"Bác sĩ" của trẻ em khuyết tật
Tốt nghiệp y sĩ đa khoa, cô gái trẻ Lê Thị Lệ Tươi quyết định tham gia chương trình đào tạo phục hồi chức năng-vật lý trị liệu tại Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Quảng Trị. Sau khóa học 6 tháng do Tổ chức Medipeace tài trợ, Lệ Tươi hiểu được thế nào là phục hồi chức năng-vật lý trị liệu và tầm quan trọng của việc này trên tất cả các mặt sức khỏe, y tế, giáo dục, sinh kế...
Lê Thị Lệ Tươi thực hiện bài tập vật lý trị liệu giúp trẻ khuyết tật phục hồi chức năng vận động. |
Quan sát cô gái trẻ làm công việc của một kỹ thuật viên phục hồi chức năng-vật lý trị liệu ở Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật của Hội Từ thiện tỉnh Quảng Trị mỗi ngày, sẽ thấy trong đó là cả tình yêu thương dành cho từng trẻ khuyết tật. Mọi việc được thực hiện bài bản, áp dụng nhiều bài tập với các trẻ khuyết tật một cách thành thạo và đánh giá được hiệu quả phục hồi chức năng-vật lý trị liệu với trẻ khuyết tật. Đó là các bài tập vận động trị liệu, các kỹ thuật xoa bóp kéo giãn, hoạt động trị liệu giúp trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ bại não cải thiện sức khỏe thể chất và tâm thần.
Trường hợp của bé Hải Đăng là ví dụ điển hình. Sinh năm 2017, Hải Đăng mắc bệnh bại não nên các cơ ở chân và tay co rút, hai bàn tay luôn nắm chặt, chậm phát triển trí tuệ. Khi được đưa đến trung tâm, Hải Đăng cao 85 cm và nặng 8 kg, không ngồi được, không nói được, mắt kém linh hoạt. Các bài tập phục hồi chức năng được Lệ Tươi áp dụng với Hải Đăng là bài tập tạo vận động các khớp, bài tập nén khớp, bài tập tạo thuận chịu sức nặng trên hai chân, bài tập tạo thuận kiểm soát đầu cổ và thân mình, bài tập tạo thuận ngồi và bài tập tăng nhận thức.
Cô giúp bé Hải Đăng vận động các khớp ở tay và chân, xoa bóp thư giãn và kéo giãn cơ để giảm tăng trương lực cơ, ức chế các phản xạ bất thường, kéo giãn các cơ bị co rút... Tuần tự từng bài tập, Lệ Tươi hỗ trợ bé Hải Đăng tăng cảm thụ bản thể, cảm giác, kích thích cơ, kiểm soát các khớp, đặt bé ngồi trên chân kỹ thuật viên hoặc trên trục lăn để bé có thể kiểm soát khớp hông và ức chế phản xạ bất thường. Để giúp bé Hải Đăng học cách ngồi, nhắm tới khả năng bé có thể tự ngồi được, Lệ Tươi đặt bé ngồi trên bóng hoặc trục lăn cùng với mình, trợ giúp bé ngồi dậy từ tư thế nằm sấp trên sàn và ngồi xổm, ngồi thăng bằng trên ghế dành cho trẻ bại não. Khi hỗ trợ bé gia tăng nhận thức, Lệ Tươi cho bé nghe nhạc, xem phim, tập cầm đồ chơi, nói chuyện nhiều và giao tiếp mắt với trẻ.
"Mình làm kỹ thuật viên phục hồi chức năng-vật lý trị liệu ở trung tâm cho đến nay được 7 tháng thì luyện tập cho bé Hải Đăng được 6 tháng. Hải Đăng có tiến triển khá, bé đã biết lật, biết kiểm soát đầu và cổ tốt hơn so với trước khi chưa được tập luyện", Lệ Tươi cho biết trong phần đánh giá cuối đợt vật lý trị liệu-phục hồi chức năng đối với bé Hải Đăng.
BỘI NHIÊN