sách được xây dựng rất quy củ. Từ đồng lương, thu nhập ít ỏi của mình, cô Quỳnh Ly cũng mua sắm thêm các vật dụng, đồ dùng phục vụ cho phòng đọc sách. Tấm lòng của cô giáo Quỳnh Ly khiến tôi cũng như các thầy cô giáo hết sức khâm phục, trân trọng”, cô Thu tâm sự.

Chia sẻ về công việc của mình, cô giáo Lê Thị Quỳnh Ly bày tỏ: “Bao năm gắn bó với công tác thư viện trường học, trong tôi luôn đau đáu suy nghĩ là làm sao để các em học sinh vùng sâu, vùng xa, miền núi có được điều kiện tiếp xúc với sách nhiều hơn. Niềm đam mê đọc sách trong học sinh còn hạn chế, một phần là cách làm, cách tổ chức thư viện của chúng ta chưa thật sự hiệu quả, hấp dẫn, lôi cuốn các em. “Ý tưởng xây dựng một không gian đọc sách dành riêng cho các em học sinh được tôi ấp ủ từ rất lâu, khi ngày đầu mới bước chân vào công việc, mãi cho đến năm học 2016-2017, với sự ủng hộ của nhà trường, cùng sự hỗ trợ của các cá nhân, phụ huynh thì phòng đọc sách mới được hoàn thành. Từ ngày có phòng đọc sách, các em học sinh chăm chỉ, thường xuyên đến với thư viện đọc sách hơn; điều này như càng tiếp thêm niềm tin, động lực cho công việc của tôi” - cô Quỳnh Ly bộc bạch.

Cô Ly luôn với nụ cười hiền ân cần hướng dẫn các em học sinh cách tra sách, lấy sách, cách đặt sách đúng cách lên giá; rồi nhẹ nhàng chỉ bảo các em học sinh cách giữ gìn để sách luôn mới, cùng các em trao đổi, thảo luận những câu chuyện, bài học hay từ trang sách... Ít ai biết được đằng sau nụ cười hiền, ánh mắt trìu mến ấy là nỗi đau căn bệnh quái ác đang hành hạ cô mỗi giờ, mỗi ngày mà cô đang nỗ lực chống chọi nhiều năm qua. “Có những hôm, giáo viên, học sinh đã về, tôi vẫn thấy cô Quỳnh Ly miệt mài làm việc trong thư viện, hay sắp xếp, sửa sang, làm vệ sinh không gian phòng đọc sách. Tôi cũng như nhiều thầy cô giáo cảm thấy tự hào khi có một đồng nghiệp luôn hết lòng với công việc. Bao năm qua, cô lặng thầm hoàn thành nhiệm vụ, lặng thầm tiếp thêm ngọn lửa tình yêu với sách đến từng em học sinh. Dẫu cuộc sống gia đình còn khó khăn, bản thân lại không may mang căn bệnh hiểm nghèo nhưng ý chí, nghị lực sống của cô giáo Quỳnh Ly luôn mãnh liệt và tất nhiên cô yêu mến công việc của mình hơn bao giờ hết”, thầy Nguyễn Đăng Thiện – Phó Hiệu trưởng Trường TH Ia Nhin chia sẻ.

ĐẠI KHẢI